2 cá thể Cầy vằn bắc quý hiếm và 1 gấu được cứu hộ khỏi tình trạng mua bán trái phép và nuôi nhốt
VHO- Ngày 22.9, Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma tuý, Công an huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá vừa cứu hộ thành công hai cá thể Cầy vằn bắc, tịch thu từ hai đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép trên địa bàn huyện.
Đây là hai cá thể Cầy vằn được hai đối tượng trên mua từ người dân bẫy bắt từ trong rừng. Qua kiểm tra sơ bộ, cả hai đều bị thương nặng ở chân do dính bẫy, trong đó có một cá thể rất yếu, suy nhược nghiêm trọng. Hiện hai cá thể này đã được đội cứu hộ đưa về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại VQG Cúc Phương để cấp cứu, chữa trị. Hai đối tượng mua, bán trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ vào tối ngày 21.9.
Lực lượng chức năng giao 2 cá thể Cầy vằn bắc cho đoàn cứu hộ
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, Cầy vằn bắc được Sách đỏ IUCN xếp vào loài nguy cấp và có thể xem xét đưa vào xếp loại rất nguy cấp. Hiện nay Vườn quốc gia Cúc Phương đang phối hợp cùng SVW trong việc mở rộng xây dựng chương trình sinh sản bảo tồn loài Cầy vằn để tái thả và phục hồi quần thể ngoài tự nhiên sau này. Trong đó, dự kiến một khu sinh sản bảo tồn Cầy vằn sẽ được xây dựng trên diện tích gần 1ha tại Vườn quốc gia Cúc Phương với 50 khu chuồng sinh sản bảo tồn cho loài Cầy vằn. Khu vực này sẽ lưu giữ khoảng 50 cá thể Cầy vằn và sau đó tái thả về tự nhiên mỗi năm từ 6-10 cá thể. Cầy vằn bắc là một loài đặc hữu của Đông Dương và là một trong những loài thú ăn thịt có diện tích phân bố hẹp nhất, chỉ phân bố ở 3 nước là Việt Nam, phía Đông của Lào và một phần phía Nam của Trung Quốc. trong đó, Việt Nam là nước mà Cầy vằn phân bố chính. Theo quy định của Việt Nam loài này thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB.ăc
Cầy vằn Bắc chủ yếu sống ở Việt Nam
Qua nghiên cứu, quần thể Cầy vằn bắc ngoài tự nhiên đã suy giảm hơn 50% trong vòng 15 năm qua, và có xu hướng suy giảm tương tự trong vòng 15 năm tới. Dù vẫn ghi nhận qua bẫy ảnh và quan sát được tại một vài điểm, nhưng tần suất và phạm vi bắt gặp của loài ngày càng ít do các hoạt động săn bắn, bẫy bắt, đặc biệt là sử dụng bẫy dây đối với loài kiếm mồi dưới đất như Cầy vằn bắc. Vì vậy, loài này nên được xem xét đưa lên nhóm IB để gia tăng cơ sở pháp lý giúp bảo vệ loài đặc hữu đang nguy cấp của Đông Dương một cách tốt nhất.
Cũng trong ngày 22.9, Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ một cá thể gấu đã được nuôi nhốt từ năm 2005 tại một hộ gia đình tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Gia đình được Chi cục Kiểm lâm Nam Định và các đơn vị chức năng vận động nên đã làm đơn tự nguyện chuyển giao gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sau 17 năm trong chuồng cũi, gấu được Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ và đặt tên là Paddington- theo tên của nhân vật hoạt hình đã trở thành “bảo vật” của nước Anh và là biểu tượng của sự tử tế.
Chú gấu bị nuôi nhốt 17 năm được cứu hộ
Đoàn cứu hộ gấu gồm các bác sĩ, thú y, chuyên gia hành vi và cán bộ của Tổ chức Động vật Châu Á đã gây mê để đưa gấu ra ngoài, khám sức khoẻ tại hiện trường đánh giá tổng quát sức khoẻ gấu. Bác sĩ thú y Phạm Thị Lan Hương cho biết sức khoẻ của gấu tương đối ổn định, ngoài việc cơ thể bị mất nước, gấu có một cái răng bị gãy, siêu âm túi mật không thấy bất thường.
Do bị thu hẹp môi trường sống (sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên), và nạn săn bắt gấu tự nhiên để đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, vẫn còn khoảng hơn 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật; bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý; thậm chí nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên. “Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do. Tổ chức Động vật Châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho gấu”, bác sĩ Phạm Thị Lan Hương nói.
X.QUANG