Bảo tồn đa dạng sinh học biển, góp phần phát triển du lịch
VHO- Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, tại vùng biển Ninh Thuận, rạn san hô và tính đa dạng của hệ sinh vật rạn san hô là một trong những thành phần đa dạng sinh học nổi bật nhất. Theo đó, trên vùng biển của tỉnh, các nhà khoa học đã ghi nhận được 6 điểm rạn san hô với độ che phủ trung bình khoảng 42,6%.
Phát triển, bảo tồn rạn san hô và sinh vật biển trên vùng biển Ninh Thuận
Rạn san hô được xác định có trên 334 loài thuộc 15 họ, 59 giống san hô tạo rạn, trong đó có 46 loài mới được ghi nhận và bổ sung vào danh mục các loài san hô Việt Nam. Rạn san hô là nơi trú ẩn của nhiều loài sinh vật, trong đó có cá rạn san hô với 147 loài thuộc 81 chi, 32 họ. Thảm cỏ biển cũng được xác định có 5 loài phân bố trên nền đáy ven bờ với diện tích khoảng 341ha.
Sự đa dạng sinh học của vùng biển Ninh Thuận còn được thể hiện ở việc ghi nhận 538 loài cá gồm 146 loài cá nổi, 392 loài cá đáy, trong đó có 68 loài cá có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, các loài sinh vật biển còn có 45 loài động vật thân mềm, 24 loài giáp xác, 13 loài da gai, 22 loài giun nhiều tơ. Đáng chú ý, vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa hiện là một trong số ít khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam có quần thể rùa biển lên đẻ trứng hằng năm gồm: Rùa xanh, đú, đồi mồi... Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận, cho biết du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Thuận, trong đó du lịch biển, đảo đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong nhiều năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận tham quan các tour biển, đảo ngày càng tăng cao, đây là điều hết sức đáng mừng. Hiện nay, các tour du lịch lặn biển, ngắm san hô, các sinh vật biển ở vịnh Vĩnh Hy, Khu bảo tồn Vườn quốc gia Núi Chúa, Hang Rái… luôn được đông đảo du khách đến trải nghiệm.
Khách du lịch tham quan tại vịnh Vĩnh Hy
Theo ông Hòa, biển Ninh Thuận với nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu vực san hô phát triển đa dạng thuận lợi khai thác tour du lịch lặn biển, ngắm san hô và sinh vật biển. Trên vịnh Vĩnh Hy đã hình thành và khai thác tour du lịch lặn biển và ngắm san hô trên tàu đáy kính, hàng năm, được hàng triệu lượt du khách quan tâm, đến trải nghiệm. Ngoài ra, tới đây, ngành Du lịch Ninh Thuận tiếp tục nghiên cứu phát triển một số tour du lịch lặn biển, ngắm san hô, các loài sinh vật biển ở khu vực biển thuộc Khu bảo tồn Vườn quốc gia Núi Chúa, Hang Rái...
Bên cạnh các lợi thế về đa dạng sinh học biển, phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch thì hiện nay, công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển Ninh Thuận đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, rác thải khiến một số khu vực biển đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra những áp lực không nhỏ tới công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển của địa phương. Về vấn đề bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển để đáp ứng các nguồn lực thúc đẩy du lịch địa phương, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Xác định tài nguyên đa dạng sinh học biển có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương, hằng năm, Ninh Thuận đều lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp Sở VHTTDL, các cơ quan, đơn vị thực hiện quan trắc, phân tích đánh giá hiện trạng môi trường định kỳ hằng năm và theo chu kỳ 5 năm một lần để tạo sự chủ động cho công tác xây dựng các định hướng về chính sách bảo vệ môi trường biển, phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học biển nói riêng, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực từ Trung ương và địa phương triển khai các chương trình, dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khu bảo tồn biển…
XUÂN HƯỚNG