Khai mạc Hội thảo Văn hoá năm 2022: Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
VHO- Sáng nay 17.12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL và tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội thảo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Hội thảo
Cùng chủ trì Hội thảo có các Uỷ viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Dự Hội thảo có các Uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Tuấn.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ trưởng, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, UBND, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo về văn hóa, nghệ thuật và một số doanh nghiệp, hiệp hội.
Hội thảo có 800 đại biểu tham dự trực tiếp. BTC cũng phát sóng và tương tác trực tiếp trên mạng xã hội, trên nền tảng truyền hình Quốc hội và kết nối đến một số cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật.
Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam
Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 01 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn xem trưng bày về văn hoá, văn hoá, nghệ thuật vùng Kinh Bắc
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá là “việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới” và nhấn mạnh việc “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người”; “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá”.
Kế thừa thành công, kinh nghiệm của các diễn đàn, hội thảo trước đây; với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” của Quốc hội; nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất tổ chức Hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Hội thảo cũng đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia với sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tới lĩnh vực văn hóa.
Hội thảo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham quan triển lãm
“Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, BTC Hội thảo sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa...“, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Để văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam thật sự xứng tầm với vị thế, vai trò
Phát biểu đề dẫn, gợi ý nội dung thảo luận Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, Hội thảo quốc gia năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” của Quốc hội là sự kiện chính trị - văn hoá - khoa học rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hoá, thực tiễn hoá và thể chế hoá việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021.
Đây cũng là dịp để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hoá và lĩnh vực khác thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nền văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hoá Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.
Bởi vậy, Hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam những năm qua.
Đặc biệt, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hoá trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hoà nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, của các vùng miền và các địa phương trong cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trước yêu cầu đó, đòi hỏi các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hoá Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đất nước, đó là cần phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; Kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế; Kết nối giữa truyền thống và hiện đại; Phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với Nghệ nhân Nhân dân Tạ Thị Hình
Từ thực tiễn phát triển của nền văn hoá Việt Nam, tại Hội thảo này, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa 2022 tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 5 nhóm vấn đề: Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và phát triển văn hoá; Đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hoá phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương; Chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá; Chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá phát triển; Xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.
Các đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội nghị
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thông tin, các bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và nhiều giải pháp mới, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và xác định các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đóng góp nhiều kiến nghị, giải pháp cho việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá đã được đề xuất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, để văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam thật sự xứng tầm với vị thế, vai trò ngày càng to lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tham luận: “Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, nêu rõ, mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn. Đảng khẳng định: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa.
Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau hơn 35 năm Đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước, được ghi rõ trong Hiến pháp. Việc triển khai thực hiện trong thực tiễn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Những tiến bộ trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; sự khởi sắc trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, truyền thông đại chúng, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; sự phát triển của phong trào xây dựng đời sống văn hóa và sự tăng cường các thiết chế văn hóa cơ sở,… làm cho đời sống tinh thần của con người, xã hội phong phú, đa dạng hơn, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được cải thiện.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo
Về tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, so với những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng con người thời gian qua còn chưa tương xứng. Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng chỉ rõ từ lâu, nhưng chậm được khắc phục. Những năm gần đây, đạo đức trong xã hội có chiều hướng xuống cấp đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, có hiện tượng phai nhạt lý tưởng, lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm; sự vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động, hoạt động công vụ; một số biểu hiện, xu hướng lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật,… chưa được khắc phục. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Những tệ nạn, tiêu cực trong hoạt động, quản lý văn hóa chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, tác động xấu đến quá trình phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng với đó, cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ đã ban hành. Xác định rõ, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo Văn hoá 2022
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá. Cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ thông qua nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước song hành cùng trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa.
Ngoài ra, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.
Toàn cảnh Hội thảo
Phiên chuyên đề buổi sáng có nhiều tham luận quan trọng: Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan với tham luận “Giữ gìn, phát huy văn hoá trong xây dựng nông thôn mới, thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh với tham luận “Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh tại TP. HCM”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm với tham luận “Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số: Thực trạng và giải pháp”; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc với tham luận “Đánh giá tình hình triển khai Chiến lược ngoại giao văn hoá từ năm 2016 đến nay”; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Thanh Bình với tham luận “Chính sách và nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên- Huế”; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội Đinh Công Tuấn với tham luận “Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hoá, nghệ thuật: Thực trạng và giải pháp”.
Phiên chuyên đề cũng diễn ra phần thảo luận bàn tròn, tiếp tục đề cập nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chủ đề hội thảo: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’.
PHƯƠNG ANH - THUÝ HÀ, ảnh: TRẦN HUẤN