Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia

VHO- Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra ngày 29.11, các diễn giả, đại biểu đã phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận về tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị này.

Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia - Anh 1

Các diễn giả, đại biểu đã phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Ảnh: TRẦN HUẤN

Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam

TP.HCM là một ví dụ tiêu biểu cho việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: TP.HCM tập trung xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, con người thành phố gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Thành ủy xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn đảm bảo hài hòa sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần làm sâu sắc hơn và tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, Thành ủy đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI về “Xây  dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một khái niệm mới, có nội hàm rộng, tập trung phát triển đồng bộ kinh tế - văn hóa - xã hội, có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong phạm vi thành phố mà còn lan tỏa trên cả nước.

Thành ủy xác định nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM gắn với việc tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Theo đó, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đồng bộ về cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dấu ấn riêng cho thành phố.

Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia - Anh 2

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại Hội thảo từ đầu cầu TP.HCM. Ảnh: THÙY TRANG

Trong đó, có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đầu tư xây dựng các công trình tượng đài, quảng trường, các thiết chế văn hóa, công viên văn hóa gắn với hình ảnh, quê hương và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo ra một tổng thể các công trình kiến trúc đặc trưng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Thành phố rà soát và có biện pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong xây dựng văn hóa và con người thành phố.

Nhìn một cách tổng quát, GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam; Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng: “Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh,  phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia - Anh 3

GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam; Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tham luận. Ảnh: KIM THOA

Văn hóa truyền thống Huế góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam

Từ đầu cầu Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chia sẻ rằng, Thừa Thiên Huế là vùng đất hiện đang giữ gìn được hệ giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống trong đời sống gia đình và xã hội. Những giá trị này đang từng ngày được bảo tồn và phát huy cùng với các giá trị văn hoá gia đình hiện đại. Trong dòng chảy chủ lưu yêu nước của văn hoá dân tộc, việc bảo tồn nề nếp, gia phong Huế trên nền tảng của văn hóa Việt Nam lấy những giá trị chuẩn mực như: lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực,... làm cái gốc để hình thành và phát triển gia đình hiện đại.

Sự “gạn đục, khơi trong” về các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình đang là xu hướng tích cực. Gia đình hiện đại ngày càng phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống vẫn được xem là cơ bản và vững chắc ở Huế. Những ngôi làng cổ vẫn còn nguyên vẹn, những mái nhà của cha ông vẫn trùng tu, bảo tồn bên cạnh những ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục về gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và trong mỗi gia đình hiện tại, họ luôn ý thức thực hiện tốt phong trào “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa… đã lồng ghép giữ gìn những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình.

“Để góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, từ góc nhìn của Huế, chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay gia đình Huế vẫn mang trong mình những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, có sự bảo tồn, cách tân, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và bổ sung các giá trị văn hóa mới. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, công tác gia đình ở Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều phong trào, hoạt động thi đua đã gắn cho gia đình những giá trị, chuẩn mực mới tốt đẹp làm cho gia đình hoàn thiện hơn, “tế bào của xã hội” thực sự quan trọng hơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã tích cực tham gia, hưởng ứng mọi hoạt động, phong trào thi đua trong công tác gia đình, chủ động triển khai nhiều công việc để góp phần thực hiện thành công công tác gia đình nói chung và chiến lược gia đình của Trung ương triển khai”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia - Anh 4

Ban chủ tọa Hội thảo từ đầu cầu Huế. Ảnh: SƠN THÙY

Đó cũng chính là sự cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TW 18.11.2011 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về việc tăng cường lãnh đạo xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 21.12.2012 về Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước sự tác động rất mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, trong đó có gia đình thì ở Thừa Thiên Huế, thuần phong mỹ tục tốt đẹp vẫn được gìn giữ, phát huy và gia đình Huế ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái ấy. Đó chính là sức mạnh của truyền thống văn hóa gia đình Huế được lưu truyền từ đời này sang đời khác, khá khắt khe, mang trọng trách như một “sức mạnh nội sinh” để gia đình Huế chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài. Xây dựng các giá trị, đức tính tốt đẹp của lối sống Huế, phong cách ứng xử của gia đình Huế: cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, kính trên nhường dưới, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài,… Đó cũng là nền móng, là bước đầu tiên trong xây dựng hệ giá trị gia đình văn hóa Việt Nam, với những chuẩn mực mới phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển.

Để góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, gắn liền với việc tiếp thu những giá trị văn hóa gia đình văn minh của xã hội hiện đại. Tích cực phát huy vai trò của dòng họ, của làng xóm, tổ dân phố trong xây dựng gia đình văn hóa, với mục tiêu chung là: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền về các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung và gia đình truyền thống Huế nói riêng, nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, vai trò của gia đình cũng như những giá trị của văn hóa gia đình đối với sự phát triển của quê hương, đất nước; trong đó, tập trung lan tỏa những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong, lễ giáo và văn hóa ứng xử trong gia đình…

Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia - Anh 5

Các đại biểu tham dự Hội thảo từ đầu cầu Huế. Ảnh: SƠN THÙY

Chú trọng giáo dục trong gia đình, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện mới; đồng thời, có những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Chú trọng tổ chức thực hành văn hóa trong các sự kiện quan trọng, như ngày giỗ, tết,... để tạo sự gắn kết, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Tăng cường xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng, dân tộc. Gắn xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn hóa từ các gia đình đến khu dân cư, cơ quan, đơn vị,... Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc, ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, ngày Gia đình Việt Nam với những hoạt động thiết thực.

Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác văn hóa nói chung và công tác gia đình nói riêng; xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với xây dựng gia đình và công tác gia đình, nhất là hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới…

Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia - Anh 6

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: KIM THOA

Xác lập hệ giá trị gia đình Việt Nam

Bàn về xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) Trần Tuyết Ánh cho biết: “Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định đến diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Mặt khác, việc dành sự ưu tiên khác nhau đối với các giá trị cũng quyết định đến đời sống văn hóa ứng xử và sự phát triển của mỗi gia đình”.

Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc. Nhận thức được vấn đề này là vô cùng quan trọng đối với quá trình hoạch định và triển khai chính sách về gia đình nói chung và hệ giá trị nói riêng. Từ góc độ lý luận và thực tiễn, việc xây dựng hệ giá trị gia đình trong bối cảnh phát triển mới của đất nước là một vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại.

Đối với quốc gia, bản thân gia đình là một giá trị. Với chức năng sinh sản, gia đình đã góp phần duy trì nòi giống, tái sản xuất sức lao động xã hội, bảo đảm ổn định dân số và an ninh, quốc phòng.

Nhằm xây dựng nguồn lực giúp đất nước chủ động hội nhập, Đảng ta đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030 “giáo dục gia đình” kết hợp với “giáo dục nhà trường” với “giáo dục xã hội”. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân: có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, tư duy sáng tạo hội nhập quốc tế... Điều này cho thấy, nguồn nhân lực của chúng ta cần phải có cả đạo đức, lối sống vừa hiện đại, có kỷ luật, kỷ cương, giàu giá trị văn hóa của quốc gia, dân tộc.

Tính cấp thiết xây dựng tổng thể các hệ giá trị quốc gia - Anh 7

Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) Trần Tuyết Ánh phát biểu tham luận. Ảnh: KIM THOA

Để đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, kiện toàn thống nhất các chức năng quản lý nhà nước có liên quan về gia đình từ trung ương đến cơ sở theo Chỉ thị 06 và các Văn kiện của Đảng, đáp ứng các điều kiện cần và đủ để thực hiện công tác gia đình hiện nay.

Xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và chuyển trao các giá trị văn hoá của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, phát triển đất nước.

Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống hình thành nhân cách con người trước hết từ trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm, của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, quan tâm chăm sóc đến trẻ em, người cao tuổi, các đối tượng yếu thế gắn với các phong trào thi đua sôi nổi nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của mọi người về vai trò, vị trí của gia đình.

THÚY HÀ- THU TRANG- SƠN THÙY- THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc