Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024): “Kéo pháo ra” và chờ hiệu lệnh tổng tiến công

VHO - Ngày 6.12.1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Sau 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm/ Mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta, tháng 5.1954, Điện Biên Phủ đã trở thành địa danh sáng chói trên bản đồ quân sự thế giới.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024): “Kéo pháo ra” và chờ hiệu lệnh tổng tiến công - Anh 1

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vị trí quan sát trên núi Báo Đông để theo dõi diễn biến trận đánh các cứ điểm địch ở Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới 1950 Nguồn: TTXVN

70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện trọng đại này không hề phai mờ, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy

“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu” (trích lời của Trưởng đoàn đại biểu quân đội Angiêri Ôman Uxêđích nói trong dịp sang thăm Việt Nam năm 1960) và như một đòn chí mạng giáng vào chủ nghĩa thực dân cũ, dẫn đến sự sụp đổ của nó trên phạm vi nhiều châu lục. Chiến thắng to lớn ấy là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự chỉ đạo chiến lược cách mạng tài tình, xây dựng lực lượng hùng hậu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân ba nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em, bạn bè quốc tế. Chiến thắng ấy mãi làm vẻ vang dân tộc Việt Nam, gắn liền với tên tuổi những người con đất Việt, gắn với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đặc biệt, gắn với tên tuổi của vị tướng “huyền thoại” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Người Việt Nam, bất kể là ai, đều là những nhân tố kiến tạo nên thắng lợi: Họ đã tỏ ra cương quyết, hết lòng, kỷ luật, dũng cảm và nhiệt tình. Họ đã có một vị Tổng tư lệnh phi thường, đó là Hồ Chí Minh, người cầm lái và Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy các lực lượng vũ trang” (Trích trong cuốn Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá (Giap, an assessment) của Peter MacDonald năm 1992).

Kể từ lần gặp gỡ đầu tiên vào tháng 6.1940 tại Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc, lịch sử đã đưa hai con người xuất chúng ấy đến gần với nhau, trở thành hai thầy trò, hai người đồng chí, hai người tri kỷ để làm nên hai cái tên mà chắc nhiều năm sau nữa, lịch sử còn trân trọng nhắc tới. Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng” như quyết định của Bộ Chính trị và lời dặn của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định táo bạo và khó khăn khi chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Ông quyết định “kéo pháo ra” khi mọi lực lượng đã sẵn sàng chỉ còn chờ hiệu lệnh tiến công. Đấy là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thách thức này càng chứng tỏ tài năng quân sự kiệt xuất của vị Tổng tư lệnh nói riêng, về tư tưởng, nghệ thuật quân sự cũng như năng lực tổ chức, chuyển đổi nhận thức, chủ trương của cả Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch nói chung, tạo nên sự nhất trí trên một phương châm tác chiến mới, bảo đảm thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ lịch sử.

Lúc no cũng có Bc ở bên

Là lãnh tụ chính trị của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo chiến dịch. Người đã trực tiếp tham dự Chiến dịch Biên Giới, trận đánh vận động lớn để khơi luồng đi tới trận đánh quyết định sau này tại Điện Biên Phủ. Bác cùng đi với dân công, thanh niên xung phong, tìm hiểu tâm tư cán bộ, chiến sĩtrước trận đánh. Bác ở Sởchỉhuy chiến dịch, lên đài quan sát, theo dõi từng giờnhững diễn biến của mặt trận vàcónhững quyết định, chỉthịkịp thời. Những lời hiệu triệu, những bức thư ngắn Bác gửi bộđội, đồng bào trong suốt chiến dịch khiến cho mọi người lúc nào cũng như thấy Bác ở bên. Thượng tướng Hoàng Cầm, khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312), chỉ huy đánh chiếm Sở chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ kể lại trong hồi ký: “Quyết tâm trong tư tưởng quân sự của Bác đã thực sự khích lệ chúng tôi về tinh thần, hướng dẫn chúng tôi nghiêm túc tổ chức chuẩn bị chiến đấu, mưu trí tạo lực, tạo thế trong thực hành chiến đấu để đánh địch và thắng địch”.

Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ chính là món quà tinh thần quý nhất, đẹp nhất mà toàn quân, toàn dân ta dâng lên Bác. Khó có thể diễn tả niềm vui của Người. Ngày 9.5, Bác có thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang, rồi Bác gửi thư chúc mừng toàn thể cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Trong các ngày 8 đến 12.5, Bác đã tặng Huy hiệu cho các chiến sĩ đã lập công xuất sắc. Bác làm thơ, viết những mẩu chuyện về Điện Biên Phủ đăng trên báo Cứu Quốc nhiều số liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6.1954. Các bài viết đều đánh giá cao những thắng lợi của quân đội ta từ Chiến thắng Biên giới (10.1950) đến chiến thắng Điện Biên Phủ (5.1954). Bác nhận định: Trận Biên giới “đã làm cho cả nước Pháp xôn xao” còn trận Điện Biên Phủ “đã làm cho cả thế giới xôn xao”. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý “tuyệt đối chớ khinh địch, chớ chủ quan”, phải tiếp tục vượt qua những khó khăn mới, nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết bài thơ Quân ta toàn thắng Điện Biên Phủ đăng báo Nhân Dân số 184, ngày 12.5.1954 với 45 câu, như một bản thông tin nhanh, có số liệu cụ thể nhưng rất giàu hình ảnh, dễ nhớ, dễ thuộc, trình bày tỉ mỉ về diễn biến, thắng lợi và ý nghĩa của chiến dịch này.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024): “Kéo pháo ra” và chờ hiệu lệnh tổng tiến công - Anh 2

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 6.12.1953

Khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nhiều năm sau đó, ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này vẫn luôn được nêu cao, tỏa sáng. Năm 1960, trong lời chào mừng của Trung ương Đảng Cộng sản Ấn Độ tại Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam có viết: “Một nước nhỏ như nước các đồng chí đã đánh bại thực dân hùng mạnh là thực dân Pháp, điều đó cổ vũ nhân dân nước chúng tôi và làm cho nhân dân nước chúng tôi thêm tin tưởng ở tương lai của mình...”.

Năm 1964, nhà báo Pháp Jean Lacou­ture có loạt bài phóng sự, trong đó có một bài nhan đề Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh - Những đoàn dân công thồ xe đạp... Tác giả đã thăm Việt Nam, gặp Bác Hồ, đi tới những nẻo đường dẫn tới Điện Biên Phủ và gặp những nhân vật tiêu biểu làm nên chiến thắng vĩ đại đó. Bằng hình ảnh Bác Hồ và người dân quân đi xe đạp tải đồ tiếp tế cho quân đội ta, tác giả đã nói lên lòng tin sắt đá ở vị lãnh tụ vĩ đại, sự đoàn kết quân dân trong cuộc đấu tranh bất khuất của cả một dân tộc. Trong bối cảnh ta phải đương đầu với Mỹ sau chiến thắng chống Pháp, phóng viên này đã nói với nhà báo Lưu Quý Kỳ và nhiều người làm công tác tuyên truyền báo chí Việt Nam lúc đó: Nhất định các bạn sẽ chiến thắng Mỹ vì các bạn có một vị lãnh tụ vĩ đại và toàn dân Việt Nam đoàn kết đi theo Cụ...

Nhận định về mục tiêu chiến đấu và tinh thần xả thân vì niềm tin chiến thắng của Quân đội Việt Nam, tướng Raoul Albin Louis Salan (Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương 1952-1953) thừa nhận: “Một nhân tố quan trọng cực kỳ, đó là quân đội của họ, một quân đội rất kỷ luật và can trường, sẵn sàng phục vụ đường lối chính trị của Chính phủ, là “đối thủ đáng kính trọng”, là cái bảo đảm cho cả một Đông Dương đỏ”. Lịch sử đã chứng minh, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi mới thành lập, Quân đội ta mới có 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, tầm vông, giáo mác, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, trưởng thành về mọi mặt, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững tin dám đánh, quyết đánh và đánh thắng Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

70 năm đã trôi qua, trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, chúng ta nhận thấy “tư tưởng cốt lõi nhất” của tinh thần Điện Biên Phủ là ý nghĩa quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta có thể biến khát vọng thành hiện thực, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào của dân tộc ta, trường tồn cùng đất nước, con người Việt Nam. 

DUY TRỌNG

Ý kiến bạn đọc