Sen trong đời sống văn hóa Việt
VHO - Là loài hoa biểu tượng của văn hoá Việt, hoa sen đã hiện diện sâu trong tiềm thức, trong thi ca, hội hoạ, thư pháp và là nguồn cảm hứng không vơi cạn trong đời sống văn hoá, nghệ thuật dân tộc. Vẻ đẹp và giá trị của hoa sen trong đời sống văn hóa Việt một lần nữa được tôn vinh tại tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”, diễn ra chiều 28.7 tại Bảo tàng Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS. Trần Đoàn Lâm chia sẻ những câu chuyện về sen tại toạ đàm
Toạ đàm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, nhóm Đình làng Việt, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập... tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của hoa sen trong đời sống văn hóa người Việt, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.
TS. Trần Hậu Yên Thế; Nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm tại buổi toạ đàm
Tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” thu hút người nghe với những nội dung, lát cắt sinh động, hấp dẫn về hoa sen: Sen trong đời sống văn hóa Việt; Sen trong mỹ thuật; Sen trong thi ca; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt thông qua hình tượng hoa sen. Các diễn giả tham gia tọa đàm là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà sưu tập nổi tiếng, có nhiều nghiên cứu và gắn bó, nặng lòng với loài hoa mộc mạc, thanh khiết này: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS. Trần Hậu Yên Thế, TS. Trần Đoàn Lâm; Nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nhà thiết kế Việt Phượng với những thiết kế độc đáo về sen trên áo dài
Dịp này, tại Bảo tàng Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động như: Trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen của nhà thiết kế Việt Phượng, tiệc trà sen, ẩm thực sen...
Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ nhiều nghiên cứu, quan sát, câu chuyện thú vị về sen trong đời sống văn hóa Việt. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, hoa sen bên cạnh giá trị vật chất còn mang đến những giá trị tinh thần bất tận, là nguồn cảm hứng sáng tạo không vơi cạn cho các bậc văn nhân, thi sĩ, đầy quyến rũ và duyên dáng trong thơ ca, nhạc, họa, nghệ thuật biểu diễn... Hoa sen cũng là loài hoa có giá trị mỹ học và biểu tượng của nhà Phật, hướng con người đến những giá trị Chân- Thiện- Mỹ.
Hà Nội có sen hồ Tây nổi tiếng đẹp và thơm ngát, là nơi hấp dẫn đông đảo khách du lịch mỗi mùa sen nở. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, bà từng có thời gian học làm trà sen cùng một gia đình nhiều đời làm trà sen ở Hồ Tây và vô cùng ngạc nhiên về những giá trị mà sen mang lại cho con người, kể cả về mặt phát triển kinh tế. Trên sân khấu cũng có nhiều dấu ấn của sen, trong đó có những vở diễn rất thành công...
Trong thi ca, sen là chất liệu cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, cho âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh.... Theo TS. Trần Đoàn Lâm: “Sen là đối tượng gợi cảm hứng, đem lại cảm hứng trong nghệ thuật, văn chương, thi ca Việt Nam. Hoa sen cũng là loài hoa tượng trưng cho tình cảm với quê hương, đất nước. Sen là biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam. Sen mang phẩm chất thanh cao, mang tính triết học rất cao, chứa đựng quan niệm triết học cả về không gian và thời gian”.
Ông Trần Đoàn Lâm cho biết thêm, đã có nhiều ấn phẩm được xuất bản thời gian qua để quảng bá, giới thiệu văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế, trong đó sen là một trong những “sứ giả”. Tuy nhiên, hình tượng sen mới chỉ xuất hiện rải rác và hi vọng trong thời gian tới sẽ có những ấn phẩm chuyên giới thiệu về sen.
Các thành viên nhóm Đình làng Việt tại Toạ đàm
TS. Trần Hậu Yên Thế cho rằng, đúc rút những góc nhìn ngắn gọn, khúc triết về sen rất khó, bởi dữ liệu về loài hoa này quá mênh mông. Giới thiệu hình tượng sen trong nghệ thuật tạo hình, TS. Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh, có nhiều bảo vật quốc gia có hình tượng hoa sen. Người ta thấy sen hiện diện ở các kiến trúc từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Trên mọi vùng miền, hoa sen là cảm hứng trong nhiều loại hình nghệ thuật sáng tác từ xưa tới nay. Những tác phẩm hoa sen được chạm khắc, tạo hình bởi những bàn tay khéo léo của người thợ. Đến nay, dấu ấn loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng quốc hoa này vẫn còn rất nhiều ở các bảo vật, các di tích đình, chùa, lăng, miếu...
Những thiết kế áo dài với hình tượng hoa sen được hoan nghênh, đón nhận tại buổi toạ đàm
Dành 20 năm để sưu tầm các hình ảnh, hiện vật về hoa sen, nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB Di sản áo dài Việt Nam cũng chia sẻ, với bà, tình yêu và những gắn bó với sen có được như một nhân duyên. Càng sưu tầm, bà càng chiêm nghiệm một điều, sen là một biểu tượng rất vi diệu, mang hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Với bộ sưu tập đa dạng, phong phú về hoa sen, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm vừa được ghi nhận Kỷ lục Người phụ nữ sở hữu bộ sưu tập chủ đề “Sen trong đời sống văn hoá Việt” với các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật và kỷ vật lấy cảm hứng từ hình tượng Sen nhiều nhất châu Á.
“Trong một hành trình về nguồn vào tháng 7 tri ân về Quảng Trị, nhìn những đầm sen gần tàn, không hiểu vì sao trong tôi lại có những cảm xúc rất đặc biệt. Sau khi trở về Hà Nội, tôi ấp ủ phải làm được điều gì đó để tôn vinh vẻ đẹp, giá trị văn hoá của loài hoa…”, bà Tâm chia sẻ.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm
Nhiều hoạt động, chương trình tôn vinh vẻ đẹp của Sen, đưa Sen vào đời sống văn hoá Việt đã được nhà sưu tập Thanh Tâm kỳ công tổ chức. Đó là cuộc thi ảnh về sen, thu hút hàng nghìn tác phẩm; là những cuộc triển lãm về sen, sen trên thư pháp; trình diễn thời trang tôn vinh vẻ đẹp sen trên áo dài.
“Càng nghiên cứu, sưu tầm về sen sẽ càng thấy đây là mảng đề tài hấp dẫn. Với tôi, sen không chỉ là một biểu tượng vi diệu, làm đẹp cuộc sống mà còn là loài hoa tượng trưng cho những giá trị đạo đức, thanh khiết, làm đẹp tâm hồn…”, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thanh Tâm bộc bạch. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt thông qua hình tượng hoa sen vì thế sẽ được bà tiếp tục ấp ủ, hiện thực hoá thành những ý tưởng sáng tạo, góp phần đưa vẻ đẹp và giá trị của sen hiện diện nhiều hơn trong đời sống văn hoá của người Việt.
BẢO NGÂN: ảnh: TRẦN HUẤN