Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn

VHO - Ngày 20.2 (tức ngày 11 tháng Giêng), UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức khai mạc Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Tuần VHTTDL các dân tộc huyện Nậm Nhùn năm 2024, tại quần thể di tích cấp quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ thuộc xã Lê Lợi. Lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách dịp đầu Xuân Giáp Thìn..

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 1

Nghi lễ rước kiệu tại Đền trình lên Đền chính

Lễ hội nhằm kỷ niệm 596 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428 - 2024), 591 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1433 - 2024). Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với thúc đẩy phát triển du lịch tại Nậm Nhùn nới riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.

Năm 2024, là năm thứ hai UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ với nghi thức truyền thống - rước kiệu. Lễ rước kiệu đi từ vị trí cũ của bảo vật tại Đền trình về Đền thờ Vua Lê Thái Tổ tại Đền chính.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 2

Quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nằm sát dòng Sông Đà thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn

Bia Vua Lê Thái Tổ nằm trong quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định 10/VH-QĐ, ngày 2.9.1981, thuộc danh mục số 185 của Bộ Văn hóa về xếp hạng di tích. Trước năm 2009 di tích bia Bia Vua Lê Thái Tổ nằm trên một khoảng đất bằng hẹp tại sườn núi ven đường tỉnh lộ 127. Bia nằm liền ở vách sườn núi thấp, hướng mặt bia nhìn xuống dòng sông Đà.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 3

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 4

Nghi lễ "thủy, bộ cùng tiến" rước Vua Lê Thái Tổ về Đền chính

Năm 2012 thực hiện việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, để bảo tồn giá trị của di sản Bia Vua Lê Thái Tổ nên phần bút tích văn bia đã được khoan cắt ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ tạo thành khối đá lớn có kích thước dài 2,62 m, rộng 1,13 m, cao 1,85 m, trọng lượng trên 15 tấn. Văn bia được di chuyển đến vị trí hiện nay cách vị trí cũ 500 m, từ đó hình thành nên quần thể lưu niệm Vua Lê Thái Tổ.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 5

Bia Vua Lê Thái Tổ là hiện thân của kiểu văn bia Ma nhai, là một trong những hình thức văn bia thuộc loại ít, quý hiếm, là tài sản vô giá, thể hiện diện mạo văn hóa của đất nước. Văn bia có giá trị đặc biệt, tiêu biểu, là hiện vật gốc độc bản có hình thức độc đáo liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, đến sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, nhân văn...

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 6

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 7

Thực hiện nghi lễ tại Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ

Với những giá trị tiêu biểu, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia  đối với Bia Vua Lê Thái Tổ. Năm 2017, quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích cấp quốc gia.

Hiện nay, Bia Vua Lê Thái Tổ đã có 3 phiên bản: một bản được đặt tại Đền thờ Lê Lợi, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, một bản đặt tại Tượng đài Lê Thái Tổ, thành phố Hà Nội và một bản được đặt tại khuôn viên Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ là sự kiện văn hóa quan trọng thể hiện sự tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ, nghĩa quân, nhân dân đã có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 8

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nơi biên cương Nậm Nhùn - Anh 9

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái

Để phát huy giá trị di tích Quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, các cấp chính quyền và người dân cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng du lịch, góp phần giữ gìn, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của vùng đất và con người Nậm Nhùn nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung đến với đồng bào, du khách trong và ngoài nước.

 VY OANH; ảnh: NGUYỄN TÙNG - QUANG THỤY

Ý kiến bạn đọc