Triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất”
VHO - Nhân dịp kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), ngày 19.4, tại Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.
Thông qua các tư liệu, hình ảnh triển lãm nhằm giới thiệu quảng bá đến công chúng, du khách trong nước và quốc tế, cộng đồng địa phương về sự nghiệp trung hưng đất nước của đức Ngô Vương Quyền, qua đó tưởng nhớ đến tiền nhân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã ôn lại chiến công hiển hách của Đức vương Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng năm 938. Chiến thắng đã kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam.
Vào mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập, xóa bỏ chức Tiết độ sứ mà họ Khúc, họ Dương trước đây còn phải tạm giữ để hòa hoãn với phương Bắc, tự xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa, tiếp nối quốc thống.
“Công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức vua Ngô Quyền đã đi vào lịch sử nước ta là một trong những anh hùng vĩ đại nhất lịch sử Việt Nam”, ông Ngô Trần Nam nhấn mạnh.
Nói thêm về triển lãm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội KH Lịch sử Việt Nam cho biết: Tiếp sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hôm nay vừa tròn 1080 năm ngày giỗ Ngô Quyền. Việc tổ chức triển lãm rất có ý nghĩa chính trị và văn hoá sâu sắc, nêu cao đạo lý “uống nước nhờ nguồn”, “ôn cố tri tân”; lấy truyền thống lịch sử và giá trị văn hoá là nguồn lực phát triển quê hướng, đất nước.
Từ đó hướng đến việc xây dựng khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa - kinh đô của nước Âu Lạc thời đại dựng nước đầu tiên và kinh đô của Tổ trung hưng đất nước trở thành Di sản Văn hoá thế giới; phát huy cao độc các giá tị di sản văn hoá nổi bật toàn cầu và di sản văn hoá hàng đầu đất nước, xây dựng Đông Anh thành Đô thị Di sản, nâng tầm Thủ đô thành thành phố Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Triễn lãm được trưng bày theo 3 chủ đề: Hào trưởng đất Đường Lâm (giới thiệu khái quát về mảnh đất Đường Lâm lịch sử, thân thế và dòng tộc của Đức vua Ngô Quyền; Nổi sóng Bạch Đằng và bài Thành Cổ Loa mở nền độc lập.
Triển lãm còn giới thiệu về trận thủy chiến vĩ đại trên cửa biển Bạch Đằng do Đức vua Ngô Quyền chỉ huy thắng lợi, đánh tan quân Nam Hán kết thúc 1000 năm Bắc thuộc…
Cũng trong ngày 19.4, nhiều hoạt động tuyên truyền, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, lễ kỷ niệm đã diễn ra tại Khu di tích Cổ Loa: Biểu diễn nghệ thuật Ca trù tại Đình Ngự triều Di quy, biểu diễn nghệ thuật Chèo, tuồng truyền thống, biểu diễn nghệ thuật múa Rối nước, biểu diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp hiện đại: Ngày hội nghinh vương...