Tục giữ lửa, lấy nước của người Bru - Vân Kiều trong ngày Tết cổ truyền
VHO - Trong thời khắc Giao thừa và ngày đầu năm mới, đồng bào Bru -Vân Kiều ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình duy trì và gìn giữ phong tục giữ lửa, lấy nước để năm mới hạnh phúc, gia đình đầm ấm.
Bản làng người Bru -Vân Kiều ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có nhiều đổi thay
Sửa soạn đón Tết
Từ bao đời nay, đồng bào Bru - Vân Kiều (ở tỉnh Quảng Bình) đón Tết Nguyên đán với nhiều phong tục độc đáo. Cũng như người miền xuôi, trong các ngày giáp Tết, các gia đình người Bru - Vân Kiều đều sửa soạn, trang hoàng lại bàn thờ bằng những tấm vải đỏ để cầu mong sự may mắn.
Sáng ngày 30 Tết, ở các bản làng dọc dãy Trường Sơn, không khí thật rộn ràng. Tiếng giã gạo nếp làm bánh, tiếng gọi mổ heo ăn Tết... Thông thường thì cứ khoảng 4, 5 nhà trong bản cùng chung nhau làm thịt một con heo. Nếu là anh em ruột thì phần đầu và đuôi heo để lại cho người anh trai cả để làm lễ cúng tổ tiên, phần thịt thì được chia đều.
Người Bru - Vân Kiều sửa soạn bàn thờ để đón Tết cổ truyền
Với người Bru -Vân Kiều, mâm cỗ ngày Tết đặt lên bàn thờ phải có bánh bánh chưng, bánh đòn, bánh Acoắt, Aduh, cùng vò rượi cần, rượu đoác… và không thể thiếu những cây nến được làm từ sáp ong tỏa hương thơm ngào ngạt.
Giữ lửa xuyên năm
Tục giữ lửa ngày Tết của đồng bào Bru-Vân Kiều ở các xã Ngân Thuỷ, Kim Thuỷ, Lâm Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh.
Phong tục giữ lửa từ đêm 30 Tết qua ngày mùng 1 Tết có từ xa xưa nhằm mở đầu cho những điều tốt đẹp của năm mới, tạo niềm tin lạc quan, hăng hái làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Nụ cười ngày xuân
Già làng Hồ Trọng (ở xã Ngân Thuỷ) cho hay, lửa cháy trong thời khắc chuyển giao giữa năm củ và năm mới để năm mới hạnh phúc, gia đình sum vầy. Nếu đêm 30 Tết mà lửa tắt thì năm mới gia đình đó không được hạnh phúc, cây lúa, cây ngô không nặng hạt.
Vì vậy để bếp lửa được cháy liên tục không bị gián đoạn ngắt quãng, việc chọn củi là rất quan trọng. Những ngày trước Tết, dù bận rộn lo sắm lương thực thực phẩm, thanh niên người Bru -Vân Kiều vẫn giành thời gian lên rẫy lấy củi. Họ chọn những que chắc, thẳng, chọn cây cháy ít khói, gùi về xếp dưới nhà sàn. Đến chiều 30 Tết, những người phụ nữ nhóm bếp làm mâm cơm cúng gia tiên và nấu bánh chưng từ số củi này.
Từ sáng sớm, những người phụ nữ dậy sớm làm bánh để đón Tết
Theo kinh nghiệm của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ thì củi chắc, than hồng mới giữ lửa được qua đêm. Qua thời điểm Giao thừa, để lửa giữ được trong đêm, người phụ nữ trong mỗi gia đình có nhiệm vụ ủ than, làm sao vào sáng ngày mùng 1 Tết, bếp vẫn còn đượm lửa để sửa soạn mâm cơm cúng năm mới…
Tục lấy nước - hứng lộc trời
Với đồng bào Bru-Vân Kiều, vào sáng ngày mùng 1 Tết, người chủ gia đình địu trên lưng chiếc ống lồ ô xuống khe lấy nước về nhà. Có nước suối, mỗi thành viên uống một ngụm rồi mới rửa mặt, chân tay. Số nước còn lại được dùng để nấu các món trong mâm cỗ ngày Tết.
Già làng Hồ Ai, ở bản Khe Cát (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), những giọt nước ngọt đầu năm sẽ mang lại may mắn cho họ, đó chính là lộc đất trời mà ai cũng phải hứng lấy. Nếu gia đình nào không đi lấy lộc trong ngày mồng 1 Tết thì cả năm xui xẻo, chăn nuôi khó khăn, trồng trọt thua kém.
Bên vò rượu cần, mọi người trò chuyện về một năm đã qua
Đến trưa ngày mùng 1 Tết, mọi người bắt đầu đi chúc Tết. Khách và chủ mời chào nhau bên mâm cỗ với những vò rượu cần đầy ắp. Họ cùng khề khà cầu chúc nhau năm mới sức khỏe, nương rẫy tốt tươi, gió mưa thuận hòa. Ngày Tết cũng là dịp các già làng, trưởng bản răn dạy con cháu năm nay tu chí làm ăn, trung kiên với Đảng, dựng xây bản làng ngày càng khởi sắc.
Theo già làng Hồ Ai, thì Tết là điểm khởi đầu của mùa xuân, mùa của muôn hoa đua nở khoe sắc, muông thú gọi bầy tìm bạn. Đây cũng chính là dịp người Bru -Vân Kiều ngồi lại với nhau, cùng ôn lại những chuyện năm cũ và dự định của năm mới.
Bên mâm rượu ngày Tết, những loại nhạc cụ cùng với các làn điệu dân ca thắt chặt thêm tình cảm giữa mọi người với nhau. Thông thường những người lớn tuổi đến nhà nhau chúc tết, họ cùng uống rượu rồi hát bằng các làn điệu tà oải, xi nớt…
Ngày xuân, đồng bào Bru - Vân Kiều hát múa bên bờ suối
Triển khai thực hiện các hoạt động Dự án 6 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống từng bước khôi phục, gìn giữ bảo tồn các phong tục truyền thống mang đậm bản sắc về văn hóa dân tộc như phong tục giữ lửa, lấy nước của người Bru - Vân Kiều trong dịp Tết cổ truyền để lưu giữ lại cho con cháu đời sau…
TÂN BÌNH