Tăng cường thực thi pháp luật về bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện

VHO - Ngày 12.7 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo Bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ tới dự và phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về chuyển đổi số và vấn đề thực thi bản quyền trong thư viện hiện nay; làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình xử lý vấn đề bản quyền trong thực tiễn chuyển đổi số thư viện. Từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số với từng loại hình thư viện, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường thực thi pháp luật về bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện - Anh 1

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số ngành thư viện trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sau ba năm thực hiện, Chương trình đã từng bước tạo ra những thay đổi tích cực trong toàn ngành; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của các cấp, các ngành; từng bước đổi mới phương thức hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại trên nền tảng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển thư viện, tạo điều kiện cho người dân tham gia sử dụng dịch vụ thư viện, phục vụ học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập và môi trường văn hóa lành mạnh.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ để thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong Chương trình, cùng việc triển khai nhiều giải pháp đã được xác định, xây dựng và phát triển dữ liệu số ngành thư viện – khâu quan trọng mang tính quyết định trong thực hiện chuyển đổi số đang được các thư viện trên cả nước tích cực đẩy mạnh, thông qua việc thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin – thư viện. Việc triển khai dựa trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở nhằm nâng cao năng lực hoạt động của thư viện. Đồng thời kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong và ngoài nước; hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số…

Tăng cường thực thi pháp luật về bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện - Anh 2

Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Kiều Thuý Nga trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Trong quá trình số hoá thư viện, Thứ trưởng nhận định vấn đề bản quyền hay quyền tác giả ngày càng trở thành vấn đề quan trọng, quyết định sự thành công trong chuyển đổi số của các thư viện. Tuy nhiên quyền tác giả là lĩnh vực khó và phức tạp. Đặc biệt trong lĩnh vực thư viện, để cân bằng lợi ích của tác giả, người sở hữu quyền tác giả nhưng vẫn bảo đảm cho các thư viện đạt mục tiêu hoạt động vì lợi ích cộng đồng, các điều luật đã đưa ra những điều kiện đối với các thư viện để không làm ảnh hưởng đến lợi ích vật chất, tinh thần của chủ thể sáng tạo hoặc đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, đang có một bộ phận tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và cán bộ làm công tác làm thư viện chưa nắm rõ những quy định này. Chính điều này đã khiến những quy định về quyền tác giả vô tình trở thành rào cản cho quá trình chuyển đổi số ngành thư viện.

Tăng cường thực thi pháp luật về bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện - Anh 3

Toàn cảnh Hội thảo

Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Kiều Thuý Nga cho biết, việc chuyển đổi số thư viện sẽ khó  thành công nếu thiếu việc xây dựng nguồn tài nguyên thông tin mới, mà nòng cốt là nguồn tài nguyên số. Các thư viện nhất thiết phải xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng các bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng với các siêu dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thư viện thì mới có thể giữ được vị thế của mình, với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức. Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng tài nguyên thông tin điện tử/số trong các thư viện ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, một số thư viện công cộng đã có những bước phát triển vượt bậc trong tạo dựng nguồn tài nguyên thông tin số nhưng vẫn còn số lượng rất lớn các thư viện chưa thể thực hiện được và chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Có rất nhiều thách thức đặt ra trong quá trình này như thiếu ngân sách đầu tư, thiếu nền tảng nhân lực cần thiết hay giải pháp công nghệ phù hợp, trong đó bao gồm cả thách thức từ việc thực thi bản quyền một cách đúng, phù hợp trong hoạt động thư viện. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tiến hành trao đổi, thảo luận tập trung vào những vấn đề cơ bản như phát huy giá trị và lợi thế trong những điểm mới của pháp luật về quyền tác giả trong Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đối với hoạt động chuyển đổi số ngành thư viện nói chung, phát triển tài nguyên số nói riêng; kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong thực thi quyền tác giả và về vận dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong quá trình chuyển đổi số thư viện; chia sẻ các mô hình và cách làm hay, hiệu quả trên thực tế, giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số thư viện…

NAM ANH – TÂM VŨ

Ý kiến bạn đọc