Về Tam Đường vui hội Xòe chiêng
VHO - Ngày 24.2, UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) đã tổ chức Lễ hội Xòe chiêng với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc xã Bản Bo” nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đẹp, sự độc đáo trong văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc trên địa bàn xã Bản Bo, huyện Tam Đường nói chung. Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân, du khách tới tham gia trải nghiệm nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Lễ hội Xòe chiêng với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc xã Bản Bo”
Lễ hội Xòe chiêng xã Bản Bo, huyện Tam Đường được tổ chức thường niên hàng năm tại bản Nà Khương, nhằm duy trì, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại Điểm du lịch cọn nước Nà Khương, qua đó góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây đến du khách gần xa.
Thông qua lễ hội nhằm giới thiệu nét văn hóa tiêu biểu và mang tính đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Thái đen bản Nà Khương nói riêng và đồng bào dân tộc Thái xã Bản Bo nói chung. Đây là dịp để bà con các dân tộc trên địa bàn giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian giữa các bản trong xã, nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2024, thu hút sự tham gia trải nghiệm của du khách khi tới thăm quan, trải nghiệm nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn.
Tái hiện nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống tại Lễ hội Xòe chiêng
Năm nay, Lễ hội Xòe chiêng có chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc xã Bản Bo” gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ là hoạt động nghi lễ rước chiêng, lễ rửa chiêng và lễ cúng chiêng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Nghi lễ cúng chiêng là một trong những nghi lễ mang tính đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái trước khi tiến hành Lễ hội Xòe chiêng với ý nghĩa cầu cho con người hòa thuận, đoàn kết, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
Đến với phần hội người dân, du khách được khám phá, trải nghiệm nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Bản Bo như thi nấu ăn, thi bắt cá suối, thi văn nghệ quần chúng, trình diễn nghề đan lát dân tộc Kháng, nghệ thuật tạo hình trên trang phục Mông, Lào, Lự, nghệ thuật trình diễn nhạc cụ Pí Kẻo dân tộc Giáy, thi các môn thể thao dân tộc gồm kéo co, đẩy gậy, tung còn, tù lu, đi cà kheo, bắn nỏ, các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, đi cầu thăng bằng, bịt mắt đánh chiêng, hái hoa dân chủ, đánh cầu lông gà, đi cà kheo, tó má lẹ...
Bên cạnh đó là không gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu của địa phương, trình diễn di sản văn hóa, nghề thủ công truyền thống, sản phẩm thủ công mĩ nghệ và thổ cẩm…
Trao cờ cho các đội tham gia Lễ hội Xòe chiêng
Xã Bản Bo, huyện Tam Đường có trên 5.000 nhân khẩu, với 8 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Cùng với cộng đồng người Thái Tây Bắc nói chung, ngưới Thái ở Bản Bo, Tam Đường vẫn giữ được những nét văn hóa riêng biệt, truyền thống từ bao đời nay, từ những nếp nhà sàn, những cọn nước để phục vụ sản xuất, hay những bộ áo cóm đã làm tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, uyển chuyển của người con gái Thái…
Từ bao đời nay, múa Xòe đã trở thành một nét văn hóa, phong tục truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng người dân tộc Thái nơi đây. Nghệ thuật múa xòe truyền thống dân tộc Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ trong lao động sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của của cộng đồng dân tộc Thái. Sau những ngày lao động mệt nhọc, hòa mình với nghệ thuật Xòe không chỉ giúp mỗi người tìm lại cảm giác thư thái và hứng khởi mà còn làm cho mối quan hệ làng bản, quan hệ xã hội thêm gắn bó hơn, gần gũi nhau hơn.
Người dân, du khách phấn khởi tham gia vòng Xòe kết nối cộng đồng tại Lễ hội Xòe chiêng xã Bản Bo
Nghệ thuật Xòe đã trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng, trở thành biểu trưng cho tình đoàn kết, sự kết tinh kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Đây còn là cầu nối để người dân, du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về vùng đất, con người Tây Bắc, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Lai Châu.
VY OANH; ảnh: KIM ANH