“Hiến kế” xây dựng môi trường văn hóa từ mô hình điểm

VHO - Chuỗi hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023) là dấu mốc quan trọng để toàn ngành cùng nhìn lại và tự hào. Đây cũng là dịp nhận diện các mô hình xây dựng môi trường văn hóa điển hình để nhân rộng và lan tỏa.

“Hiến kế” xây dựng môi trường văn hóa từ mô hình điểm - Anh 1

 Bắc Ninh chia sẻ giải pháp đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn giá trị di sản Quan họ Bắc Ninh

Dịp này, sẽ có nhiều mô hình điểm, hiệu quả được tôn vinh, nhận diện, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống, tạo động lực phát triển đời sống văn hóa trong thời kỳ mới.

“Hạt nhân” xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

Nhận thức vai trò hạt nhân của việc xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, Sở VHTTDL Thanh Hóa trong nhiều năm qua đặc biệt chú trọng chỉ đạo việc triển khai các mô hình tiêu biểu trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, các giáo xứ, giáo họ… Nhiều mô hình đã được xây dựng như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan… Trong đó, mô hình Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa được triển khai trên địa bàn xã Nga Liên (huyện Nga Sơn) đã đem lại hiệu quả thiết thực, ý nghĩa đối với nhân dân và bà con giáo dân trong suốt 5 năm qua.

Để triển khai xây dựng mô hình, Nga Liên đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình ở cấp xã và thành lập các tiểu ban ở các giáo xứ; xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn đạt Xứ đạo, Họ đạo bình yên - Gia đình văn hóa thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội...

Sau 5 năm triển khai xây dựng (2018-2023), mô hình Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa đã mang lại diện mạo đời sống văn hóa mới ngày càng rõ nét, với các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, công tác “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, tích cực tham gia công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng; thực hiện đoàn kết lương giáo, “Sống tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc… Đặc biệt, theo Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, từ khi mô hình ra đời, đời sống bà con giáo dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, không có tội phạm, tệ nạn xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm, số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh, an toàn.

Từ mô hình Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa ở Nga Liên, một số xã có đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai học tập xây dựng mô hình tại địa phương như các xã Nga Điền, Nga Thắng, Nga Thái (huyện Nga Sơn), xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân), xã Thành Long (huyện Thạch Thành)…

Mô hình Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được đánh giá, mang lại hiệu quả cao trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ở Ninh Bình. Mô hình tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bám sát địa bàn, khi các gia đình có việc hiếu, hỉ, các thành viên Ban vận động đã đến tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, giúp đỡ, hướng dẫn các hộ gia đình trong khu dân cư thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí mô hình.

“Hiến kế” xây dựng môi trường văn hóa từ mô hình điểm - Anh 2

 Đồng bào dân tộc Bana gìn giữ nghề dệt thổ cẩm Ảnh: T.L

Sau hơn một năm thực hiện, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn các khu dân cư làm điểm được nâng cao; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực. Trong việc cưới, tích cực hưởng ứng mô hình tổ chức đám cưới tập thể, tổ chức tiệc trà... Việc tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, thành kính, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán địa phương và hoàn cảnh gia đình. Đối với lễ hội, thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, không xả rác bừa bãi; không thực hiện các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan...

Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn di sản

Là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh, đồng thời sớm ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn giá trị di sản Dân ca Quan họ.

“Sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, đảm bảo thực hiện toàn diện nội dung cam kết với UNESCO. Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh…”, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh cho biết.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh là việc xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất đặc thù, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tính đến hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ). Hệ thống các Nhà chứa Quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.

“Hiến kế” xây dựng môi trường văn hóa từ mô hình điểm - Anh 3

 Ngày càng có nhiều mô hình đám cưới tiệc trà được tổ chức ở Ninh Bình Ảnh minh họa

Cũng theo Sở VHTTDL Bắc Ninh, ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, sự hình thành của thiết chế nhà văn hóa, câu lạc bộ Quan họ nên việc sinh hoạt văn hóa Quan họ tại các nhà chứa Quan họ gần như bị mai một. Do vậy, việc phục dựng Nhà chứa Quan họ tại các làng Quan họ cổ là rất cần thiết, nhằm phục dựng lại không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ truyền thống, là cái nôi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà chứa Quan họ tại các làng Quan họ gốc, dự kiến đến năm 2030 hoàn thành đầu tư xây dựng 44 Nhà chứa Quan họ tại 44 làng Quan họ gốc. Việc đầu tư xây dựng không chỉ tạo không gian sinh hoạt truyền thống của người Quan họ mà các hoạt động giao lưu Quan họ sẽ được triển khai thường xuyên hơn; thu hút nhiều đoàn khách du lịch và người yêu mến Quan họ đến thưởng thức.

Trung tâm trong hệ thống thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn và phát triển giá trị di sản là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong những năm qua, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh luôn hoàn thành tốt các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Chất lượng nghệ thuật các chương trình biểu diễn ngày càng được nâng cao; phát huy vai trò là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa và giới thiệu dân ca Quan họ với công chúng trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm, xây dựng chương trình, tổ chức luyện tập và biểu diễn thành công trên 100 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân trong nước và quốc tế.

Công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 240 tỉ đồng cũng được khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 2019, Nhà hát có tổng diện tích đất 19.400m2, trong đó diện tích xây dựng 9.700m2. Nơi đây chính là địa chỉ đỏ, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bágiátrịcủa di sản văn hóa phi vật thểDân ca Quan họBắc Ninh đến với đông đảo du khách. 

 Sức mạnh từ các mô hình điểm

Một trong ba điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023) là Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc, diễn ra chiều 28.8.2023 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Hội nghị, các địa phương sẽ chia sẻ nhiều giải pháp từ các mô hình văn hóa điểm, hạt nhân trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trên các địa bàn. Có thể kể đến như: Gương điển hình “Trưởng thôn thân thiện” trên địa bàn Hà Nội; Mô hình “Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; Xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Giải pháp về đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn giá trị di sản Quan họ Bắc Ninh; Mô hình “Phát triển câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”; Mô hình “Câu lạc bộ tổ liên kết dệt thổ cẩm”, “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” gắn với phát triển du lịch tỉnh Gia Lai; Mô hình về đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn giá trị di sản “Đờn ca tài tử”; Mô hình bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh An Giang…

 

BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc