Sắc màu lễ hội đua thuyền trên biển ở Cảnh Dương
VHO - Giữa màu xanh yên bình của biển, bốn chiếc thuyền đua màu xanh, đỏ, tím, vàng vung mái dầm tiến nhanh về phía trước trong tiếng hò reo cổ vũ của đông đảo người xem. Đó là không khí khẩn trương tập luyện của bốn đội thuyền tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống trên biển ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) diễn ra vào ngày 1.9.
Ngư dân đẩy thuyền ra biển để tập luyện
Tổ chức đua thuyền theo chu kỳ 5 năm hai lần
Người dân Cảnh Dương cho biết, từ bao đời nay cuộc sống của bà con phụ thuộc vào biển nên tổ chức lễ hội đua thuyền ở trên biển nhằm cầu mong thuận buồm xuôi gió, tàu thuyền ra khơi mang về những chuyến biển bội thu. Lễ hội cũng là dịp để ngư dân trổ tài điều khiển con thuyền vượt qua sóng nước, phát huy thể lực, rèn luyện kỹ thuật tay chèo.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên biển ở Cảnh Dương diễn ra theo chu kỳ 5 năm tổ chức hai lần. Theo quy định, tham gia lễ hội đua thuyền gồm có bốn đội với thuyền đua được sơn bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng.
Đường đua dọc theo bờ biển
Lí giải về điều này theo ông Lê Quang Trung (ở thôn Đông Cảng, người tâm huyết với phong trào đua thuyền của địa phương) cho biết: Ngày trước, lễ hội đua thuyền Cảnh Dương được tổ chức ở trên sông Roòn, có lẽ do bề ngang sông hẹp, đường đua lại ngắn nên chỉ đủ cho hai cặp (bốn chiếc) thuyền tranh tài. Sau này khi tàu thuyền của ngư dân đông đúc nên việc tổ chức đua thuyền trên sông gặp khó khăn. Từ năm 2003 đến nay, cứ trong vòng 5 năm xã Cảnh Dương tổ chức hai lần đua thuyền trên biển.
Bốn thuyền đua sơn bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng
Còn về ý nghĩa bốn chiếc thuyền đua được sơn bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng nhằm để tăng tính thẩm mỹ, dễ phân biệt và tăng cường tình đoàn kết giữa người dân ở các thôn. Bởi hiện nay ở Cảnh Dương có chín thôn và theo quy định chỉ được bốn đội tham gia tranh tài tại lễ hội. Vì vậy, cứ hai thôn phối kết hợp thành một đội đua thuyền. Riêng đội đua thuyền thứ tư kết hợp ba thôn. Trước khi diễn ra lễ hội khoảng một tháng, tại Ngư Linh miếu sẽ diễn ra lễ bốc thăm màu thuyền đua.
Thuyền đua màu tím của hai thôn Liên Trung và Yên Hải
Kết quả bốc thăm thuyền đua năm 2023 ở xã Cảnh Dương như sau: Thuyền đua màu tím của hai thôn Liên Trung và Yên Hải. Thuyền đua màu vàng của hai thôn Trung Vũ và Cảnh Thượng. Thuyền đua màu xanh của hai thôn Đông Cảng và Tân Cảnh. Thuyền đua màu đỏ của ba thôn Đông Tỉnh, Thượng Giang và Đông Dương màu đỏ.
Chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền năm 2023 này, 4 chiếc thuyền gỗ được sơn 4 màu xanh, đỏ, tím, vàng; trang trí hình rồng đẹp mắt. Riêng về mái dầm (mái chèo) liên quan đến kỹ thuật thi đấu nên các đội đua thuyền tự làm để phù hợp với người đua.
Theo ông Trần Đình Công, thợ mộc, người có thâm niên làm dầm đua, dầm chèo thường được làm bằng gỗ xoan với tiêu chí nhẹ, bền. Cán dầm phải vừa tay người chèo để đảm bảo sức khỏe.
Cổ động viên mang trang phục với màu thuyền đua
Cổ động viên đua thuyền ở Cảnh Dương cũng khác với các nơi khác về trang phục. Đó là bốn sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng trên trang phục để cổ vũ náo nhiệt cho đội của thôn mình. Các bà các chị tay khoát nón hò reo cổ vũ cho đội đua của thôn mình.
Xuất phát với hình thức thi tài “chạy thẻ”
Trước khi diễn ra lễ hội đua thuyền, ban tổ chức tiến hành làm lễ dâng hương tại đình thờ Tổ và Ngư Linh miếu để phát động cuộc đua, sau đó là phần chạy thẻ. Theo quy ước, mỗi đội sẽ cử ra một người có khả năng chạy nhanh để chạy thẻ.
Cụ thể, khi nghe hiệu lệnh của tiếng chiêng, từ điểm xuất phát ở mép nước biển, người chạy thẻ hướng thẳng đến sân Ngư Linh miếu nơi có bốn chiếc thẻ cùng màu sơn với bốn chiếc thuyền. Trong thời gian nhanh nhất, người của thuyền đua màu nào thì chọn chiếc thẻ cùng màu mang về để thuyền mình xuất phát.
Cổ động viên của đội thuyền màu tím
Ông Lê Quang Trung cho biết thêm, ngày trước khi tổ chức đua thuyền trên sông, quãng đường chạy thẻ từ đình thờ Tổ ra tới bờ sông với khoảng cách khá xa nên ban tổ chức cho mỗi thuyền chạy tiếp sức nam nữ.
Với lại người chạy nhanh còn sử dụng chiêu trò “gạt thẻ” của đội khác xuống đất để đội bạn chậm thời gian hơn. Nay thì khoảng cách gần (khoảng 100m) nhưng cũng đòi hỏi nhiều yếu tố như kỹ thuật chạy trên cát, người chạy phải có tâm lý vững vàng giữa không khí rộn ràng chiêng trống.
Điều khiển thuyền vượt sóng biển
Lễ hội đua thuyền Cảnh Dương diễn ra trong cả buổi sáng và buổi chiều với bốn lượt đua. Buổi sáng hai lượt, buổi chiều hai lượt, mỗi lượt gồm có vòng đi và vòng về qua hai phao tiêu với tổng chiều dài hơn 5km.
Một thuyền đua có 29 người, trong đó có 22 người cầm dầm, ba người cầm lái, một người gõ mõ, một người tát nước, một người khoát cờ và một trọng tài giám sát.
Rộn ràng không khí tập luyện
Khi vào cuộc đua ở trên mỗi thuyền là sự kết hợp điêu luyện giữa người cầm lái, người gõ nhịp, người khoát dầm, người tát nước. Mỗi vị trí đều rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu. Do đó yêu cầu người đánh chầm phải có sức khỏe dẻo dai, kỹ thuật tốt để thống nhất động tác. Người gõ nhịp phải gõ đều nhịp để các tay chầm thống nhất động tác giữa đều tay dầm hay tăng tốc. Đặc biệt, người chèo lái phải nắm vững kỹ thuật, điều khiển thuyền đua thẳng hướng về phía trước và nhất lúc tính toán để quay tiêu sao cho hợp lý, tiết kiệm thời gian.
Ông Phạm Đình Điếng, thôn Thượng Giang chia sẻ, đua thuyền trên biển ở Cảnh Dương hấp dẫn, kịch tính nhất là lúc quay tiêu. Bởi hai thuyền cùng quay một vị trí tiêu nên kèn cựa nhau từng gang tấc. Với tốc độ đánh dầm khoảng 6 hải lý/ giờ nên tốc độ rất nhanh nên đã xảy ra trường hợp thuyền này đâm va vào thuyền kia dẫn đến chìm. Ở vị trí này thể hiện vai trò chỉ huy của người cầm lái biết điều khiển con thuyền sao cho khéo léo vượt qua sóng gió, chướng ngại vật.
Cổ động viên diễu hành ở làng biển Cảnh Dương
Tính điểm từng lượt đua
Theo quy định của ban tổ chức khi kết thúc lượt đua, thuyền về nhất được 12 điểm, về nhì tám điểm, về ba sáu điểm và về thứ tư được bốn điểm. Đội thuyền nào thi đấu nếu phạm quy sẽ bị trừ điểm.
Ở những lượt đua tiếp theo, các đội đua bắt buộc phải đổi thuyền và vị trí cho nhau để đảm bảo công bằng và vẫn thực hiện thủ tục chạy thẻ. Thứ hạng của các đội đua thuyền được tính theo tổng điểm sau bốn lần đua. Từ kết quả của lễ hội đua thuyền, người dân Cảnh Dương đã đúc kết “Đỏ đi trước/ Vàng đi sau/ Cờ lau chót bẹt” với ngầm ý đội đua nào may mắn bốc thăm trúng được thuyền màu đỏ thì may mắn hơn các màu khác.
Tinh thần cổ vũ cho ngày hội
Trong lúc những cánh tay cuộn sóng biển khơi đang tranh tài trên các thuyền đua thì ở phía trong bờ biển hàng ngàn người dân hào hứng, reo hò, vẫy cờ cổ vũ cho các đội thi đấu giành chiến thắng.
Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên biển ở Cảnh Dương là hoạt động văn hóa truyền thống của người dân làng biển Cảnh Dương diễn ra theo chu kỳ 5 năm hai lần vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9. Lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút ngàn du khách tới xem.
TÂN BÌNH; ảnh: BÁCH CHIẾN