Nhiều hoạt động văn hoá diễn ra tại lễ hội chùa Hoằng Phúc

VHO - Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh theo nghi thức Phật giáo. Lễ hội năm nay thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm bái.

Nhiều hoạt động văn hoá diễn ra tại lễ hội chùa Hoằng Phúc - Anh 1

Chùa Hoằng Phúc có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung.

Toạ lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chùa Hoằng Phúc có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung. Chùa khởi nguồn từ am Tri Kiến do Phật hoàng Trần Nhân Tông lập ra trong một chuyến vân du phương Nam vào năm 1301.

Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát tâm đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phật tử và nhân dân, chùa Hoằng Phúc được xây dựng khang trang, bề thế theo lối kiến trúc đời Trần. Năm 2015, chùa Hoằng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc. 

Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm Giáp Thìn diễn ra phần lễ với các nghi thức Phật giáo, gồm có lễ cầu quốc thái dân an, lễ khai ấn, lễ rước nước, lễ tắm Phật, lễ phóng sinh… Trong đó điểm nhấn là nghi lễ xin nước tại vực An Sinh (xã Trường Thủy) được tiến hành vào nửa đêm ngày 14 đến sáng sớm ngày 15 tháng Giêng.

Nhiều hoạt động văn hoá diễn ra tại lễ hội chùa Hoằng Phúc - Anh 2

Lễ hội năm nay thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm bái.

Phần hội gồm nhiều hoạt động biễu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian như thi đấu và biểu diễn võ cổ truyền, cờ tướng, nhảy bao bố, bài chòi…

Những năm trở lại đây, chùa Hoằng Phúc trở thành một trong những điểm đến tâm linh thu hút đông du khách thập phương đến vãn cảnh, dâng hương. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã có hơn 1 vạn lượt người đến vãn cảnh, dâng hương tại chùa để cầu an, cầu phúc, cầu mong cho một năm mới an khang thịnh vượng…

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết, Lệ Thủy là vùng đất thiêng, sông nước hữu tình, nhiều tên sông, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử. Hữu duyên giữa thế đất và lòng dân, nơi đây hội đủ yếu tố để tạo dựng cơ sở vững chắc, không chỉ cho kháng chiến và cách mạng mà còn cho cả tín ngưỡng và văn hóa.

Nhiều hoạt động văn hoá diễn ra tại lễ hội chùa Hoằng Phúc - Anh 3

Thực hiện nghi lễ tắm Phật tại lễ hội.

Theo ông Đặng Đại Tình, chùa Hoằng Phúc là một trong những địa điểm đó. Kể từ ngày khánh hạ đến nay, nơi đây không chỉ là chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi học phật, hiểu phật và tu phật của đông đảo tăng ni, phật tử mà còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch văn hóa và điểm đến hấp dẫn của du khách trên khắp mọi miền Tổ quốc…

Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp linh thiêng về mảnh đất và con người Lệ Thủy.

TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc