Xuất bản số trong phát triển Văn hóa đọc: Đâu là thách thức lớn nhất?
VHO- Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, tọa đàm Xuất bản số trong phát triển Văn hóa đọc do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) phối hợp với Công ty CP sách Alpha (Alpha Books) tổ chức mới đây đã cho thấy sự cấp thiết của chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang gặp nhiều thách thức.
Khu vực sách nói phục vụ bạn đọc tại Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I năm 2022
Ngành xuất bản có cần chuyển đổi số không?
Tại sự kiện, các vấn đề xoay quanh chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản như: Thực trạng ngành xuất bản số tại Việt Nam; Những cơ hội, thách thức của xuất bản trong thời kỳ mới; Những yếu tố để khai thác hiệu quả “mảnh đất màu mỡ” trong xuất bản điện tử; Các biện pháp để chuyển đổi số thành công… cũng như vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chuyển đổi số ngành xuất bản đã được các diễn giả trao đổi, thảo luận.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đưa ra thông tin, “Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây gửi cho tôi, dù chưa phải là chính thức nhưng dự báo khá quan ngại, đó là chỉ có 21% người Việt đọc sách trong 1 năm, một tỷ lệ khá thấp. Trong đó, đọc nhiều nhất là học sinh, các em đọc phần lớn là sách giáo khoa để phục vụ việc học của mình. Điều lạ là càng nhiều tuổi thì việc đọc sách của mọi người càng ít đi và tôi nghĩ điều này cũng có thể đúng, vì quỹ thời gian của chúng ta đang ngày một eo hẹp. Cho nên một nhiệm vụ nữa mà tôi rất quan tâm, là để có thói quen đọc sách, thì trước hết phải tạo ra quỹ thời gian để tạo lập thói quen đó”.
Trả lời câu hỏi có cần chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay không? Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành nền tảng xuất bản điện tử Waka cho rằng câu trả lời tùy vào lãnh đạo từng đơn vị, mọi người thấy cần thì tiến hành, còn chưa thì sẽ đứng ngoài. “Tuy nhiên, thị trường vận động sẽ tạo ra mối đe dọa đến từ việc chúng ta đánh mất người dùng vào các hình thức giải trí khác”, ông Hoàng đưa ra cảnh báo nếu đơn vị xuất bản vẫn còn chần chừ đứng ngoài cuộc chuyển đổi số.
Khẳng định sự cần thiết của chuyển đổi số, ông Nguyễn Nguyên cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng chung không của riêng ngành xuất bản khi mà giờ đây chỉ cần ra khỏi ngõ, mở một tờ báo, xem tin tức trên mạng đâu đâu cũng nhắc câu chuyện chuyển đổi số. Chuyển đổi số tạo ra 3 sản phẩm chính: Sự đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức xuất bản; đa dạng hóa các mô thức xuất bản; tạo ra thị trường xuất bản, tiến tới câu chuyện xuất bản không biên giới.
Theo ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc NXB ĐH Kinh tế Quốc dân, xu hướng tất yếu để hưởng thụ văn hóa đọc hiện nay không chỉ có sách giấy, mà công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ tất yếu có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng này.
“Chuyển đổi số trong ngành xuất bản là nhu cầu tất yếu và mang tính cấp thiết. Trong quá trình chuyển đổi số thì vấn đề đào tạo con người để ứng dụng các kỹ năng, đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật và vận hành các quy trình xuất bản để thực hiện chuyển đổi số trong công tác xuất bản là một vấn đề các NXB cần phải hướng tới”, bà Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc NXB Công thương nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, mỗi NXB cần xây dựng cho mình một định hướng, một chiến lược và bước đi phù hợp để vừa có thể bắt nhịp nhu cầu của cơ chế thị trường, vừa vận dụng các nền tảng công nghệ số một cách tốt nhất, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm của mình để hướng tới đa dạng đối tượng bạn đọc.
Thách thức là vô cùng lớn
Theo Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình, thách thức lớn nhất trong việc chuyển đổi số nằm ở thị trường, ngành xuất bản là một thị trường nhỏ, doanh thu thấp, khiến cho quá trình đầu tư của các đơn vị xuất bản khó khăn hơn rất nhiều.
Khái quát quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Nguyên phân tích, có 4 giai đoạn chính trong chuyển đổi số, đầu tiên là số hóa các dữ liệu, giai đoạn này khá sớm, khoảng đầu năm 1995 và được thực hiện liên tục đến nay, ngày càng hiện đại và quy mô hơn. Giai đoạn thứ 2 là việc ứng dụng các nền tảng vào một số hoạt động đơn giản và hoạt động có tính lặp đi lặp lại nhiều, ví dụ hoạt động hành chính, kế toán. Giai đoạn 3 là ứng dụng các nền tảng vào quy trình xuất bản, từ khâu quản lý đến biên tập, phát hành, phát triển thị trường và truyền thông. Thứ 4 là quá trình ứng dụng AI, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giai đoạn này đang rất hạn chế, đặc biệt là ứng dụng vào quy trình biên tập hiện nay chưa có nhiều, một số đơn vị đang triển khai với những bước ban đầu.
“Trong các thách thức đặt ra hiện nay cho xuất bản số, tôi cho rằng có hai vấn đề quan trọng nhất, đó là nâng cao nhận thức và nhân lực trong chuyển đổi số - nhân lực có tính quyết định và độc lập. Bên cạnh đó, hai nhóm vấn đề cần phải quan tâm là hành lang, chính sách pháp luật; nguồn lực tài chính, tài lực và công nghệ”, ông Nguyên nói.
Chủ tịch Alpha Books thẳng thắn, “Nền xuất bản chúng ta manh mún, nhỏ lẻ, mỗi doanh nghiệp cũng chỉ được một hai trăm tỉ đồng một năm, thì làm sao có thể thực thi được quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi những phần mềm, những hệ thống... Chúng ta phân công nhiệm vụ rất rõ, hô hào rất rõ, nhưng nếu không có giải pháp, nếu thiếu đi thực lực của từng doanh nghiệp, của một nền kinh tế tri thức,… thì tôi cho rằng đó là thách thức vô cùng lớn”. Theo ông Bình, ngoài việc xây dựng ý thức tôn trọng văn hóa đọc, cần có những quy định đối với các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để có các giải pháp thiết thực hơn nhằm đẩy mạnh văn hóa đọc, cụ thể như xây dựng các thư viện trong nhà trường, hình thành các nhà văn hóa cộng đồng… mà ở đó được đầu tư sách một cách đầy đủ.
Phân tích trở lại cho lập luận này, ông Nguyên nhấn mạnh, chính nhận thức mới tạo ra thị trường, nếu không có nhận thức, kể cả chúng ta có mang sách về thư viện thì cũng không có hiệu quả. “Chúng tôi đã triển khai hệ thống tủ sách pháp luật đến xã, phường, thị trấn và thực tế hiệu quả còn hạn chế. Chúng ta thấy rằng mình đã có thư viện, nhưng bản thân người đọc họ không có nhu cầu hoặc thư viện không đáp ứng nhu cầu thì tất cả những nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa”, ông Nguyên bày tỏ.
Theo các chuyên gia, trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh và trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số là điều kiện bắt buộc và cũng là cơ hội lớn mở ra giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản. Văn hóa đọc sách được coi là một hoạt động cực kỳ quan trọng để xây dựng thành văn hóa doanh nghiệp đặc trưng. Do đó, chuyển đổi số ngành xuất bản có vai trò đóng góp to lớn trong việc phát triển văn hóa đọc của doanh nghiệp. “Văn hóa đọc là bệ đỡ, là sự phát triển cho xuất bản, không có văn hóa đọc thì không thể mở ra được thị trường và cũng khó để phát triển được, dù là phát triển truyền thống hay phát triển số”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.
THÙY TRANG