Để hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần

VHO- Theo số liệu của Bộ TN&MT, mỗi ngày có hơn 2.000 tấn rác nhựa được thải ra biển và đại dương tại Việt Nam. Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi rác thải nhựa.

Để hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần - Anh 1

Rác thải nhựa xả ra biển không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn cản trở sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam

Làm thế nào để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, đó là câu hỏi không dễ gì tìm được lời giải đáp?

Mỗi ngày hơn 2.000 tấn rác nhựa thải ra biển

Theo Bộ TN&MT, một tháng, mỗi gia đình ở Việt Nam mỗi tháng sử dụng đến 1 kg túi nilon, tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày thải ra môi trường lên tới 80 tấn. Mỗi ngày có hơn 2.000 tấn rác nhựa được thải ra biển và đại dương tại Việt Nam và Việt Nam là nước có tỉ lệ xả rác thải nhựa ra biển ở top đầu thế giới.

Tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đã làm giảm đi ít nhiều sự hấp dẫn của các điểm đến. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam đang ở vị trí thấp. Nhận thức rõ về việc này, trong những năm qua, ngành du lịch đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và từng bước cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh về môi trường.

Hưởng ứng phong trào nói không với rác thải nhựa, tháng 5.2019, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần. Theo đó, Bộ đề nghị các Sở VHTTDL, Sở Du lịch thực hiện và chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân viên về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững; đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, nước tại khu vực lễ tân, nơi đón tiếp trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và trong phòng ngủ các

 khách sạn nhằm kêu gọi, hướng dẫn khách du lịch cùng tham gia bảo vệ môi trường... Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), cùng Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực triển khai Chương trình “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường ở tất cả các doanh nghiệp du lịch cũng như lao động trong lĩnh vực du lịch.

Thực hiện chỉ đạo này, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú đã chủ động bắt tay hành động nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần bằng các biện pháp như dùng bình nước lớn, tái sử dụng chai đựng nước thay vì phát chai nước nhựa cho du khách; các phòng họp, khách sạn chuyển chai nước nhựa sang dùng dùng cốc, chai thuỷ tinh để dùng được nhiều lần. Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, inox, giấy…

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Tuy nhiên, việc giảm thiểu rác thải, trong đó có rác thải nhựa không thể một ngành, một tổ chức hay cá nhân nào có thể làm được, mà cần sự chung tay của các cấp ngành và toàn xã hội. Trong đó, thay đổi nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp là điều cấp thiết hiện nay. Tại các điểm du lịch, khách du lịch vẫn có thói quen sử dụng một cách tùy tiện túi chất liệu ni lông từ việc gói, đựng đồ dùng cá nhân, đồ ăn uống để mang đi du lịch. Trong khi đó, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch vẫn sử dụng túi ni lông, hộp xốp để gói đựng đồ cho du khách.

Việc thiếu đồng bộ trong quản lý, xử lý rác thải nhựa vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi. Những chiến dịch làm sạch bờ biển, thay thế túi nilon dùng một lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường đã được phát động, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên và chưa tạo được hiệu ứng cho toàn xã hội. Tại các điểm mua sắm, cửa hàng, chợ… tỉ lệ sử dụng túi nilon vẫn đang rất cao bởi những loại túi thân thiện với môi trường hiện vẫn có giá thành tương đối cao, trong khi đó, túi nilon lại được sản xuất với giá thành rất rẻ.

Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) năm 2020 được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, Điều 73 đã quy định riêng về “Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”. Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật…

Mặc dù đã có nhiều quy định luật pháp, phong trào nói không với túi nilon, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn để thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Bởi để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn như về nguồn vốn, tiêu chuẩn, công nghệ... Đặc biệt, cơ chế chính sách cụ thể về thuế, vay vốn cũng chưa khuyến khích doanh nghiệp sản xuất cũng như doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang túi ni lông dễ phân hủy. Bên cạnh đó, chưa có một cơ chế nào để tăng thuế hay có biện pháp nào để giảm hay chấm dứt việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Do đó, bên cạnh những phong trào, những sáng kiến về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, cần thúc đẩy nghiên cứu quy định sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa thân thiện môi trường và các vật liệu thay thế. Đồng thời, có những biện pháp hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như thúc đẩy việc tiến hành phân loại rác cũng như các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần mạnh tay với việc xả rác thải, trong đó có rác thải nhựa ra môi trường. 

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc