Huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
VHO- Ngày 7.3 (tức ngày 16.2 ÂL), tại Nghĩa Tự An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban khánh tiết Đình làng An Hải tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng nhớ, tri ân công đức các binh phu Hoàng Sa năm xưa đã không tiếc thân mình vượt sóng ra khơi cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Hải, An Vĩnh
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Hải, An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ. Đây là một lễ thức dân gian được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức thường xuyên vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm. Câu ca dao “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa” vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay, cho thấy những hiểm nguy và rủi ro mà những hùng binh Hoàng Sa phải trải qua, phải đánh đổi để vâng mệnh vua, vượt muôn trùng sóng dữ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tái hiện những thuyền câu, trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy
Buổi lễ đã tái hiện, khắc họa sinh động lại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa, với những thuyền câu, trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo như: vàng mã, thịt gà, xôi chè, nẹp tre, dây mây, muối gạo...
Tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của người dân Lý Sơn nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển
Ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: “Hàng năm, vào dịp tháng Hai, làng An Hải tổ chức Lễ Khao lề nhằm để tưởng nhớ, cầu mong cho ngư dân phát triển, làm ăn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền. Cầu mong ngư dân bình an trở về quê hương”.
Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 3.000 ngư dân, hơn 500 tàu thuyền, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, ngư dân Lý Sơn luôn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn khơi bám biển. Ông Đinh Văn Tiến, huyện Lý Sơn chia sẻ: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của cha ông từ xưa tiếp sức để con cháu vươn khơi bám biển. Lễ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngư dân, tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền”.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vừa tri ân, vừa để tưởng nhớ, trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân đảo Lý Sơn. Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Trương Văn Sửu, Trưởng phòng VHTT huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Hàng năm, chúng tôi tham mưu UBND huyện chỉ đạo trong công tác bảo vệ, giới thiệu cho du khách, bạn bè gần xa những di sản văn hoá có ý nghĩa truyền thống trên đảo Lý Sơn. Chúng tôi cũng có kế hoạch thường xuyên trùng tu, sửa chữa các hạng mục, phục vụ cho việc tổ chức các lễ nghi tại hai làng An Vĩnh và An Hải”.
Lễ hội này ngoài là nghĩa cử tri ân, tưởng nhớ các binh phu trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn đã quên mình vì nghĩa lớn, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
NHƯ ĐỒNG