Linh thiêng cột cờ Ba Đình giữa biển trời Đông Bắc
VHO- Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi hội tụ trái tim của muôn người dân đất Việt, nay đã hiện hữu trên hòn đảo ngọc Cô Tô, với niềm kiêu hãnh dân tộc giữa mênh mông sóng gió Biển Đông.
Cột cờ trên đảo Cô Tô
“Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô không chỉ khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng mà còn nhân lên niềm tin, tiếp thêm động lực để mỗi người dân trên hòn đảo tiền tiêu đoàn kết, bám biển, giữ đảo như lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa…”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Hành trình Cột cờ Tổ quốc từ Ba Đình đến đảo Cô Tô
Chia sẻ về hành trình xây dựng Cột cờ Tổ quốc với tỉ lệ 1:1 với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết, Cột cờ chủ quyền Tổ quốc ngay giữa Cô Tô không chỉ là tâm nguyện, tự hào của mỗi người dân trên đảo mà còn là sự khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
“Khi nhận nhiệm vụ Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tôi đã tâm niệm về việc xây dựng Cột cờ Tổ quốc ở vị trí hiện nay. Đặc thù ở vùng biển đảo là sóng to gió lớn nên đặt ra yêu cầu phải tính toán cẩn thận, đảm bảo an toàn, kỹ thuật và sự trang nghiêm. Được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vàBan Giám hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải, chúng tôi được tiếp cận công trình Cột cờ ở Quảng trường Ba Đình; lựa chọn kích thước, tham vấn kỹ thuật để xây dựng công trình…”, ông Dũng cho biết. Cột cờ Tổ quốc ở huyện đảo Cô Tô được khởi công ngày 14.3.2022, khánh thành ngày 26.4.2022. Công trình do Trường Đại học Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và trao tặng huyện đảo. Chiều cao cột cờ tại Cô Tô là 27,9m, đúng bằng chiều cao cột cờ tại Quảng trường Ba Đình. Bệ móng được thiết kế để cột cờ có thể chịu được sức gió mạnh, bão trên cấp 12. Được xây dựng với kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới, tiên tiến nhất; phần cột cờ chính sử dụng ống thép kết cấu mạ kẽm nhúng nóng, đế móng sử dụng loại bê tông có cấp C350 và bê tông tính năng cao UHPC, đảm bảo công trình có độ bền trên 70 năm trong điều kiện khí hậu biển đảo.
Lễ thượng cờ trên đảo Cô Tô Ảnh: T.L
“Hệ thống tời điện được lập trình để khi lá cờ được kéo lên đỉnh cột đúng bằng thời gian hát bài Quốc ca tại Quảng trường Ba Đình thường sử dụng trong các dịp đại lễ. Kích thước lá cờ cũng bằng kích thước cờ Tổ quốc ở Quảng trường Ba Đình 4,2 x 6,24 mét. Điều đặc biệt, lá cờ Tổ quốc dùng trong Lễ thượng cờ ngày khánh thành cột cờ Cô Tô đã được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng trao tặng cho quân và dân Cô Tô tại vịtríphía trước Lăng Chủtịch HồChíMinh”, ông Dũng chia sẻ. Bí thư Nguyễn Việt Dũng kể, ông không thể quên thời khắc thiêng liêng vào 6h ngày 19.4.2022, Đoàn công tác của huyện Cô Tô dự Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình và 21h cùng ngày, tại Lễ hạ cờ, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lá cờ Tổ quốc vừa tung bay giữa lòng Thủ đô, đã được thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tận tay ông. “Hành trình đón lá cờ Tổ quốc từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cô Tô với chúng tôi là trách nhiệm và niềm tự hào vô bờ. Hành trình đó cũng đong đầy tình cảm đặc biệt của Thủ đô và cả nước trao cho vùng đảo xa. Giờ đây, cùng với Tượng đài Bác Hồ, lá cờ Tổ quốc thiêng liêng là điểm tựa tinh thần vững chắc để quân và dân huyện đảo vững vàng tiến bước, đưa Cô Tô trở thành “hòn ngọc sáng” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc…”, ông Dũng bày tỏ.
Ngày 26.4.2022, huyện đảo Cô Tô tổ chức khánh thành công trình Cột cờ Tổ quốc. Với quân và dân trên hòn đảo có vị trí tiền tiêu quan trọng này, hành trình đặc biệt Cột cờ Tổ quốc từ Ba Đình đến đảo Cô Tô thể hiện niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước gửi gắm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Cô Tô, như chính lời căn dặn của Người năm xưa: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo, mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Bà Nguyễn Thị Mến, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Cô Tô chia sẻ: “Giây phút ấy, khi chứng kiến lá cờ đã tung bay tại Quảng trường Ba Đình, một lần nữa tung bay trên cột cờ chủ quyền của Cô Tô, bất cứ ai có mặt đều trào dâng cảm xúc thiêng liêng; thấy như ở đó có lồng cả tình yêu của Hà Nội và cả nước dành cho biển đảo Cô Tô”.
Lễ khánh thành công trình Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô Ảnh: T.L
Niềm kiêu hãnh giữa muôn trùng sóng gió
“Lịch sử xây dựng và phát triển Cô Tô có thêm một dấu mốc quan trọng, đó là sự hiện diện của Cột cờ Tổ quốc. Mỗi khi chứng kiến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa muôn trùng sóng gió, bên cạnh tượng đài Bác Hồ nhìn ra phía Biển Đông, từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Cô Tô càng thêm tự hào, ngày đêm can trường giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”, Bí thư Huyện ủy Cô Tô xúc động.
Ông Dũng cho biết thêm, sau khi Cột cờ Tổ quốc được khánh thành, ngày 9.5 hằng năm, kỷ niệm ngày Bác Hồ ra thăm Cô Tô, Thủtrưởng và đội tiêu binh của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ ra Cô Tô thực hiện nghi lễ thượng cờ. Năm 2023, nhân kỷ niệm 62 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo, Lễ thượng cờ Tổ quốc đã được tổ chức trang trọng tại di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. “Đúng 6h30 sáng, nghi lễ thượng cờ bắt đầu trong tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng. Lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong gió biển. Cô Tô như cảm nhận được rất gần, có một Ba Đình linh thiêng giữa biển trời Đông Bắc”, Bí thư Cô Tô nhớ lại. Cô Tô cũng ban hành quy định riêng về Lễ thượng cờ, hạ cờ. Nghi lễ chào cờ thiêng liêng được tổ chức đều đặn vào thứ 2 đầu tuần. Nghi lễ hạ cờ, thượng cờ diễn ra vào những ngày lễ quan trọng của đất nước, của tỉnh Quảng Ninh và mỗi tối thứ 6, sáng thứ 7 hằng tuần (trong mùa hè) để khách du lịch cũng có thể tham dự. Du khách từ khắp mọi miền đất nước về đây, được dự lễ thượng cờ, hạ cờ, họvô cùng xúc động. Nhiều người không thể ngờ, ở nơi biển đảo xa xôi giữa biển trời Đông Bắc này lại hiện hữu cột cờ chủ quyền có ý nghĩa thiêng liêng như thế.
Cô Tô, hòn ngọc xanh giữa biển trời Đông Bắc
Trong trái tim Cô Tô, ngày 9.5.1961 đã đi vào lịch sử với sự kiện Bác Hồ thăm đảo và Cô Tô cũng là nơi duy nhất Người đồng ý cho kiến dựng tượng của mình khi còn sống. Việc xây dựng Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trong không gian văn hóa thiêng liêng này càng được nhân lên nhiều ý nghĩa. “Mỗi người dân và du khách khi đến với hòn đảo, được lắng nghe những giai điệu hùng tráng của Quốc ca Việt Nam, chứng kiến lá cờ tung bay đầy kiêu hãnh trong gió Biển Đông sẽ cảm nhận những cảm xúc vô cùng đặc biệt trong trái tim mình. Lá cờ từ Quảng trường Ba Đình lịch sử được trao tặng chính là niềm tin, động lực để quân dân Cô Tô cùng nhau tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Bác Hồ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lá cờ Tổ quốc tung bay giữa mênh mông biển trời chính là niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước gửi gắm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Cô Tô. Mỗi người dân Cô Tô được trao thêm niềm tin, sức mạnh, để vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, trở thành cột mốc sống giữa biển trời quê hương, đồng thời càng ý thức được trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… (Bí thư Huyện ủy Cô Tô NGUYỄN VIỆT DŨNG) |
PHƯƠNG ANH - VŨ AN; ảnh: TRẦN HUẤN