Vì sao bảo tàng cổ xưa nhất Việt Nam cần đầu tư xây dựng?
VHO- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có tuổi đời tròn 100 năm, sau nhiều biến động lịch sử và chịu ảnh hưởng của thiên tai, không gian của bảo tàng đã bị xuống cấp, không tương xứng với quy mô và tính chất của một bảo tàng cổ đang lưu giữ kho hiện vật quý đồ sộ…
Không gian trưng bày của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện chỉ trưng bày được khoảng 300 hiện vật
Cuối tháng 3 vừa qua, trong chuyến công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm không gian trưng bày và khu vực kho bảo quản của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, phường Đông Ba, TP Huế). Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng cũng thống nhất chủ trương với kiến nghị xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đồng thời đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu lập dự án.
Nếu có được một bảo tàng “đúng nghĩa”…
Việc xây dựng bảo tàng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa, phù hợp với tổng thể di tích Cố đô Huế; việc trưng bày, giới thiệu phải khoa học, hiện đại… và bảo tàng phải tự “sống được” bằng nguồn thu.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập cách đây đúng 100 năm dưới thời vua Khải Định và có tên là Bảo tàng Khải Định. Không gian trưng bày chính của bảo tàng là điện Long An. Ban đầu, công trình điện Long An được xây dựng vào năm 1845, nằm trong cung Bảo Định dưới thời vua Thiệu Trị nhưng sau đó bị hư hại, tàn phá. Đến năm 1909, thời vua Duy Tân đã cho dựng lại điện Long An tại vị trí hiện nay, với mục đích làm thư viện cho Quốc Tử Giám, và vào năm 1923 thì công trình này được dùng để làm không gian của Bảo tàng Khải Định, bây giờ là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, bảo tàng đang “sở hữu” đến hơn 11.000 hiện vật có giá trị, trong đó có rất nhiều cổ vật quý hiếm và bảo vật quốc gia nhưng không gian trưng bày hiện nay rất hạn chế, với chỉ khoảng 300 hiện vật được trưng bày. Vốn là một cung điện cổ, nên chưa thể có không gian trưng bày theo tiêu chuẩn của một bảo tàng, hạn chế về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… Ngoài ra, công tác lưu trữ và bảo quản cũng đang rất khó khăn, hệ thống kho trước đây là công trình được tận dụng từ một nhà gỗ vận chuyển từ Quảng Trị về, sau đó năm 1985 bị bão lớn tàn phá nên buộc xây tạm lại bằng bê-tông nhưng đến nay tình trạng xuống cấp, ẩm thấp, thấm dột, không đạt yêu cầu về kho bảo quản hiện vật. “Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong các bảo tàng cổ xưa nhất của Việt Nam. Nơi đây lưu giữ nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc, những dấu ấn lịch sử của triều Nguyễn và cả thời các chúa Nguyễn, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia; đặc biệt bảo tàng còn có bộ sưu tập độc đáo về các cổ vật thời Champa… Nếu có được một bảo tàng “đúng nghĩa” thì sẽ góp phần phát huy được giá trị tinh hoa của dân tộc, tương xứng với quá trình hình thành của cả vùng đất và trong sự phát triển chung của đất nước”, ông Hoàng Việt Trung nói.
Điện Long An, không gian chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Trông chờ những phương án khả thi
Trong hồ sơ Quần thể di tích Cố đô Huế khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993, điện Long An - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong những công trình có giá trị. Trên công trình này cũng lưu giữ nhiều tác phẩm “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cách đây nhiều năm, trước tình trạng hạn chế trong trưng bày và bảo quản cổ vật tại đây, các đơn vị chuyên môn cũng từng đề cập đến việc xây dựng trụ sở mới cho bảo tàng. Tuy nhiên, đây là thiết chế văn hóa gắn với di sản Huế nên không thể “di dời” đến một vị trí độc lập, tách rời với các di tích.
Theo ông Hoàng Việt Trung, kiến nghị và mong muốn lần này của những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa Huế chính là trên cơ sở không gian hiện có của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ nghiên cứu mở rộng thêm, đương nhiên về hình thức, kiến trúc phải hài hòa và tuân thủ các quy định về trùng tu, bảo tồn di sản. Đồng thời, phải có giải pháp công nghệ hiện đại, đầu tiên là hiện đại về không gian trưng bày và công nghệ trưng bày, tiếp đó là các giải pháp kỹ thuật bảo quản, nhiệt độ, độ ẩm, PCCC, báo động, chống trộm; hệ thống bộ phận chuyên sâu về nghiên cứu phục dựng, bảo tồn, phục hồi… và những không gian hỗ trợ xung quanh bảo tàng.
Do khu vực bên trong Kinh thành Huế có những quy định về chiều cao công trình nên một số ý kiến cho rằng có thể cân nhắc nghiên cứu làm tầng hầm dưới lòng đất. Hiện nay, nhiều bảo tàng trên thế giới đã thực hiện việc bảo quản, thậm chí là trưng bày ở tầng hầm. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng cho biết, việc quan trọng chính là bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc xuyên suốt, từ kiến nghị về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhằm mong muốn trao truyền thông tin, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước những giá trị hiện vật quý, mang dấu ấn của dân tộc.
Thực tế ở nhiều nước phát triển, các thành phố, đô thị văn hóa di sản thì việc đầu tư thiết chế bảo tàng rất được xem trọng, nhiều nơi có hàng trăm bảo tàng như: Paris có hơn 190 bảo tàng, Moskva (Mát-xcơ-va) có gần 190 bảo tàng, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) cũng có 130 bảo tàng…
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong các bảo tàng cổ xưa nhất của Việt Nam. Nơi đây lưu giữ nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc, những dấu ấn lịch sử của triều Nguyễn và cả thời các chúa Nguyễn, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia; đặc biệt bảo tàng còn có bộ sưu tập độc đáo về các cổ vật thời Champa… Nếu có được một bảo tàng “đúng nghĩa” thì sẽ góp phần phát huy được giá trị tinh hoa của dân tộc, tương xứng với quá trình hình thành của cả vùng đất và trong sự phát triển chung của đất nước. (Ông HOÀNG VIỆT TRUNG, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) |
SƠN THÙY