Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”: Kỳ vọng có nhiều giải pháp đột phá, khả thi
VHO- Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và phân công Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Toàn cảnh buổi họp báo
Thông tin trên vừa được công bố tại cuộc họp báo về Hội thảo Văn hóa 2022. Chủ trì Họp báo có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng BTC Hội thảo; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi, Phó trưởng BTC; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy...
Hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho văn hóa
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Phó Trưởng Tiểu ban Nội dung Hội thảo Văn hóa 2022 cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo Văn hóa năm 2022 là sự kiện lớn, nhằm tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận, làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, chủ đề của Hội thảo đề cập 3 vấn đề lớn cho phát triển văn hóa: thể chế, chính sách và nguồn lực. Ông Vinh nêu, lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua đã có nhiều bước phát triển, tuy nhiên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Nếu nghiên cứu một cách thỏa đáng, sâu sắc, toàn diện và giải quyết được các vấn đề trên thì sẽ khơi thông được nguồn lực, tạo môi trường tốt hơn để văn hóa phát triển. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu, trong thời gian qua, nguồn lực của nhà nước đầu tư cho văn hóa là không nhỏ. Tuy nhiên, có đáp ứng được những yêu cầu trong thực tế hay chưa thì cần phải có những tính toán, đánh giá thận trọng. Thực tế đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho văn hóa vẫn có những khó khăn nhất định, cần được quan tâm, tăng cường hơn nữa. Vì vậy, cần khai thông thêm các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển văn hóa. Do đó, cần sửa đổi thể chế, xây dựng chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư cho phát triển văn hóa.
Với hơn một trăm tham luận có chất lượng, đề cập nhiều chiều cạnh trong phát triển văn hóa thời gian qua, BTC hội thảo sẽ tổng hợp, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về vấn đề thể chế, chính sách, cố gắng bảo đảm nguồn nhân lực cũng như các thủ tục tài chính để phát triển văn hóa theo mục tiêu mà Đảng đã nêu, cũng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. “Hội thảo sẽ là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai nhanh, hiệu quả trong thực tiễn”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh khẳng định. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, Hội thảo có hơn 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và trực tuyến tại một số điểm cầu và qua nền tảng Internet. Hội thảo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.
Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với ba nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia diễn ra với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn. Nhiều tham luận khẳng định thể chế, chính sách và nguồn lực là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Các tham luận cũng xác định nhiều vấn đề đặt ra trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể. “Hội thảo lần này được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi họp báo
Bàn giải pháp tháo gỡ điểm “nghẽn”
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Hội thảo Văn hóa năm 2022, Bộ VHTTDL sẽ có tham luận và trao đổi, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như công tác đào tạo, xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; nguồn lực và đầu tư cho văn hóa... Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay còn có nhiều bất cập trong công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, đặc biệt tại các địa phương, dẫn đến việc bố trí cán bộ không đúng năng lực, sở trường. Các tham luận và ý kiến trao đổi sẽ góp phần nêu lên những giải pháp để tháo gỡ điểm “nghẽn”, vướng mắc trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, Bộ VHTTDL đang dự thảo Nghị định về các chính sách đặc thù cho văn nghệ sĩ, nhất là với lĩnh vực xiếc, múa… Các chính sách đặc thù nhằm khắc phục bất cập về đãi ngộ cho văn nghệ sĩ. “Lĩnh vực có nhiều đặc thù này đang đặt ra những vấn đề cần tháo gỡ từ thể chế, chính sách. Các nghệ sĩ múa, xiếc… khi không còn tuổi nghề, không tham gia trình diễn nữa thì sẽ bố trí, phân công như thế nào cho phù hợp”, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo về nội dung này. Về vấn đề đầu tư cho văn hóa, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: “Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, các Bộ, ngành và địa phương đã dành sự quan tâm cho văn hóa một cách cụ thể, thiết thực và cụ thể hơn. Trong đó, nhiều địa phương nâng cao mức đầu tư cho văn hóa, bám sát chủ đề công tác năm của ngành VHTTDL là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” để triển khai nhiều hoạt động, phát triển đời sống văn hóa cơ sở. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ của Bộ VHTTDL được phân công theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện...”.
Thông tin thêm về công tác chuẩn bị tổ chức Hội thảo, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ Hội thảo Văn hóa năm 2022, đồng thời sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch bên lề. “Bắc Ninh là địa phương luôn dành sự quan tâm, đầu tư lớn cho văn hóa, nhiều năm qua tỉnh đã ban hành các chính sách về văn hóa. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương sớm tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh…”, ông Vương Quốc Tuấn chia sẻ. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh: “Với việc đăng cai tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022, chúng tôi muốn tiếp cận thêm kinh nghiệm, gợi ý để phát triển văn hóa Bắc Ninh. Bắc Ninh là tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp, trong giai đoạn mới chúng tôi muốn tập trung phát triển công nghiệp văn hóa song hành phát triển kinh tế để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân, đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn” .
Trong khuôn khổ Hội thảo sẽ có triển lãm VHNT vùng Kinh Bắc tại sảnh Hội trường chính. Hội thảo truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, kết nối với một số điểm cầu trong cả nước và phát trực tuyến trên nền tảng Internet. Ngôn ngữ sử dụng tại Hội thảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, các Bộ, ngành và địa phương đã dành sự quan tâm cho văn hóa một cách cụ thể, thiết thực và cụ thể hơn. Trong đó, nhiều địa phương nâng cao mức đầu tư cho văn hóa, bám sát chủ đề công tác năm của ngành VHTTDL để triển khai nhiều hoạt động, phát triển đời sống văn hóa cơ sở. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ của Bộ VHTTDL được phân công theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện... (Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY) |
PHƯƠNG ANH