Khi người trẻ bảo tồn nghệ thuật Chèo Bả trạo

VHO - Trong thời đại công nghệ số và bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều thể loại, hình thức nghệ thuật mới đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới trẻ. Tuy vậy, loại hình nghệ thuật truyền thống hát múa Bả trạo (còn gọi Chèo Bả trạo) đã gắn với những giai đoạn lịch sử đấu tranh của dân tộc và vẫn luôn khẳng định được vị trí của mình trong nhân dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng.

Để bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này, thời gian qua, hầu hết thanh niên hưởng ứng nhiệt tình trong đội Bả trạo, và được xem là lực lượng nòng cốt biểu diễn ở các địa phương. Họ đang làm tất cả để giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hoá trong đồng bào vùng biển.

Lễ hội cầu ngư, hát múa Bả trạo ở Bình Ðịnh là hoạt động nghệ thuật đặc trưng không chỉ phản ánh đời sống sản xuất, mà còn là cách để người dân lao động thể hiện văn hoá tâm linh, cầu mưa thuận gió hoà và giải trí sau một mùa làm việc mệt nhọc trên biển cả. Ðây là một tiết lễ gắn liền với chu kỳ đánh bắt thủy, hải sản và các lễ diễn ra trong năm như: Nghi thức cúng đầm, lễ ra nghề, lễ tế đình làng, lễ thanh minh.

Khi người trẻ bảo tồn nghệ thuật Chèo Bả trạo - Anh 1

Lớp trẻ của huyện Tuy Phước (Bình Định) tham gia trình diễn Chèo Bả trạo

Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là hát múa Bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ, vừa là trình diễn nghệ thuật. Bả trạo là một hoạt động múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: Chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa rước linh hồn các “Ðức ông Nam Hải” hay còn gọi là “Nam Hải Thần Ngư”.

Trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn Chèo Bả trạo cùng với biểu diễn tuồng đã gắn liền với các lễ hội cầu ngư ở 23 lăng vạn của 6 xã phường ven biển, tuy mỗi nơi chèo Bả trạo mang một sắc thái riêng nhưng chung quy thể hiện đầy đủ nghi lễ của ngư dân ven biển để dâng lên ông Nam Hải. Hiện nay trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn vẫn còn trên dưới 10 đội chèo Bả trạo ở các xã, phường ven biển. Hoài Nhơn đang triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thị xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Chèo Bả trạo là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đang được bảo tồn và phát huy.

Đội Bả trạo ở thôn Diêu Quang xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn đã được các cụ cao niên nơi đây duy trì tập luyện. Em Phan Chí Quy (18 tuổi), thành viên đội Bả trạo xã Hoài Hải thổ lộ: “Ở quê em, nghệ thuật Bả trạo được duy trì từ lâu đời, truyền từ lớp trước đến lớp trẻ để giữ gìn. Chúng em rất vui khi là những người trẻ tiếp tục kế cận giữ nét nghệ thuật, sinh hoạt truyền thống độc đáo này, đồng thời góp phần quảng bá di sản văn hóa quê hương mình.

Cuối tháng 8 vừa rồi, Liên hoan Chèo Bả trạo do Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức tại TP Quy Nhơn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ðiều đáng mừng là nòng cốt các đội bả trạo tham gia Liên hoan gần như là thanh niên.

Các đội Bả trạo tham gia Liên hoan đã chọn những trích đoạn hay của kịch bản Chèo Bả trạo để dàn dựng tiết mục. Ở đó, có các nhân vật chính trong nghệ thuật bả trạo gồm: Tổng sanh (tổng mũi), tổng thương (tổng khoang), tổng lái (tổng hậu) cùng các quân trạo (tay chèo). Nhiều đội trạo còn có thêm các nhân vật trạo siêu (cầm đao bảo vệ), lồng đèn (phao tiêu dẫn đường trên biển), bộ hổ (tiểu tướng cầm gươm)… mang bản sắc riêng của địa phương. Chính điều này khiến các phần biểu diễn thêm phong phú, hấp dẫn.

Khi người trẻ bảo tồn nghệ thuật Chèo Bả trạo - Anh 2

Khi các thanh niên hóa trang thành bộ hổ (tiểu tướng cầm gươm) trong nghệ thuật Bả trạo

Anh Phạm Hồng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định chia sẻ: Thông qua Liên hoan, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hoá. Hơn hết, thông qua làn điệu Chèo Bả trạo và nhiều hình thức nghệ thuật khác để thể hiện tài năng, năng khiếu và cổ vũ tuổi trẻ toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của thanh niên trong tham gia xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lão ngư Nguyễn Dư (75 tuổi) đóng vai Tổng lái của Đội trạo xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn bày tỏ: Những năm qua, đội ngũ lớp tuổi ở địa phương đang gầy dựng cho lớp trẻ để truyền các vai trong múa Bả trạo. Tôi rất ủng hộ việc Đoàn Thanh niên tổ chức Liên hoan Chèo Bả trạo. Tôi hy vọng, các cấp chính quyền, các cơ quan văn hóa của tỉnh và các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bả trạo”.

Khi Chèo Bả trạo âm vang giữa không gian biển, nhiều du khách rất thích thú đến xem và tìm hiểu nét sinh hoạt độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Anh Nguyễn Văn Trường, một du khách đến từ TP Hà Nội cảm nhận: Thật thú vị khi chứng kiến nhiều lớp trẻ ở đây biểu diễn Chèo Bả trạo. Những người diễn mặc rất nhiều trang phục, hóa trang với sắc màu lôi cuốn, khiến du khách phương xa như tôi rất thích thú khi đến với Quy Nhơn - Bình Định. Cần có nhiều buổi diễn như vậy tại không gian TP Quy Nhơn và nếu được, nên giới thiệu hoặc có tài liệu hướng dẫn sẽ còn thu hút du khách hơn.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha cho rằng, cần tạo thêm nhiều sân chơi văn hóa bổ ích để các địa phương có dịp giao lưu, chung tay bảo tồn nghệ thuật Bả trạo, trong đó lớp trẻ sẽ là lực lượng nòng cốt của các đội Bảo trạo ở các địa phương trong thời gian tới.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc