Làng nghề truyền thống gìn giữ hồn Tết cổ truyền dân tộc
VHO- Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống, nhất là làng nghề sản xuất phục vụ Tết cổ truyền, không chỉ tạo việc làm mà còn lưu giữ sản phẩm hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc.
Hàng chục, hàng trăm cành hoa giấy Thanh Tiên được kết thành cành lớn và đưa đi bán tại các chợ, đường phố trong thành phố. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Dải đất Trung Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có bề dày lịch sử từ trên 500 đến hơn 700 năm.
Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống, nhất là làng nghề sản xuất phục vụ thị trường Tết cổ truyền của dân tộc không chỉ tạo việc làm mà còn lưu giữ sản phẩm hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các làng nghề truyền thống ở Trung Trung Bộ vào vụ sản xuất phục vụ Tết Quý Mão với không khí tất bật, nhộn nhịp và tràn đầy sức sống như cây cối đâm chồi nảy lộc khi tiết trời vào Xuân.
Hoa giấy Thanh Tiên, đèn lồng Hội An khoe sắc
Mỗi độ Tết đến Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên, xã phú Mậu, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) lại rộn ràng hơn để mang những sản phẩm hoa giấy độc đáo, đẹp mắt đến mọi nhà tô điểm thêm cho mùa Xuân.
Từ lâu, những cành hoa giấy Thanh Tiên đã gắn bó với đời sống tâm linh của người dân Cố đô Huế.
Nét đặc trưng của hoa giấy Thanh Tiên là ở chỗ tất cả công đoạn sản xuất đều hoàn toàn thủ công.
Hoa giấy nhìn bề ngoài tuy đơn giản nhưng mỗi bông hoa khác nhau lại chuyển tải những lý thuyết Nho học của người phương Đông.
Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên bao giờ cũng có 8 bông hoa, trong đó 3 bông hoa ở giữa tượng trưng cho Quân-Sư-Phụ cũng có thể là Thiên-Địa-Nhân hoặc Trung-Hiếu-Nghĩa, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín.
Theo tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như trang ông, trang bà và ông Táo.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề làm hoa giấy, ông Nguyễn Hóa, làng Thanh Tiên cho biết hoa giấy Thanh Tiên trở thành nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và vùng lân cận.
Các công đoạn để làm nên hoa giấy Thanh Tiên khá công phu và cầu kỳ. Sau khi cắt, dán tạo nên những loài hoa đẹp, nghệ nhân sẽ đính kết các loài hoa này tạo thành những cành hoa đầy màu sắc. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Những cành hoa giấy thể hiện sự đoàn kết vi quý trong gia đình. Vì vậy, người làm hoa thường chọn những sắc màu như xanh dương, xanh lá, vàng, cam, đỏ để làm hoa, tránh màu buồn như màu tím, trắng.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người làng Thanh Tiên đã cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa, đặc biệt là khôi phục làm hoa sen giấy sau nhiều năm thất truyền.
Hoa sen giấy sử dụng vào nhiều mục đích như trang trí trong gia đình, lễ hội, sự kiện, cũng có thể đặt lên bàn thờ gia tiên. Hoa sen giấy có mặt trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Xã Phú Mậu hiện có khoảng 20 hộ làm hoa giấy. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Mậu Nguyễn Văn Trai cho biết thời gian gần đây, hoa giấy Thanh Tiên nhận được nhiều đơn đặt hàng, các hộ dân rất phấn khởi khi có thêm việc làm. Đây cũng là động lực giúp người dân bảo tồn và phát triển làng nghề.
Địa phương tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức lớp đào tạo nghề làm hoa giấy.
Vào dịp Tết cổ truyền, làng nghề làm đèn lồng truyền thống nổi tiếng ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) lại tất bật để cung ứng ra thị trường hàng triệu sản phẩm rực rỡ sắc màu.
Nghề làm đèn lồng Hội An đã có từ hơn 400 năm trước và được vinh danh là một trong 9 nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam.
Hiện nay, Hội An có hơn 30 xưởng sản xuất, trên 200 cơ sở kinh doanh đèn lồng.
Một số sản phẩm đèn lồng được các nghệ nhân tại thành phố Hội An sản xuất. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
Hơn 4 thế kỷ trôi qua, nghề làm đèn lồng Hội An không bị mai một và vẫn gìn giữ được sự thuần Việt trong từng sản phẩm.
Nguyên liệu và kỹ thuật chế tác đèn lồng Hội An khác biệt so với nhiều nước cũng làm đèn lồng như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Nếu đèn lồng ở các nước này chủ yếu bọc bằng giấy hoặc nylon nên dễ rách và dễ cháy, đèn lồng Hội An được bọc bằng vải.
Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, gấm có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong.
Do đó, đèn lồng Hội An khi hoàn thành nhìn rất mềm mại nhưng lại chắc chắn, nhẹ nhàng, rất lung linh.
Đèn lồng Hội An có màu sắc rực rỡ tô thêm vẻ đẹp cho không gian trang trí trong nhà ở, nhà hàng, ngoài phố dịp Tết.
Với quan niệm dân gian treo đèn lồng đẹp, sáng sủa, mang lại may mắn dịp đầu năm mới, đèn lồng Hội An được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nhiều cơ sở làm đèn lồng ở Hội An đã xuất khẩu sản phẩm đi các nước châu Âu, Singapore, Nhật Bản.
Đèn lồng được treo và bày bán trên các tuyến phố cổ ở thành phố Hội An. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết đèn lồng Hội An đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Nhãn hiệu này có hình chùa Cầu được cách điệu, hình chiếc đèn lồng đặt ở trung tâm với dòng chữ "Đèn lồng Hội An" ở dưới.
Nghề làm lồng đèn không chỉ cho thu nhập ổn định mà còn là biểu tượng riêng không thể thay thế, nét văn hóa đẹp của người dân phố cổ Hội An.
Làng hương Thủy Xuân, Quán Hương vào Xuân
Thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên vào dịp lễ, Tết từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam.
Hoạt động này như chiếc cầu nối gửi gắm tâm tư, tình cảm và cả ước nguyện của những người còn sống với người đã khuất.
Bởi vậy người làm hương luôn tâm niệm, làm hương không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn mang giá trị truyền thống tâm linh tốt đẹp.
Những bó “hoa” hương bung xòe với nhiều màu sắc rực rỡ thu hút du khách thập phương. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Những người làm hương truyền thống nổi tiếng nhất ở miền Trung là Thủy Xuân (Thừa Thiên-Huế) và Quán Hương (Quảng Nam) luôn có tâm niệm như vậy để gìn giữ nghề đến ngày hôm nay.
Nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân nổi tiếng bậc nhất trong nghề làm hương bao đời nay ở cố đô Huế.
Nghề làm hương có mùa vụ quanh năm nhưng vào dịp Tết cổ truyền không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương hơn.
Theo các cụ cao niên, làng hương Thủy Xuân có từ thời nhà Nguyễn. Người dân gắn bó, lưu truyền và phát triển nghề không chỉ vì kế sinh nhai mà còn bằng niềm say mê, trân quý nghề truyền thống của ông cha để lại.
Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường nhiều loại hương khác nhau như hương quế, hương sả, hương nhài, hương vòng, nụ trầm nhưng hương trầm là loại hương tạo nên tên tuổi cho làng nghề này.
Hương trầm Thủy Xuân có mùi thơm xa, khi đốt có mùi dịu nhẹ rất đặc trưng của xứ Huế không nơi nào có được.
Mỗi cây hương trầm có ba phần chính gồm tăm hương, bột trầm và chất keo. Tăm hương là phần lõi được vót từ ruột tre già sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương.
Người dân Thủy Xuân đã phát triển làng nghề truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Cả dãy phố Huyền Trân Công Chúa tràn ngập sắc màu rực rỡ của hương. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Để có màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa lượng bột màu thích hợp trong nước nóng rồi nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa. Chất keo được tạo thành từ vỏ cây bời lời.
Sau đó các thành phần được đem trộn đều với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.
Se hương là một trong những công đoạn khó nhất trong quy trình làm hương và quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để bột bám đều vào que hương.
Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc, để được lâu.
Bà Tôn Nữ Anh Tuyết, 73 tuổi, làng Thủy Xuân, cho biết người làm hương Thủy Xuân vẫn lưu giữ cách làm hương thủ công truyền thống để lưu giữ nét truyền thống và nghệ thuật làm hương, bởi đây là cách làm hương độc đáo, được khách du lịch yêu thích.
Bột trộn dẻo được se quanh lõi hương, mỏng tròn vừa đủ đạt mới có thể đem đi phơi nắng. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Làng nghề làm hương truyền thống Quán Hương hơn 200 năm tuổi ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cũng tất bật vào vụ Tết.
Dọc các con đường đi vào làng nghề mùi hương trầm, hương quế thơm ngào ngạt.
Với những người làm hương ở Quán Hương, để cho ra sản phẩm tốt phải rất chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên vật liệu gồm: Quế phải là loại quế ở Trà My (Quảng Nam) nhưng để cho hương được thơm hơn phải dùng bột của vỏ cây quế.
Tiếp đến là các hương vị từ tùng, trám, mai. Các hương vị này phải mua ở các tỉnh phía Bắc.
Tăm hương được mua ở Hà Nội, thường làm từ ruột tre chẻ nhỏ nhưng phải phơi thật khô để khi đốt lên cây hương sẽ cháy đều, không bị tắt giữa chừng.
Sau khi mua tăm hương về, người thợ sẽ tiến hành công đoạn tạo màu cho chân tăm hương, thường là màu đỏ sẫm.
Để có được màu sắc cho chân tăm hương, người thợ hòa lượng bột màu thích hợp trong nước sôi.
Nước càng nóng màu chân tăm hương càng tươi và giữ được lâu; chân tăm hương nhúng qua một vài lần sau đó đem phơi khô lại.
Tiếp đến là chọn bột cưa, bột này phải chọn từ những cây gỗ xốp, mềm, thân tốt, không bị mối mọt, khô, ít hút nước.
Để tạo độ kết dính cho hương, người thợ sử dụng loại bột dẻo được làm từ vỏ cây bời lời - loại cây chủ yếu lấy từ vùng rừng núi Tây Nguyên.
Làng nghề Quán Hương hiện nay có khoảng 200 hộ dân làm hương, bình quân hỗi hộ sản xuất 100 tấn hương/năm.
Ông Nguyễn Văn Gia, Trưởng làng nghề làm hương truyền thống Quán Hương, cho biết người dân Quán Hương luôn tâm niệm, làm hương không chỉ tạo nguồn thu mà còn mang giá trị truyền thống, tâm linh tốt đẹp.
Thế nên họ rất cẩn thận trong từng công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu, làm hương cho đến đóng gói thành phẩm./.
TTXVN