10 tác phẩm sáng tạo truyền thông được trao giải cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng”

VHO- 11 giải thưởng được trao cho 10 tác phẩm truyền thông sáng tạo nhất thuộc 3 hạng mục “Phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động”, “Podcast” và “Truyện tranh, tranh vẽ, poster và ảnh chụp” được trao 11 giải thưởng cuộc thi dành cho thanh niên “Khi nhựa lên tiếng”. Trong đó có 1 tác phẩm được trao 2 giải thưởng vì sự sáng tạo , ý nghĩa truyền thông và nhận được nhiều bình chọn của thanh niên nhất.

Tác phẩm video “Xin đừng thả bóng” của nhóm Helius+ đã nhận giải Nhì hạng mục video và 1 giải thưởng duy nhất dành cho sản phẩm được yêu thích nhất do cộng đồng bình chọn. Xuyên suốt video là sự ra đời của quả bóng bay, và từ đó hiện hữu trong nhiều hoạt động của con người như sinh nhật, ngày lễ, rạp xiếc, ngày khai trường… Nhưng ít ai quan tâm rằng, sau khi quả bóng bay lên trời thì mảnh vỡ lại mang đến sự chết chóc cho những loài vật khác như rùa biển dưới đại dương hay chim hải âu trên bầu trời. Vì vậy, thông điệp của nhóm tác giả tới giới trẻ là: “Chỉ sử dụng bóng bay khi thực sự cần thiết. Thả bóng bay lên trời, mang theo ước mơ của các bạn học sinh nhưng đã giết chết ước mơ của những chú chim và các bạn rùa biển. Bóng bay xinh đẹp muôn vàn cũng chẳng thay được một đàn chim bay…” .

10 tác phẩm sáng tạo truyền thông được trao giải cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng” - Anh 1

Chim hải âu bị chết sau khi nuốt  phải mảnh vỡ của bóng bay (cắt từ clip)

Theo báo cáo của Bộ TN-MT và các nghiên cứu khoa học cho thấy, sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, quá trình đô thị hoá và thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn tới khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn quốc. Trong vòng hai thập kỷ vừa qua, lượng nhựa sử dụng hằng năm tại Việt Nam tăng đáng kể, từ 3.8 kg/người (năm 1990) tới 33 kg/người (2010), 41 kg/người (2015) và chạm ngưỡng 81 kg/người (2019). Khoảng 72% số nhựa đã sử dụng trở thành rác thải (tương đương với 58 kg rác/người/năm). Hơn nửa số nhựa được sản xuất (3.6 triệu tấn/năm) không được xử lý đúng cách với tỷ lệ tái chế thấp, khoảng 15% (NPAP, 2020). Số còn lại bị chôn trong bãi rác, bãi chôn lấp, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời. Theo các nhà nghiên cứu môi trường, Việt Nam là một nguồn lớn gây ô nhiễm nhựa trên biển. 

Trước thực trạng này, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và GreenHub quyết định cùng tổ chức cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng” nhằm mục đích tìm ra các sản phẩm truyền thông sáng tạo và có sức lan tỏa đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Cuộc thi có sự đồng hành của Nhóm Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường. cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cùng nhiều doanh nghiệp đang sử dụng và sản xuất các loại bao bì tái chể. 

10 tác phẩm sáng tạo truyền thông được trao giải cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng” - Anh 2

Các sản phẩm làm từ nhựa luôn ở xung quanh chúng ta (ảnh cắt từ Clip của nhóm NTP)

Cũng trong khuôn khổ lễ trao giải diễn ra ngày 6.11, tọa đàm “Thanh niên với giảm thiểu rác thải nhựa” đã được tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội được gặp gỡ, lắng nghe, cùng trao đổi quan điểm về rác thải nhựa với các chuyên gia, khách mời tại tọa đàm. “Chúng tôi rất vui mừng khi năm đầu tiên triển khai, cuộc thi Khi nhựa lên tiếng đã thu hút gần 200 tác giả tham gia theo hình thức cá nhân và nhóm với gần 100 sản phẩm. Các sản phẩm đã thể hiện sự đầu tư về thời gian, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức và sự sáng tạo. Đây là minh chứng cho sự nhiệt huyết, mong muốn lan tỏa mạnh mẽ những hành động thiết thực cho môi trường.” – bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ VSF chia sẻ.

“Plastic Talk không chỉ là một cuộc thi mà còn là một diễn đàn rộng mở để cho chúng mình có thể học tập, nâng cao nhận thức của mình về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. Cuộc thi cũng tạo ra cơ hội để những "greener" học hỏi, trao đổi được với nhau, tương tác với cộng đồng một cách tích cực bằng những sản phẩm truyền thông sáng tạo về bảo vệ môi trường. Từ đó ngoài nâng cao nhận thức cho chính bản thân, nhóm Helius+ cũng như các tác giả, nhóm tác giả tham gia cuộc thi còn nâng cao nhận thức cho bạn bè, người thân và mọi người xung quanh!” - bạn Nguyễn Bá Khải, thành viên nhóm Helius+ bày tỏ.

Tại tọa đàm, thanh niên được giải đáp các thắc mắc về hành lang pháp lý, việc truyền thông các tác phẩm sau cuộc thi, các kế hoạch và hoạt động tiếp theo của ban tổ chức, phương pháp hạn chế tối đa nhựa sử dụng 1 lần, và thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu rác thải nhựa. Với những kinh nghiệm về việc triển khai các dự án và truyền thông bảo vệ môi trường, các đại biểu đã cung cấp nhiều thông tin về nỗ lực của Chính phủ, cũng như các tổ chức, từng bước hiện thực hóa việc giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam. 

Theo kế hoạch, các sản phẩm đoạt giải sẽ được sử dụng trong các hoạt động truyền thông phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thông qua hoạt động này, Ban Tổ chức mong muốn nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên niên và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường; đồng thời khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo của thanh thiếu niên về chủ đề rác thải nhựa.

Ngoài tác phẩm “Xin đừng thả bóng”, Ban Tổ chức đã trao giải cho 9 tác phẩm khác. Điểm độc đáo của cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng” là các thí sinh lọt vào Vòng 2 đã được lắng nghe những góp ý từ Ban giám khảo để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sáu thành viên của Ban giám khảo là những chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, nghệ thuật, phát triển. Các thí sinh có cơ hội chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm trước khi được chấm tại Vòng chung kết và lan.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc