Tưởng niệm 55 năm ngày 504 người dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16.3.1968 - 16.3.2023): Ký ức về những người lính Mỹ cứu thường dân

VHO- Đó là hai trong ba người lính Mỹ đã dũng cảm cứu được một số thường dân Việt Nam trong vụ thảm sát đẫm máu của lính Mỹ ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Cả hai nay đã qua đời nhưng vào dịp tưởng niệm 55 năm ngày 504 người dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16.3.1968 - 16.3.2023), tôi lại nhớ đến họ với niềm xúc động sâu sắc từ tính nhân văn và sự hòa giải.

Tưởng niệm 55 năm ngày 504 người dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16.3.1968 - 16.3.2023): Ký ức về những người lính Mỹ cứu thường dân - Anh 1
 

 Hugh Thompson (đeo kính, bên trái), Đỗ Ba, Larry Colburn (mặc áo pull trắng), vợ con Colburn, bạn gái Thompson cùng các đại biểu tại khuôn viên di tích Sơn Mỹ, 1998

Trong cuốn sách Mylai 4 - A Report on the Massacre and it’s Aftermath (tạm dịch: Mỹ Lai 4 - Phóng sự về vụ thảm sát và hậu quả của nó) do Random House, New York (Hoa Kỳ) xuất bản năm 1970, ký giả Mỹ lừng danh thế giới Seymour Hersh đã tường thuật rất rõ hành xử của Hugh Thompson và Larry Colburn ngay trong bối cảnh sự việc xảy ra.

Sáng 16.3.1968, trong khi dưới đất lành Sơn Mỹ đang diễn ra vụ thảm sát đẫm máu thì Hugh Thompson, Larry Colburn và Glenn Andreotta trong cùng một chiếc trực thăng nhỏ với nhiệm vụ tuần tiễu tầm xa (reconnaissance), tức bay quanh quan sát vòng ngoài của khu vực mà đại đội C của đại úy E. Medina đang đột kích dưới mặt đất. Sau khi phát hiện ở dưới đất lính bộ binh Mỹ không chạm súng với đối phương mà cố tình bắn giết thường dân, hủy diệt mọi thứ trong làng, tổ máy bay hai lần đáp xuống đất. Tại lần đáp thứ hai là nơi một căn hầm tránh pháo có tốp lính Mỹ sắp sửa xả súng vào nơi có người dân đang ẩn núp. Andreotta có nhiệm vụ lái máy bay, còn L. Colburn là xạ thủ ở cửa chiếc trực thăng được lệnh H. Thompson chĩa súng vào tốp lính, bảo rằng nếu chúng nổ súng vào thường dân thì cứ nhằm vào chúng mà nhả đạn. H. Thompson đứng chắn trước họng súng của tốp lính của Mỹ đang điên tiết, gọi máy bay chở 11 thường dân thoát khỏi vụ thảm sát.

Quay lên bầu trời quan sát, lần thứ ba tổ lái lại đáp máy bay gần con mương nước vì phát hiện nơi đây có một thân người có vẻ còn động đậy dưới đống xác chết. Máy bay đáp đất, Thompson lội xuống con mương ngập xác người phát hiện một cậu bé chưa bị trúng đạn, bị đống xác đè lên, khiếp hãi đến không cử động được, tổ lái chở cậu bé ra đi an toàn. Vượt lên cảm giác khiếp đảm và mối hiểm nguy đến tính mạng, các thành viên tổ lái đã làm nên sự phi thường.

Năm 1998, Sơn Mỹ tổ chức tưởng niệm 30 năm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát. Tôi từng theo dõi và tham gia các cuộc lễ ở Sơn Mỹ suốt nhiều chục năm, thấy thời gian của dịp lễ lần này là ấn tượng nhất, xúc động nhất. Dấu ấn khó quên trong dịp lễ này là sự lên tiếng xin lỗi về vụ thảm sát Sơn Mỹ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, của Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Pete Peterson. Ở Mỹ, ba cựu binh Mỹ từng cứu sống một số thường dân Việt Nam ở Sơn Mỹ được tặng và truy tặng Huy chương Quân nhân (Soldier Medal). Đạo diễn Trần Văn Thủy xây dựng bộ phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai. Dịp này cũng là lần đầu tiên H. Thompson và L. Colburn (phi công Andreotta đã chết sau vụ Sơn Mỹ một thời gian) quay về Sơn Mỹ. Mike Wallace, nhà báo từng phỏng vấn Paul Meadlo (lính Mỹ tham gia vụ thảm sát) trên kênh truyền hình CBS làm chấn động nước Mỹ năm 1969 cùng đi. Ông thực hiện chương trình “60 phút” cho kênh CBS News, với cuộc hội ngộ xúc động giữa Hugh Thompson, Larry Colburn với những người mà các anh từng nỗ lực giành giật lại từ cõi chết 30 năm trước, gồm các bà Phạm Thị Nhung, Phạm Thị Nhành, Phạm Thị Thuận, với cậu bé Đỗ Ba được vớt lên từ con mương ngập xác người.

Tưởng niệm 55 năm ngày 504 người dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16.3.1968 - 16.3.2023): Ký ức về những người lính Mỹ cứu thường dân - Anh 2

 Hugh Thompson, Đỗ Ba, Larry Colburn và cậu con trai, tác giả bài viết (tính từ phải sang) tại Tượng đài Sơn Mỹ

Các anh cũng đến thăm các trường học ở Sơn Mỹ và được các em học sinh chào đón nhiệt liệt. Về thăm Sơn Mỹ, Larry Colburn dẫn theo cả vợ con, còn Hugh Thompson dẫn theo thiếu nữ mà những người tò mò cho là người tình bé nhỏ của anh. Lịch trình của Hugh Thompson, Larry Colburn và Mike Wallace được phản ánh rõ trong cuốn sách The Forgotten Hero of Mylai - The Hugh Thompson Story (Tạm dịch: Người anh hùng Mỹ Lai bị lãng quên - câu chuyện của Hugh Thompson) của tác giả Trent Angers, cũng một cựu binh Mỹ, do NXB Acadian House, Louisiana xuất bản ngay năm sau đó (1999). Sơn Mỹ như là một địa chỉ quốc tế, vào các dịp tưởng niệm, nơi đây thường thu hút nhiều người nước ngoài, trong đó có truyền thông thế giới về dự. Đã có một số cựu binh Mỹ quay về Sơn Mỹ, mà sự hội tụ nhiều sự kiện quan trọng và việc quay về Sơn Mỹ của Hugh Thompson và Larry Colburn năm 1998 là xúc động nhất.

Tại dịp lễ tưởng niệm 30 năm, Hugh Thompson rồi Larry Colburn đều lần lượt lên bục phát biểu. Sau cuộc hội ngộ này, trong các dịp tưởng niệm về sau dần vắng bóng Hugh Thompson rồi Larry Colburn. Năm 2006 Thompson mất vì ung thư, khi anh 62 tuổi. Theo thông tin từ Bilton, nhà báo Anh, trước khi mất Hugh Thompson còn tỏ ra hối tiếc vì không cứu được nhiều người dân Sơn Mỹ khỏi vụ thảm sát. Dịp tưởng niệm 40 năm Sơn Mỹ (2008), trong tổ lái ba người ở Sơn Mỹ chỉ còn một mình Larry Colburn trở về. Năm này có đoàn đại biểu từ thành phố Hiroshima (Nhật Bản) cùng sang dự lễ. Colburn trong bộ áo dài khăn đóng Việt phục cùng các đại biểu lên dâng hương tưởng niệm các nạn nhân. Năm 2017 Larry Colburn đang chuẩn bị để sang Việt Nam dự lễ tưởng niệm 50 năm (2018) thì anh mất vì bệnh, thọ 67 tuổi. Hai anh đã qua đời khá sớm, để lại nhiều thương tiếc không chỉ cho bạn bè và người thân ở Mỹ mà còn cho những người Việt ở Sơn Mỹ. Thời gian khắc nghiệt và đời người có hạn. Lần lượt các nhân chứng và những người sống sót ở Sơn Mỹ cũng ra đi. Trong dòng lịch sử, các dữ kiện không lặp lại, dù lịch sử vẫn được tiếp nối hoặc biến đổi.

Nghe tin Hugh Thompson rồi Larry Colburn từ trần, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đều gửi thư chia buồn, thể hiện tình cảm với hai cựu binh. Hai anh đã mất, nhưng cái còn đọng lại với thời gian là lòng dũng cảm bất chấp hiểm nguy, tính nhân văn và sự hòa giải. 

CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc