Bao giờ mới thấy Đô thị xanh ở Huế?

VHO- Dự án Đô thị xanh triển khai tại Thừa Thiên Huế đang chậm tiến độ rất nhiều so với kế hoạch, khó hoàn thành theo điều khoản Hiệp định vay với ADB. Trong đó, nhiều gói thầu vẫn đang còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công ì ạch khiến cho đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh du lịch của dân cư ở các tuyến đường triển khai dự án bị ảnh hưởng…

Bao giờ mới thấy Đô thị xanh ở Huế? - Anh 1

 Cầu Long Thọ thi công ì ạch, người dân Thủy Biều chờ nhau qua cầu tạm mỗi ngày

Có mặt tại tuyến đường Bùi Thị Xuân những ngày qua, chúng tôi đã nghe nhiều người dân ca thán về tình trạng bụi bẩn bủa vây nhà cửa, đường sá. Chỉ mới buổi sáng, tình trạng xe ô tô, xe tải, xe máy nối đuôi nhau chờ qua cầu tạm Long Thọ đã kéo theo cả bầu không khí khói bụi, ô nhiễm. Nhiều nhà dân ở khu vực xung quanh đã dùng các tấm bạt, rèm vải để che chắn nhưng nhà nào cũng bị ảnh hưởng.

Chị Võ Thị Thu Hà (52 tuổi) cho biết, khi triển khai dự án thi công cầu Long Thọ, gia đình chị cũng bị “dính” một phần đất và đã giải tỏa. “Đây là công trình cần thiết, Nhà nước làm thì mình rất ủng hộ nhưng tình trạng thi công quá chậm khiến cho cuộc sống của gia đình tôi cũng đảo lộn, khó khăn. Nhà tôi kinh doanh tạp hóa, có mở thêm quầy cà phê giải khát, nhưng từ khi dự án cầu Long Thọ thi công thì bụi bặm, không có khách nào dám đến. Chúng tôi chỉ mong chính quyền chỉ đạo để đơn vị thi công đẩy nhanh, sớm hoàn thành dự án, người dân sớm ổn định cuộc sống trở lại”, chị Thu Hà bày tỏ. Những ngày qua, công trình cầu Long Thọ trên đường Bùi Thị Xuân chỉ có vài ba công nhân thi công. Trong khi đó, tuyến đường Bùi Thị Xuân là con đường huyết mạch của phường Thủy Biều cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Tuyến đường này cùng với đường Huyền Trân Công Chúa và cầu Long Thọ đều nằm trong gói thầu số 27 (với kinh phí hơn 89 tỉ đồng) của dự án Đô thị xanh tại Thừa Thiên Huế.

Ông Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều thông tin, có gần 340 hồ sơ đất đai của các gia đình, đơn vị trên tuyến đường Bùi Thị Xuân qua địa bàn phường (dài hơn 3km) thuộc diện giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án. Đến nay, còn hơn 30 trường hợp còn vướng mắc về các nội dung. Phường đã nhiều lần tổ chức vận động các hộ dân, đồng thời kiến nghị Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho người dân, giải quyết những kiến nghị của người dân, đảm bảo sớm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Gói thầu tại phường Thủy Biều được triển khai từ năm 2020 và theo kế hoạch đến cuối tháng 8 này sẽ hoàn thành. Nhưng đến nay, cầu Long Thọ vẫn chưa xong; đường Bùi Thị Xuân hiện đang thi công dang dở; đường Huyền Trân Công Chúa cũng tương tự. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân, bởi tuyến đường Bùi Thị Xuân được xem là “độc đạo” của địa phương.

Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội, du lịch của địa phương, đặc biệt là với Thủy Biều, nơi có nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng về văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng. Thế nhưng với thực tế thi công này đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động giao thông, đưa đón và phục vụ khách du lịch.

Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) được triển khai tại 3 địa phương: Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Hà Giang, với nguồn vốn vay 223,87 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Dự án thành phần Thừa Thiên Huế do Sở KH&ĐT tỉnh làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 1.617 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là hơn 1.353 tỉ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của tỉnh. Dự án tại Thừa Thiên Huế với 10 gói thầu, nhưng đến nay chỉ mới có 2 gói thầu hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các gói thầu còn lại được triển khai tại TP Huế đang bị chậm tiến độ quá nhiều do vướng giải phóng mặt bằng, nhà thầu thi công chậm, điều chỉnh thiết kế… Trong khi đó, đến tháng 4.2024, dự án phải hoàn thành theo điều khoản Hiệp định vay với ADB.

Ông Lê Thành Bắc, Phó Ban Quản lý dự án Đô thị xanh tại Thừa Thiên Huế, cho biết: Tổng khối lượng thi công của toàn dự án đang đạt khoảng 50%. Khó khăn lớn nhất của các gói thầu là công tác giải phóng mặt bằng, hiện chỉ mới thực hiện được gần 60% trên tổng số khoảng 3.000 hộ bị ảnh hưởng. Riêng tại các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa qua phường Thủy Biều, Ban Quản lý dự án cũng hỗ trợ máy đào để giúp bà con tháo dỡ mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ nhưng đến nay còn hơn 30 hộ đang vướng mắc; các hộ này nằm rải rác dọc tuyến đường nên không thể triển khai thi công. Theo Ban Quản lý dự án, không chỉ gói thầu 27 ở phường Thủy Biều mà 8 gói thầu đang triển khai tại TP Huế đều đang chậm tiến độ rất nhiều so với kế hoạch; tiến độ thi công các gói thầu chậm từ 270 ngày đến 880 ngày. Nhiều gói thầu không thể hoàn thành theo đúng thời hạn hợp đồng.

Gói thầu 24 với mức kinh phí 224,4 tỉ đồng, tập trung xây dựng hệ thống thoát nước và nâng cấp vỉa hè các tuyến đường của 4 phường nội thành, nạo vét các hồ bên trong Kinh thành Huế và chỉnh trang, xây dựng bờ kè dọc sông Đông Ba. Hơn một năm qua, việc thi công dang dở ở 15/16 tuyến đường đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư cũng như các hoạt động về du lịch. Bởi nhiều tuyến đường nằm khu vực xung quanh Đại Nội Huế như: Đinh Công Tráng, Hàn Thuyên, Đặng Dung, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Biểu, Nguyễn Chí Diểu... Đến nay, tỉ lệ giải phóng mặt bằng ở gói thầu này cũng chỉ đạt hơn 31%, và để hoàn thành theo hợp đồng vào tháng 4.2024 là khó khả thi. Hay gói thầu 37 về nạo vét và kè sông Kẻ Vạn, cải tạo và nâng cấp sông Lấp (phường Kim Long, TP Huế) với giá trị hợp đồng gần 118 tỉ đồng cũng khó “về đích” theo hợp đồng… 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc