TP.HCM: Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới
VHO - Sáng nay 16.2 (nhằm Mùng 7 Tết), tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của quận Bình Thạnh tổ chức Lễ hội Khai hạ - Cầu an.
Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ Hạ nêu
Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 Tết âm lịch hằng năm tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau: Hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.
Theo đó, ngay từ trước 30 Tết, sau khi cúng thần (tức Tả quân Lê Văn Duyệt) tại sân lăng, Lễ dựng nêu diễn ra long trọng đánh dấu một năm kết thúc, đồng thời cũng báo hiệu xuân về Tết đến. Cây nêu là cây tre, được trồng ở khu di tích, dài 5-6m, trên có treo một đạo bùa “tứ tung ngũ hoành”. Giỏ trầu cau, muối gạo và các câu chúc dựng lên vào ngày cuối cùng của một năm. Ngọn tre khi dựng ngả về hướng Tây để đuổi ma quỷ ra khỏi vùng đất gieo trồng sinh kế của người Việt.
Đúng Mùng 7 tháng Giêng, Ban Quý tế, Ban Quản lý, chính quyền địa phương và bá tánh sắm sửa lễ vật để cúng trời đất, xin phép bắt đầu trở lại công việc hằng ngày, gọi là lễ khai hạ, khai sơn hay khai ấn - tức là ngày bắt đầu lên rừng, ra ruộng, đến công sở theo kế sinh nhai… Lễ này xuất phát từ lúc Ông còn tại vị - Mùng 6 duyệt binh, Mùng 7 Tả quân khai ấn, bắt đầu công việc của một năm mới.
Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội sống động, tinh tế, sâu sắc. Điều này được lý giải là bởi tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức đạo lý làm người, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt.
Được biết, Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), thời vua Gia Long và vua Minh Mạng, là người đã có công vào sự nghiệp mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định.
Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt (ảnh tư liệu)
Khi còn giữ chức Tổng Trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Thuở còn sống, Tả quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng vẫn hay làm các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.
Di tích Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của người dân. Lễ hội Khai hạ - Cầu an có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. “Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt” đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa đã hình thành và tồn tại lâu đời trong đời sống các tầng lớp nhân dân Nam Bộ và TP.HCM.
KHÁNH HÀ