Để không “thiếu nước”

VHO- Nước có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Vai trò của nước thể hiện trong mọi sinh hoạt của con người, có tác động tới sự phát triển của kinh tế xã hội.

Để không “thiếu nước” - Anh 1

Khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường

 

 Trong đời sống hiện nay, hầu hết các thành phố, thị xã trên cả nước đều có hệ thống cấp nước tập trung. Nhu cầu cấp nước cho cư dân đô thị cùng với nước cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vệ sinh môi trường… tại các đô thị cần từ khoảng 9-11 triệu m3/ngày. Đối với khu vực nông thôn, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều khu vực dân cư đã được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Việt Nam tuy là một trong những quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng hiện lại thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người chỉ đạt xấp xỉ 4.000m3/năm. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 18 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm chất lượng hoặc qua xử lý. Tuy tài nguyên nước bề mặt tương đối dồi dào, nhưng đó lại không được tính là nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt hằng ngày của người dân bởi hiện trạng sông, suối, ao hồ ở nước ta đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và khan hiếm do bị khai thác một cách quá mức.

Nước ngầm đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội, dân số ngày càng tăng thì tình trạng khai thác nước ngầm để phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn, từ đó nhiều nơi đã diễn ra tình trạng khai thác trái phép dẫn đến nguồn nước dưới đất đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động ngược trở lại môi trường sống. Theo thống kê của Bộ TN&MT năm 2018, tổng trữ lượng tài nguyên nước dưới đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam (chưa kể hải đảo) ghi nhận: Nước nhạt 189,3 triệu m3/ngày đêm; nước mặn là khoảng 61,4 triệu m3/ ngày đêm. Tuy nhiên, khả năng khai thác lại phụ thuộc nhiều vào đặc điểm, điều kiện địa chất thủy văn của từng khu vực. Việc khai thác nước dưới đất thường diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra tình trạng hạ thấp mực nước sâu và gia tăng quá trình xâm nhập mặn trong tầng chứa nước. Chính việc khai thác tùy tiện, tràn lan diễn ra ở một số nơi đã dẫn đến việc nguồn nước ngầm dần cạn kiệt. Bên cạnh đó các tài liệu điều tra cơ bản về nước dưới đất chưa được chú trọng, quan tâm cụ thể, công tác quy hoạch tài nguyên nước, kể cả nước dưới đất còn hạn chế do thiếu hụt về nguồn nhân lực, tài chính… Cùng với đó công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất mới chỉ tập trung ở các tầng chứa nước nông và cũng chỉ ở mức sơ bộ, chỉ có một số khu đô thị mới được đánh giá ở tỷ lệ lớn hơn nhưng đã được thực hiện từ khá lâu, trong nhiều giai đoạn, thiếu hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất.

Để giải quyết những thách thức và bất cập trên, thời gian qua Bộ TM&MT đã ban hành một số Quyết định, Nghị định về việc đảm bảo khai thác nguồn nước một cách hiệu quả, bảo vệ nguồn nước ngầm. Theo đó đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh việc kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn, các biện pháp bảo vệ nước dưới đất và hạn chế khai thác nước dưới đất, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ bãi sông, phòng chống sạt lở, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông. Cùng với đó tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia trong đó quy hoạch khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn. 

  Nước sạch cho trẻ em và khu vực khó khăn

Ngày Nước sạch thế giới năm 2022 được lựa chọn với chủ đề “Nước ngầm - Biến thứ vô hình thành hữu hình” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, Viện MSD - United Way Việt Nam đã khởi động chiến dịch “Đại sứ nước năm 2022” cùng các đối tác và triển khai thực hiện xây dựng 5 công trình nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch và giáo dục cộng đồng về sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường tại Lào Cai, Hoà Bình và Hà Giang. Dự kiến ngân sách do Chương trình Shinhan Square Bridge Việt Nam, người dùng Ví MoMo, Quỹ Vì tầm vóc Việt và Viện MSD cùng đóng góp, mang lại nguồn nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn cho dự kiến hơn 3.000 người, trong đó có khoảng 2.200 trẻ em. Trong năm 2022, dự kiến thực hiện thêm 10 công trình nước sạch, công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn cho các trường học và cộng đồng cư dân tại khu vực miền núi và nông thôn, tiếp tục thực hiện các hoạt động, ngày hội truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, hợp lý, đặc biệt là cho trẻ em - những nhân tố được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi trong tương lai.

N.KHANG

 THANH BẢO

Ý kiến bạn đọc