Bàn giao nhiều động vật quý hiếm để thả về tự nhiên
VHO - Số cá thể động vật hoang dã được Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chăm sóc và kiểm tra tình trạng sức khỏe, khi đảm bảo các tiêu chuẩn sẽ được bàn giao, tái thả về rừng tự nhiên của các Vườn Quốc gia.
Sáng 15.9, Công an huyện Hương Khê phối hợp Hạt Kiểm lâm Hương Khê tổ chức bàn giao hai cá thể rùa quý hiếm cho Vườn Quốc gia Cúc Phương. Trước đó, chiều ngày 13.9, tổ công tác Công an huyện Hương Khê đã tổ chức tiếp nhận hai cá thể rùa từ anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1999, trú tại thôn 7, xã Hương Lâm). Hai cá thể rùa này có cân nặng gần 2kg/con, thuộc loài rùa trán vàng nhóm IB và rùa hộp núi viền thuộc nhóm IIB được anh Tuấn bắt được đưa về nhà trong một lần đi rừng trước đó. Để bảo vệ 2 cá thể rùa này, Công an huyện Hương Khê đã phối hợp Hạt Kiểm lâm Hương Khê tổ chức bàn giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương để hỗ trợ cứu hộ, nhận nuôi, chăm sóc, phục hồi động vật.
Công an huyện Hương Khê phối hợp Hạt Kiểm lâm Hương Khê bàn giao cá thể rùa cho Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Hạt Kiểm lâm Hương Khê
Vào sáng ngày 8.9, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cũng đã phối hợp cơ quan chức năng tiếp nhận một cá thể khỉ mặt đỏ từ người dân tự nguyện bàn giao. Theo đó, ngày 28.8, bà Nguyễn Thị Hà (SN 1974, trú tại thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch, Hương Khê) mua một cá thể khỉ mặt đỏ của người dân ở xã Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với mục đích để phóng sinh. Đến sáng nay, bà Nguyễn Thị Hà đã liên hệ với chính quyền xã Hương Trạch và Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê để bàn giao cá thể khỉ mặt đỏ này.
Sau khi tiếp nhận, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê đã phối hợp chính quyền địa phương xã Hương Trạch và bà Nguyễn Thị Hà tiến hành bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang để tiếp tục theo dõi, chăm sóc trước khi thả về tự nhiên. Cá thể khỉ mặt đỏ này nặng khoảng 15kg, có tên khoa học là Macaca arctoides, thuộc nhóm II B, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Thời gian qua, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận một số lượng lớn động vật hoang dã để tái thả về môi trường tự nhiên. Vào tháng 7.2023, Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận từ Chùa Đại Giác (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tám cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc, một cá thể rùa đất Sepon, hai cá thể cầy vòi hương, một cá thể khỉ mốc, một cá thể khỉ vàng và một số động vật thông thường gồm dúi mốc, rắn các loại. Đó là số lượng động vật được các phật tử từ nhiều nơi gửi cho nhà chùa nhằm phóng sinh. Khi biết Vườn Quốc gia Vũ Quang là nơi thích hợp để thả động vật về tự nhiên nên nhà chùa đã bàn giao cho đơn vị.
Nhiều cá thể động vật được bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang để thả về tự nhiên. Ảnh: Quang Tuấn
Anh Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Vũ Quang) cho biết: “Vườn Quốc gia Vũ Quang là nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.Vườn Quốc gia Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ...
Với tính đa dạng sinh học, tháng 10.2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu "Vườn di sản ASEAN”. Hoạt động chăm sóc, cứu hộ và tái thả động vật hoang dã luôn được đơn vị hết sức chú trọng và làm tốt trong mọi khâu, từ tuyên truyền, phối hợp đến chăm sóc, bảo vệ. Do vậy, chúng tôi đã trở thành địa chỉ tin cậy để các tổ chức, cá nhân giao nộp các loài động vật nguy cấp quý hiếm trước khi tái thả về môi trường tự nhiên”, anh Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm.
PHẠM TƯỚC