Không gian Quan họ thu nhỏ trong cộng đồng

VHO- Dù bận rộn với những buổi diễn, tiếp khách, giới thiệu về dân ca Quan họ Bắc Ninh, nhưng tối nào NNND Nguyễn Thị Thềm (sinh năm 1959) và NNƯT Nguyễn Thị Sang (sinh năm 1954) cùng trú tại làng Diềm (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh) cũng dành thời gian dạy hát miễn phí cho các học viên tại Thư viện Quan họ Sang Thềm.

Không gian Quan họ thu nhỏ trong cộng đồng - Anh 1

 Thư viện Quan họ Sang Thềm khiêm tốn trong diện tích 30m2 nhưng chứa đựng nhiều dữ liệu quan trọng của dân ca Quan họ Bắc Ninh

 Thư viện được đặt tại nhà riêng của nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm, ngay lối vào nhà với diện tích chừng 30m2. Chỉ vậy thôi nhưng gói ghém hơn nửa cuộc đời dành trọn cho Quan họ của hai nghệ sĩ, và bây giờ họ lại mang thêm trọng trách mới: Duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Quan họ cổ Bắc Ninh.

Sinh ra và lớn lên tại làng Diềm, cái nôi của Quan họ, từ bé nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm đã ngấm lời ca tiếng hát tình tứ của cha mẹ và người lớn trong nhà. Lên 6-7 tuổi, cô bé Thềm đã hát rất hay, biết những bài “đón bọn” theo tục “ngủ bọn” của Quan họ Bắc Ninh qua những lần cùng mẹ dự các canh hát. “Ngủ bọn là từ của các cụ ngày xưa. Ban ngày đi làm đồng, tối về trai gái các làng Quan họ thường tụ tập thành từng bọn (nhóm) để cùng nhau ca hát. Một bọn Quan họ thường là những người trong cùng một làng, với ý là để đối đáp với làng khác. Gặp nhau, người Quan họ dùng lời xưng hô thật nhún nhường, lịch sự. Bên nào cũng vui vì được giao lưu, mong được học lấy đôi lối đôi câu và họ thường hát với nhau thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa (nhà ông trùm của một bọn Quan họ), sau đó nghỉ lại ở nhà Quan họ bạn của mình. Đó là tục ngủ bọn”, bà Thềm giải thích.

Trải qua bao thăng trầm, Quan họ cũng có thời gian bị chìm lắng, song tình yêu với dân ca của liền chị Nguyễn Thị Thềm chưa bao giờ vơi cạn. Năm 1990, bà tham gia CLB Quan họ Viêm Xá, trở thành thành viên sôi nổi, nhiệt tình trong mọi hoạt động, nhất là việc truyền dạy và giao lưu với các CLB Quan họ bạn. Đặc biệt, bà tích cực truyền dạy cho thiếu nhi trong thôn, ngôi nhà của bà trở thành địa điểm không mấy khi vắng người học hát Quan họ. Bà đã được nhiều trường học mời về dạy hát, trong đó có cả những nơi đào tạo nghệ thuật truyền thống như: Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh... Ngoài ra, bà còn dạy hát cho các cán bộ, nghệ sĩ của phòng Trưng bày Viện Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội và một buổi/tuần trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam… Theo bà, học hát Quan họ phải kiên trì, càng câu khó càng phải học kỹ, chính từ kinh nghiệm ấy, bà đã truyền dạy thành công cho nhiều bạn trẻ, giúp họ đạt được thành tích cao trong các hội thi, liên hoan, hội diễn.

Không gian Quan họ thu nhỏ trong cộng đồng - Anh 2

Khi biểu diễn tại Đoàn dân ca Quan họ Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), nghệ sĩ Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm là một cặp “bài trùng” trên sân khấu. Với tình yêu quê hương, yêu các làn điệu Quan họ và mong ước bảo tồn, duy trì Quan họ cổ, từ năm 2022 lớp học tại nhà bà Thềm đã mang một tên gọi mới: Thư viện Quan họ Sang Thềm. Sân khấu, nhà hát thì có ngày sáng đèn, có ngày không, nhưng lớp học của hai bà không ngày nào vắng tiếng hát của những học viên hay những vị khách mê Quan họ. Học viên không phân biệt lứa tuổi, từ em bé chưa biết chữ đến những người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, hai bà chưa từ chối bất kỳ ai tìm đến với mình.

Chị Ngô Thị Tiện, một người ở trong khu phố Viêm Xá, đã gần 50 tuổi nhưng vẫn đam mê theo hai nghệ sĩ để học những câu hát cổ. Chị cho biết, thời trẻ không có điều kiện học, nhưng Quan họ vẫn luôn hiện diện trong chị. Nay các con đã lớn, kinh tế gia đình đỡ vất vả hơn, ban ngày chị đi làm đồng, tối lại đến Thư viện để luyện hát. “Tôi đã biết ca nhiều bài Quan họ cổ nên cảm thấy rất hạnh phúc, đã đi giao lưu với các CLB Quan họ khác và từng đoạt giải trong một cuộc thi hát Quan họ do tỉnh Bắc Ninh tổ chức”, chị Tiện phấn khởi cho biết.

Theo NNND Nguyễn Thị Thềm, Quan họ cổ khó hát nhưng lời ca đẹp đẽ, tình tứ, tinh tế và sang trọng. Chẳng hạn, lời hát của nữ là: “Gió rằng là gió lạnh, suốt đêm đông trường, nửa chăn nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai”, thì nam đối lại bằng lời ca đối nghịch nhưng lại hòa hợp về cung bậc tình cảm. Trong khi bối cảnh của nữ ngồi kín đáo trong nhà, nhìn qua khung cửa cất tiếng hát, còn nam thì lênh đênh trên sông nước, thể hiện một bên nhớ mong và một bên là đợi chờ: “Đêm qua ngồi tựa mạn thuyền, giăng in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh. Nhác trông sơn thuỷ hữu tình, thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang”… Hay hai người yêu nhau say đắm nhưng không lấy được nhau, họ chỉ biết trách ông Tơ bà Nguyệt không se duyên: “Công em mài sắt bao giờ nên kim”, và lý giải: “Một là duyên số phải tìm, hai là phận cải duyên kim tại trời”…

Quan họ cổ có hàng trăm câu, nhưng để nhớ và hát đúng thì không hề dễ dàng, chính vì thế, hai nghệ nhân luôn kiên trì luyện tập và nuôi dưỡng niềm say mê cho giới trẻ. Ban đầu dạy những câu dễ, sau khó dần lên, từ 20 câu, 50 câu, rồi 150 câu, đặc biệt luyện dạy để các em tham gia các cuộc thi, liên hoan.

Không chỉ gìn giữ và bảo tồn những câu hát xưa, mà lề lối, trang phục của Quan họ cổ cũng được hai nghệ nhân sưu tầm, lưu giữ. Cứ nghe ở đâu có trang phục, nón, dây (phụ kiện) của Quan họ cổ là họ liền tìm đến hỏi mua. “Bộ trang phục của liền chị xưa kia gồm chiếc yếm sồi, áo cánh trắng cộc, áo cánh gụ dài tay, áo dài 5 thân cùng chiếc váy. Một vật dụng không thể thiếu là hai chiếc bao thắt ngang lưng, có thể là một bao hồng, một bao xanh, hoặc một bao trắng, một bao xanh tùy sở thích từng người. Ngoài ra, liền chị Quan họ còn thắt thêm chiếc dây sồi để đeo xà tích...”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm cho biết thêm.

Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chính tình yêu, lòng đam mê của hai nữ nghệ nhân đã góp phần vào kết quả ấy. Và không gian văn hóa thu nhỏ tại Thư viện Quan họ Sang Thềm là minh chứng cho thấy sức sống mãnh liệt của Quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng, khẳng định dòng chảy dân ca luôn trường tồn và lan tỏa chưa bao giờ ngơi nghỉ. 

 QUỲNH HOA - HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc