Kỷ niệm về Bác qua những bức ảnh ở “Đồn điền Chi Nê”
VHO- Trong chuyến về thăm Di tích lịch sử cấp quốc gia “Địa điểm nhà máy in tiền” tại Đồn điền Chi Nê, xã Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa, Lạc Thủy, Hòa Bình), chúng tôi có dịp trò chuyện với vợ chồng GS. TSKH Đỗ Long Vân, nguyên Chủ tịch HĐKH Viện Toán học Việt Nam, con trai ông bà Đỗ Đình Thiện, chủ nhân Đồn điền Chi Nê xưa về những bức ảnh được treo trang trọng tại khu di tích, gợi nhớ ký ức một thời về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Chiếc máy chữ Bác Hồ đã sử dụng khi Người đến thăm gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện tại Đồn điền Chi Nê năm 1947
Những bức ảnh được giữ gìn cẩn trọng, sắp đặt theo thứ tự thời gian như một cuốn phim tĩnh, đưa người xem trở lại quãng thời gian hơn 80 năm về trước. Lúc đó, ông bà Đỗ Đình Thiện là nhà tư sản nổi tiếng Hà Thành. Tham gia cách mạng từ rất sớm, gia đình ông bà là một trong những cơ sở tin cậy của Trung ương Đảng và Bác Hồ.
Thân tình như người trong một gia đình
Ngày 28.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên cáo thành lập Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH. Thừa lệnh của Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký Nghị định số 1 ngày 1.9.1945, cử ông Đỗ Đình Thiện đến Ngân hàng Đông Dương rút 2.500.000 đồng Đông Dương, tương đương với 5.000 lạng vàng, để chi về việc khẩn cấp.
Ngày 4.9.1945, để huy động sức dân, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, Chính phủ ra Quốc lệnh số 4 lập Quỹ Độc lập, cử ông Đỗ Đình Thiện làm phụ trách và chịu trách nhiệm về mọi phương diện tại Quỹ trung ương ở Hà Nội. Ngày 17.9.1945, trong khuôn khổ hoạt động của Quỹ Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tuần lễ Vàng. Ông bà Đỗ Đình Thiện tích cực vận động nhân dân, nhất là trong giới giàu có tham gia đóng góp. Riêng ông bà góp 10 vạn đồng Đông Dương vào Quỹ Độc lập và khoảng một trăm lạng vàng cho Tuần lễ Vàng. Đồng thời, mua đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với giá 1.460.800 đồng Đông Dương, tương đương 3.000 lạng vàng để ủng hộ Quỹ.
Tháng 5.1946, ông Đỗ Đình Thiện là một trong 5 thành viên phái đoàn do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sang thăm nước Cộng hòa Pháp. Cùng với chương trình làm việc chính thức với Chính phủ Pháp, phái đoàn còn có hàng trăm cuộc gặp gỡ, tiếp xúc lớn nhỏ với các tổ chức, đảng phái chính trị, đoàn thể quần chúng Pháp và kiều bào ta… Hồ sơ số BA 2346 lưu tại Cảnh sát Paris cho thấy ông Thiện là người trực tiếp chăm lo sinh hoạt và những việc riêng của Bác như đưa Bác đi kiểm tra sức khỏe, khám mắt… Một kỷ niệm về sinh hoạt cá nhân của Bác Hồ đã được ông Thiện kể lại: “Sáng sáng, Bác dùng bột than củi mang từ nhà đi để đánh răng. Nghĩ Bác tiết kiệm, hơn nữa cũng lo không tiện về ngoại giao, tôi đã lẳng lặng giấu hộp than của Bác đi và để thay vào đó một tuýp thuốc đánh răng. Sáng dậy, Bác cứ loay hoay đi tìm, tôi giả bộ nói: “Thưa Bác, mất rồi thì thôi, mời Bác dùng thuốc đánh răng”. Bác nói: “Không phải mình hà tiện đâu, nhưng mình quen mất rồi, đánh bằng thuốc mình cứ hay bị lợm giọng”. Thế là tôi đành lẳng lặng trả lại hộp bột than đánh răng của Bác”.
Căn phòng nơi Bác Hồ đã nghỉ lại khi đến thăm Đồn điền Chi Nê năm 1947
Ngày 17.7.1946, khi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Normandie (Pháp), ông Thiện đã bị tai nạn ôtô rất nặng nhưng may mắn thoát chết. Về Hà Nội trước, Bác Hồ cho gọi ngay bà Thiện lên gặp (ông Thiện còn bận công việc ở Hải Phòng), Người nói: “Bác đưa chú Thiện về trả thím nguyên vẹn rồi đấy nhé”. Bác Hồ luôn gọi ông bà Thiện là “chú thím” thân tình như trong gia đình vậy.
Địch ném bom bắn phá Đồn điền Chi Nê
Giữa tháng 2.1947, ông bà Thiện đang ở Vân Đình làm công tác thu mua vàng và thóc gạo dự trữ kháng chiến thì được Bộ trưởng Lê Văn Hiến đến báo tin Bác Hồ sẽ vào Chi Nê thăm Nhà máy in tiền. Mọi người vội vã về Chi Nê chuẩn bị đón Bác. Đêm 18.2.1947, Bác đến Đồn điền Chi Nê và nghỉ đêm tại gia đình ông bà Thiện. Mọi việc đều được giữ bí mật. Cả ngày 19.2, Bác ngồi làm việc dưới gốc cây ngoài vườn với chiếc máy chữ quen thuộc của Người.
Nhớ lại ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đồn điền Chi Nê, GS Đỗ Long Vân kể: “Đó là vào mùa đông nên trời khá lạnh. Bác ngồi nói chuyện với bố mẹ tôi ở salon cạnh lò sưởi. Thỉnh thoảng Bác lấy tay đẩy củi vào lò. Sau đó bố tôi gọi chị em chúng tôi ra hát cho Bác vui. Khi chúng tôi hát tới câu “Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài” thì Bác mỉm cười và đưa tay lên vuốt râu, đôi mắt sáng của Bác cũng cười theo, thật vui… Sau này ở trên Chiến khu Việt Bắc cũng vậy, cứ mỗi lần Bác đến nhà là chị em chúng tôi lại có dịp “biểu diễn” văn nghệ cho Bác xem. Không khí thật ấm cúng, thân tình. Còn chuyện này nữa mà tôi được nghe người lớn kể lại: Bác rời nhà chúng tôi vào đêm khuya, tôi đã đi ngủ, Bác vào tận giường vén màn “hôn thằng bé con” một cái rồi mới đi”.
GS Đỗ Long Vân giới thiệu lịch sử những bức ảnh trưng bày trong ngôi nhà cũ của gia đình ở Đồn điền Chi Nê
Vào lúc 7 giờ tối ngày 19.2.1947, Bác đi Thanh Hóa. Ba giờ sáng ngày 21.2.1947, Bác trở lại Chi Nê lần thứ hai. Cả ngày 21.2, ông bà Thiện cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến đưa Bác và ông Nguyễn Lương Bằng đi thăm Nhà máy in tiền. Bác vui vẻ thăm hỏi anh chị em công nhân, dặn dò từng câu từng chữ về sự cần thiết phải có nhiều tiền cho cuộc kháng chiến. Bác chỉ rõ những khó khăn thử thách rất lớn phải vượt qua để giành chiến thắng. Bác lưu ý: “Hiện nay kẻ thù của chúng ta đang tìm các cơ sở kháng chiến như nhà máy này để đánh phá. Các chú phải giữ gìn bí mật”.
Thăm và nói chuyện ở nhà máy xong, ông bà Thiện đưa Bác tới thăm làng đồng bào Mường, thăm chợ Đầm Đa, trò chuyện với người dân địa phương… Trên đường trở về thì xuất hiện hai máy bay thám thính của Pháp, mấy Bác cháu phải xuống hầm trú ẩn. Trong bữa cơm trưa, Bác hỏi thăm công việc và nói: “Đã từng nghe nhưng vào đây mới thấy cơ sở này lớn và làm ăn quy củ; cũng lạ sao địch chưa đánh phá, nó sẽ đánh đấy, chú thím phải tìm chỗ làm lán xa vào trong núi cho các cháu sơ tán ban ngày”.
Ngay hôm sau 22.2.1947, theo lời khuyên của Bác, ông bà Thiện đưa cả gia đình đi xem một cái hang có thể làm nơi sơ tán. Chiều đến, trên đường về còn cách nhà khoảng 1km, 8 máy bay Pháp lao đến đến ném bom, bắn phá. Cả gia đình ông bà Thiện núp dưới gốc cây trong vườn cà phê chứng kiến vụ oanh tạc này.
Được tin địch ném bom bắn phá làm hư hại nhà cửa, tài sản, hai vựa cà phê cháy cả tuần lễ chưa tắt, Bác Hồ tự tay đánh máy trên một tấm thiếp nhỏ gửi đến: “Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ. Còn trời, còn nước, còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ. Kháng chiến thành công ta làm ra của cải khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.
Theo GS Đỗ Long Vân, trong gần một phần tư thế kỷ (1945-1969), gia đình ông đã di chuyển và cư ngụ tại 4 ngôi nhà: Số 54 Hàng Gai, Hà Nội; Đồn điền Chi Nê (Hoà Bình); Nhà sàn ở Chiến khu Việt Bắc và số 76 Nguyễn Du, Hà Nội. Cả bốn nơi đều vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm nhiều lần. Ngôi nhà 54 phố Hàng Gai từng là cơ sở bí mật, che giấu cán bộ cách mạng, trong đó có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Lương Bằng… Cũng ngôi nhà này, những năm 1945-1946 đã nhiều lần trở thành “Nhà khách Chính phủ”, nơi Bác Hồ tiếp và mời cơm thân mật cụ Huỳnh Thúc Kháng, nơi tiếp nhà báo Mỹ, đón các phái đoàn Nam Bộ, phụ nữ Nam Bộ… Có lần, Bác Hồ và ông Võ Nguyên Giáp đã bí mật đến nghỉ đêm tại đây. Trong số 4 ngôi nhà của gia đình ông, ngôi nhà số 76 Nguyễn Du Bác chỉ tới thăm chứ không nghỉ lại.
Sau 74 năm, Đồn điền Chi Nê xưa với chiều dài 13km, chiều rộng 9km, ngăn nắp và đẹp mắt theo đúng phong cách Pháp chỉ còn thấp thoáng trong ký ức. Nhưng những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì vẫn hiện hữu, sống động trong nỗi nhớ của những người con của ông bà Đỗ Đình Thiện, chủ nhân Đồn điền Chi Nê năm xưa.
NGUYỆT NHI