Thanh Hóa: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024

VHO- Đây là sự kiện lớn nhằm tôn vinh công đức, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng thời thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa xứ Thanh.

Thanh Hóa: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 - Anh 1

Chương trình nghệ thuật “Hoàng Đế Lê Đại Hành - Chiến công ghi mãi ngàn năm” tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2023

Theo kế hoạch, từ ngày 13-17.4 (tức từ ngày 5-9.3 năm Giáp Thìn), tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, Kỷ niệm 1019 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn (8.3 năm Ất tỵ 1005 – 8.3 năm Giáp Thìn 2024) và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực huyện Thọ Xuân. Lễ hội sẽ khai mạc vào 8 giờ ngày 16.4 (tức ngày 8.3 năm Giáp Thìn) tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, H.Thọ Xuân) với các nghi lễ truyền thống như: Lễ rước kiệu từ lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng Lê Đột về sân rồng đền thờ Lê Hoàn, dâng hương, đọc chúc văn và chương trình nghệ thuật “Lê Đại Hành Hoàng Đế - Chiến công ghi mãi ngàn năm”, tái hiện thân thế, sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Lê Hoàn.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Thọ Xuân năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc như trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương; trưng bày, giới thiệu điểm đến, giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Thọ Xuân và của tỉnh; trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Thọ Xuân (Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, Cồng chiêng, Bài điếm...); thi cắm trại binh; liên hoan văn nghệ quần chúng; đốt lửa trại; hội thi “Trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh truyền thống” (bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa...); hội thi làm cỗ chay tiến Vua; tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng như bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố,...

Thanh Hóa: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 - Anh 2

Tiết mục múa sạp đặc sắc do đồng bào dân tộc Mường huyện Thọ Xuân biểu diễn tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2023

Trao đổi với phóng viên Văn Hoá, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định, Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2024 được tổ chức nhằm tôn vinh công đức và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước; thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa xứ Thanh; khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, tôn vinh, giới thiệu và quảng bá thế mạnh về những giá trị văn hóa, sản vật địa phương, những tiềm năng văn hóa du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

“Thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai đa dạng các hoạt động để bảo tồn, khôi phục, phát huy các di sản. Đến nay, Thọ Xuân có 2 di sản phi vật thể quốc gia đó là: Trò diễn Xuân Phả và Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Trong thời gian tới, việc khai thác, phát huy những giá trị văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng sẽ được huyện tiếp tục triển khai một cách khoa học, bài bản. Trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân, góp phần đưa Thọ Xuân là điểm đến của du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế”, ông Hải thông tin.

Theo sử sách, Lê Hoàn sinh ra và lớn lên tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) trong bối cảnh đất nước bị các thế lực địa phương nổi lên và cát cứ gây loạn 12 sứ quân. Lê Hoàn đã sớm gia nhập đội quân của Đinh Bộ Lĩnh và được giao 2.000 quân sĩ đánh dẹp 12 sứ quân và được phong giữ chức Thập đạo tướng quân. Vào năm Kỷ Mão (979), triểu đình Nhà Đinh xảy ra biến loạn, đứng trước họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc, với tầm nhìn sâu rộng và tư tưởng chọn người đứng đầu trí dũng song toàn, và được sự đồng thuận của ba quân tướng sĩ, Dương Thái Hậu đã lấy long côn mặc cho Thập đạo tướng quân, kiêm phó vương nhiếp chính, lên ngôi Hoàng Đế.

Thanh Hóa: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 - Anh 3

Đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Với tài thao lược kiệt xuất, Lê Hoàn đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đánh tan cuộc xâm lược quy mô của triều đình nhà Tống, giữ yên bờ cõi, mang lại bình yên cho đất nước. Sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Lê Hoàn đã đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lấy miếu hiệu là Lê Đại Hành Hoàng Đế, mở ra triểu đình Tiền Lê hiển hách, để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử hàng năm năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005), Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng Đế băng hà, ở điện Thường Xuân (kinh đô Hoa Lư) hưởng thọ 64 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng Đế chính là sự kết tinh cao quý những tinh hoa của thời đại ở thế kỷ 10. Những chiến công hiển hách, những thành quả rực rỡ của đất nước thế kỷ 10 đã khẳng định vị trí lớn lao của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng Đế trong lịch sử dân tộc.

Đền thờ Lê Hoàn tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân có phong cách kiến trúc đền thờ truyền thống của người Việt và nghi lễ bài trí gắn liền với tâm thức cổ truyền. Đền thờ còn bảo tồn được những nét kiến trúc độc đáo, những tài liệu, hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2019.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc