Nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi

VHO - Sản phẩm thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi được trang trí bằng nhiều loại hoa văn phong phú đẹp mắt trên chất liệu vải chàm với kỹ thuật dệt tinh tế, thể hiện thế giới tâm hồn, cuộc sống lao động, tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên.

Nghe det tho cam cua nguoi Tay o Luong Noi - Anh 1

Lớp trao truyền nghề dệt thổ cẩm có sự tham gia của 50 học viên là người dân ở Luống Nọi

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quàng là điểm di sản văn hóa nằm trong "Hành trình về nguồn cội" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận.

Nghề dệt thổ cẩm ở xóm Luống Nọi có từ lâu đời, hình thành và phát triển trong quá trình lao động, được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Năm 2022, nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những năm 80 của thế kỷ trước, xóm Luống Nọi đều làm nghề dệt, nhà nào cũng có 1- 2 khung dệt. Phụ nữ Tày nơi đây đều biết dệt để tự tay dệt quần áo, mặt địu, vỏ chăn, gối sử dụng trong gia đình, làm của hồi môn hoặc đem trao đổi tại các chợ phiên. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn chỉ còn khoảng 30 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nghề dệt đang dần mai một, những người biết dệt đều trên 50 tuổi, giới trẻ hầu như không biết dệt, cũng không còn mặn mà với nghề thủ công truyền thống. Do đó, các cấp chính quyền và người dân địa phương cần nỗ lực gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm.

Để bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghề dệt thổ cẩm của người Tày, từ ngày 12-17.12, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hà Quảng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hà Quảng và UBND xã Ngọc Đào tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày tại xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào.

Nghe det tho cam cua nguoi Tay o Luong Noi - Anh 2

Lớp trao truyền được các nghệ nhân am hiểu trực tiếp hướng dẫn quy trình dệt thổ cẩm

Lớp trao truyền nghề dệt thổ cẩm có sự tham gia của 50 học viên là người dân đang sinh sống tại xóm Luống Nọi và học sinh trường THCS xã Ngọc Đào. Trong đó, học viên cao tuổi nhất là 62 tuổi, nhỏ nhất là 10 tuổi. Các học viên được 5 Nghệ nhân Ưu tú, nghệ nhân dân gian là những người am hiểu về nghề dệt thổ cẩm hướng dẫn thực hành các bước trong quy trình dệt thổ cẩm từ trồng bông, kéo sợi, lựa chọn các nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu sợi, lên go, mắc cửi, dệt vải và tạo hoa văn trên vải...

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Thược cho biết, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi được tạo hình, trang trí bằng nhiều loại hoa văn phong phú đẹp mắt trên chất liệu vải chàm với kỹ thuật dệt, tạo hoa văn tinh tế, thể hiện được sự khéo léo của đôi bàn tay và óc thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ. Thông qua các họa tiết trang trí, hoa văn trên thổ cẩm, người dân nơi đây gửi gắm tâm tư, tình cảm và những khát vọng sống của bản thân; thể hiện thế giới tâm hồn, cuộc sống lao động, tình yêu thương giữa con người với con người và mối liên hệ giữa con người với thế giới tự nhiên. 

Nghe det tho cam cua nguoi Tay o Luong Noi - Anh 3

Tham gia lớp trao truyền là các học viên nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó nhỏ nhất là 10 tuổi

Các học viên còn được Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Thược giới thiệu về lịch sử nghề dệt, ý nghĩa các hoa văn trên sản phẩm dệt. Mặc dù các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, môi trường khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê với nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Hầu hết các học viên đều đã thuộc các bước trong quy trình dệt, nhuộm và đã có thể tự tay dệt vải, tạo ra những tấm thổ cẩm. Những tấm thổ cẩm do các học viên của lớp dệt ra có thể chưa đẹp, sắc nét nhưng đó là tình cảm và tâm huyết của mỗi cá nhân với nghề thủ công truyền thống.

Nghe det tho cam cua nguoi Tay o Luong Noi - Anh 4

Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Thược trực tiếp hướng dẫn quy trình thao tác trên khung dệt thổ cẩm

Dịp này, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã trao tặng xóm Luống Nọi 2 bộ khung dệt phục vụ cho việc trình diễn, truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Tày cho thế hệ trẻ gìn giữ di sản quý báu của cha ông.

Nghe det tho cam cua nguoi Tay o Luong Noi - Anh 5

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, đại diện Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam và Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Thược trao đổi về bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm

Thời gian qua, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã triển khai tích cực nhiều nội dung thuộc Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Việc tổ chức mô hình nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày ở Luống Nọi là hoạt động thiết thực giúp cho các nghệ nhân với tâm huyết của mình sẵn sàng trao truyền "tiếp lửa" cho thế hệ trẻ duy trì nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Tày.

Nghe det tho cam cua nguoi Tay o Luong Noi - Anh 6

Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Thược đón nhận bộ khung dệt do đại diện Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam trao tặng phục vụ bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm tại Luống Nọi

Bên cạnh đó, các cấp ngành và người dân cần có những phương án cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi. Chú trọng hỗ trợ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dệt thổ cẩm, khuyến khích, động viên bà con đầu tư đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại các sản phẩm thổ cẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá, lan tỏa nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

VY OANH - MINH HẰNG

Ý kiến bạn đọc