Tháo gỡ khó khăn trong quản lý kinh doanh karaoke, vũ trường

VHO- Trong các ngày từ 11-13.4, đoàn công tác của Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) do Phó Cục trưởng Vi Thanh Hoài làm Trưởng đoàn đã tiếp tục chương trình khảo sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường tại các tỉnh phía Nam, gồm: Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu.

Tháo gỡ khó khăn trong quản lý kinh doanh karaoke, vũ trường - Anh 1

Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Vi Thanh Hoài , Trưởng đoàn khảo sát, kiểm tra tại buổi làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang

Đoàn đã có buổi làm việc với Sở VHTTDL 3 tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, nội dung đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh  doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; hiệu quả thực tế và những khó khăn, bất cập; đề xuất giải pháp tháo gỡ… Chương trình khảo sát nhằm chuẩn bị cho Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP do Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 6 tới.

Đề xuất tăng mức chế tài xử phạt

Hậu Giang không có loại hình vũ trường, cơ sở kinh doanh karaoke ít. Khi mới thành lập tỉnh có đến 275 cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, chỉ hơn 100 cơ sở, trong đó có 36 cơ sở được cấp phép từ năm 2019, khi Nghị định của Chính phủ ra đời.

Báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang cho biết, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP với những quy định rõ ràng đã tạo tiền đề quan trọng trong công tác phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường tại địa phương một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và nề nếp. Nghị định đã điều chỉnh bãi bỏ một số nội dung trong điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke so với Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh doanh trong việc tiến hành thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động.

Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra tình trạng hoạt động karake trên địa bàn để quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với lĩnh vực này. Đồng thời, phối hợp cùng các ngành liên quan đã làm tốt công tác cấp phép, thanh, kiểm tra, phát hiện sai phạm và hướng dẫn để chủ cơ sở kinh doanh khắc phục, đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, đúng pháp luật.

Nhiều bất cập cũng đã được nêu như: một số cơ sở kinh doanh đã tự ý cải tạo lại phòng hát sau khi được thẩm định cấp phép, dẫn đến việc làm thay đổi kích thước ban đầu so với quy định. Một số cơ sở kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh; vẫn còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng, chống cháy nổ…

Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang đề xuất Bộ VHTTDL tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2019/NĐ-CP theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, cụ thể là: bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke. Đặc biệt, đề xuất tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm quy định.

Ghi nhận đề xuất của địa phương, Phó Cục trưởng Vi Thanh Hoài nhấn mạnh, Hậu Giang cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, tập huấn để cán bộ quản lý lẫn doanh nghiệp đều nắm được những quy định và thực hiện đúng, đủ. Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã nới rộng nhiều quy định, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước cũng như tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh các loại hình dịch vụ này một cách thuận lợi. Sau chuyến khảo sát, đoàn công tác sẽ báo cáo cụ thể và đề xuất để Bộ VHTTDL có hướng tháo gỡ, tiếp tục tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra các loại hình dịch vụ này.

Đẩy mạnh thanh kiểm tra, xử lý vi phạm

Tại Bạc Liêu, đoàn công tác đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và ý kiến đề xuất của địa phương. Theo đó, đề xuất cần tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đối với lĩnh vực văn hóa cho cán bộ cơ sở; việc thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở tự dừng hoạt động kinh doanh khó khăn do không gặp được chủ cơ sở; việc kiểm tra cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với phòng VHTT cấp huyện trong công tác kiểm tra.

Tháo gỡ khó khăn trong quản lý kinh doanh karaoke, vũ trường - Anh 2

Ảnh minh hoạ

Triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, Sở VHTTDL đã  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke tại địa bàn, tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: lồng ghép vào các Hội thảo, Hội nghị của đơn vị; trực tiếp đến tất cả các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ karaoke; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương… Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 69 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, không có cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được chú trọng đẩy mạnh...

Một số khó khăn, vướng mắc được nêu như: lực lượng quản lý mỏng, gây khó khăn trong quá trình quản lý và cấp phép đủ điều kiện kinh doanh. Lực lượng cán bộ thanh tra chuyên ngành còn thiếu, địa bàn hoạt động rộng nên công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, chưa được thường xuyên.      

Ý thức, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn hạn chế; vẫn còn một số chủ cơ sở kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ về loại hình kinh doanh đặc biệt nhạy cảm này, thiếu hiểu biết về pháp luật, vì lợi nhuận đã cố tình làm trái các quy định hoạt động quá giờ, âm thanh vượt quá quy định, kinh doanh không lành mạnh, gây mất an ninh trật tự, không quan tâm đến cộng đồng xung quanh…

Địa phương cũng nêu đề xuất bổ sung quy định thời gian hoạt động đối với dịch vụ karaoke tại các khu, điểm du lịch phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch…

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Sở VHTTDL thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng đến các cơ sở kinh doanh đã nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở, chấp hành tốt các quy định về điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nói chung, kinh doanh vũ trường, karaoke nói riêng để tiếp tục đưa hoạt động này đi vào nề nếp, hạn chế vi phạm.

Tháo gỡ khó khăn trong quản lý kinh doanh karaoke, vũ trường - Anh 3

Đoàn khảo sát, kiểm tra về quản lý dịch vụ Karaoke, vũ trường tại buổi làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Cần Thơ

Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ cho biết, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh đều thực hiện đúng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ sở khi xin phép kinh doanh vẫn chưa nắm được các quy định về điều kiện hoạt động, một số khác vẫn cố tình vi phạm, đặc biệt là những vi phạm các quy định về độ ồn, che chắn cửa khi hoạt động,…

 Từ năm 2022 đến nay, lực lượng thanh tra Sở VHTTDL Cần Thơ phối hợp với Đội Liên ngành 814 thành phố kiểm tra 26 cơ sở karaoke, phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở, phạt tiền 135 triệu đồng. Đáng chú ý, trong đợt cao điểm kiểm tra 109 cơ sở karaoke, 02 vũ trường, Cần Thơ đã xử vi phạm hành số tiền hơn 80 triệu đồng…

Về những khó khăn, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Số lượng các cơ sở karaoke giảm sút mạnh, trước năm 2020, toàn thành phố có 268 cơ sở, hiện nay còn 127 cơ sở .

Ghi nhận việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động karaoke, vũ trường của Sở VHTTDL TP Cần Thơ, Phó Cục trưởng Vi Thanh Hoài nhận định, cơ bản công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn được thực hiện bài bản; địa phương đã có trách nhiệm trong quản lý nhà nước; việc công khai TTHC minh bạch, nhanh chóng tạo điều kiện cho người dân; việc chấp hành các quy định của các cơ sở kinh doanh tương đối tốt. Theo Phó Cục trưởng, đoàn công tác sẽ tổng hợp đề xuất của các địa phương để nghiên cứu, góp phần tháo gỡ vướng mắc, đưa công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao hơn.

MAI PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc