Ngắm tranh rồng và thưởng phong vị Tết xưa

VHO - Hơn 100 bức tranh, hiện vật tạo hình rồng trong trưng bày chuyên đề Năm Thìn kể chuyện Rồng cùng những bức ảnh về phong vị Tết xưa Hà Nội đã đưa công chúng đến với không gian văn hóa độc đáo, đậm đà hương sắc mùa xuân…

Ngắm tranh rồng và thưởng phong vị Tết xưa - Anh 1

 Trưng bày “Năm Thìn kể chuyện Rồng”

Đây là chuỗi hoạt động đặc biệt được Bảo tàng Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng và mừng Xuân Giáp Thìn 2024 tại Hà Nội.
Năm Thìn kể chuyện Rồng
Câu chuyện về con giáp của năm 2024 đã tạo điểm nhấn cuốn hút người xem thông qua những tác phẩm nghệ thuật, tạo hình độc đáo. Trưng bày giới thiệu hơn 100 hiện vật, tác phẩm nghệ thuật của Bảo tàng Hà Nội và sưu tập của một số nghệ nhân. Hình tượng rồng được giới thiệu qua các mảng trang trí kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, họa tiết hoa văn, đồ dùng sinh hoạt… Tại trưng bày, khách tham quan cũng được chiêm ngưỡng các tác phẩm tạo hình nghệ thuật ứng dụng, sử dụng hình tượng rồng bằng ngôn ngữ đương đại, được các nghệ sĩ sáng tạo trên nền tảng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc tạo nên sắc màu đa dạng, phong phú và đầy sức hút đối với người xem.
Nội dung trưng bày gồm ba chủđề: Hình tượng rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; Hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt; Hình tượng rồng trong đời sống đương đại. Nhiều câu chuyện thú vị về con giáp có ý nghĩa biểu tượng của văn hóa Việt được “kể” sinh động từ nhiều góc độ. Ở mảng kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, hình tượng rồng được sử dụng nhiều nhất, được chạm khắc trong đình, chùa, đền, miếu…, khắc họa hình tượng rồng vừa uy nghi dung dị, vừa gần gũi huyền ảo, lại bay bổng và sinh động. Trong đời sống nhân dân, hình tượng rồng cũng in đậm dấu ấn. Đặc biệt, trong tâm thức người Việt, con giáp mang biểu tượng quyền lực này vừa hiện hữu lại vừa khuất lấp, linh thiêng.
Những câu chuyện về rồng cũng được các nghệ sĩ đương đại kể lại bằng ngôn ngữ tạo hình và nhịp điệu hiện đại. Đó là những sản phẩm thủ công tinh xảo, ẩn chứa những câu chuyện nhân văn, giá trị văn hóa truyền thống, có thể kể đến tác phẩm Rồng và Tiên nữ do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo, lấy ý tưởng từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên…
“Qua trưng bày, Bảo tàng Hà Nội mong muốn sẽ truyền tải đến công chúng những ý nghĩa tốt lành, mong ước năm mới Giáp Thìn may mắn, hạnh phúc, sung túc và bình an…”, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà bày tỏ.

Ngắm tranh rồng và thưởng phong vị Tết xưa - Anh 2

Thưởng thức phong vị Tết xưa

Phong vị Tết xưa Hà Nội
PGS.TS, nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính chia sẻ cảm xúc hào hứng khi bước chân vào không gian nhuốm màu thời gian và phong vị Tết Hà Nội. Những bức ảnh tư liệu, tranh nghệ thuật, sắp đặt tiểu cảnh với hương sắc Tết xưa, có pháo đỏ, bánh chưng, câu đối, chợ Tết… được bài trí công phu như níu bước chân du khách. Đã lâu rồi, công chúng mới được nhìn ngắm lại hình ảnh ngày Tết của những tháng năm xưa cũ.
“Tết Nguyên đán có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức người Việt. Những hình ảnh trong trưng bày chuyên đề Phong vị Tết xưa Hà Nội đã khơi gợi, làm sống lại các phong tục tốt đẹp của Tết cổtruyền, đặc biệt là những dấu ấn văn hóa độc đáo của người Hà Nội…”, PGS.TS Bùi Xuân Đính chia sẻ.
Trưng bày giới thiệu về tục dựng cây nêu, chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ, thú chơi cây cảnh, đi chợ Tết… Nội dung trưng bày được thể hiện qua các bộ ảnh sưu tầm trong và ngoài nước, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt tại không gian trưng bày Nếp xưa - gợi lại những phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa gắn với Tết cổ truyền dân tộc. “Có những điều vẫn hiện hữu, có những thứ đã mất đi, những hình ảnh tại trưng bày mang đến cho chúng ta xúc cảm đẹp đẽ và mong muốn chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đó”, PGS.TS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh. 

Ngắm tranh rồng và thưởng phong vị Tết xưa - Anh 3

Tọa đàm về Tết Hà Nội

Du khách bắt gặp ở đây nhiều hình ảnh đã mai một, không còn phổ biến trong đời sống đương đại. Cũng bắt gặp những thú chơi vẫn được duy trì, nhưng dưới một cách thức, hình thức khác. Đó là thú đi chơi chợ Tết, để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm, người Hà Nội sắm Tết ngay từ Rằm tháng Chạp; những ngày giáp Tết chợ càng đông đúc hơn. Cho đến ngày nay, nét đẹp văn hóa đi chợ Tết vẫn được duy trì. Đó còn là những bữa cơm tất niên, nét văn hóa thể hiện sự đoàn tụ gia đình sau một năm lao động vất vả; là niềm vui khi có tấm áo mới; tục gói bánh chưng Tết; chuẩn bị ban thờ; ý nghĩa của mâm ngũ quả; mâm cỗ cúng gia tiên trong ngày đầu năm mới…
Cùng với những hình ảnh trong trưng bày, cuộc tọa đàm cùng tên Phong vị Tết xưa Hà Nội cũng thu hút đông đảo công chúng. PGS.TS Bùi Xuân Đính trao đổi vềchủđềPhong tục chuẩn bịTết của người HàNội; TS Trần Đoàn Lâm với Tục lệ chúc Tết truyền thống… những ký ức xưa thương nhớ đã được các diễn giả mang đến tọa đàm, giúp khán giả hiểu rõ hơn các câu chuyện xung quanh nội dung trưng bày. 
Trong chuỗi chương trình nhân dịp này, Bảo tàng Hà Nội cũng tổ chức hoạt động chia sẻhình ảnh đẹp chụp tại Bảo tàng HàNội theo chủđềKhoảnh khắc mùa xuân. Hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, tăng tương tác trên Fanpage của Bảo tàng HàNội, giao lưu với khách tham quan nhân dịp đầu xuân 2024. BTC cho biết, thời gian nhận ảnh đến hết ngày 27.2; công bố kết quả vào 6.3 và trao giải thưởng vào ngày 8.3.

BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc