Giới trẻ sẽ hiểu sâu hơn văn hóa dân tộc qua các hoạt động trải nghiệm

VHO - Nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động bảo tồn, giới thiệu và phát huy những giá trị văn hoá các dân tộc phục vụ khách và trải nghiệm của học sinh, sinh viên tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam, ngày 5.3.2022, tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra hội thảo Hội thảo “Đa dạng và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục giá trị văn hoá thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên”.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hoá như PGS.TS Lâm Bá Nam - Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội.

Giới trẻ sẽ hiểu sâu hơn văn hóa dân tộc qua các hoạt động trải nghiệm - Anh 1

Toàn cảnh Hội thảo

Là đơn vị phối hợp nghiên cứu chương trình “Đa dạng và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục giá trị văn hoá thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên”, đại diện Công ty cổ phần đầu tư du lịch văn hoá Việt Nam (VinICT) viện dẫn quan điểm của Đảng và Chính phủ đã khẳng định rõ: Xây dựng con người toàn diện và phát triển văn hoá có mới quan hệ biện chứng với nhau. Việc lấy văn hoá làm nền tảng cho xây dựng – giáo dục thế hệ trẻ của cả hai ngành giáo dục – đào tạo có thể triển khai qua nhiều hoạt động, nhưng đáng chú ý nhất trong các chiến lược đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Với quan điểm xây dựng chương trình dựa trên “bản sắc văn hoá các vùng miền, văn hoá truyền thống Việt Nam và các giá trị văn hoá chung của thời đại” và hướng tới mục tiêu “bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thưc cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần gìn giữ, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập”. Hoạt động giáo dục này nhấn mạnh việc học sinh trực tiếp trải nghiệm tại các cơ sở, địa điểm giàu truyền thống văn hoá tại các địa phương.

Để lựa chọn địa điểm cho các hoạt động trải nghiệm của học sinh, sinh viên một cách có hiệu quả, tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu về văn hoá và giáo dục đều cho rằng, các địa chỉ văn hoá, các thiết chế văn hoá, chính là những địa điểm trải nghiệm tuyệt vời. Nhiều chương trình trải nghiệm đã được các trường học tổ chức cho học sinh, sinh viên trong những năm gần đây tại các địa điểm như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thu được những kết quả rất tốt. Đặc biệt, thời gian gần đây, Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang trở thành một địa điểm hấp dẫn thu hút các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên.

Về không gian để tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam có diện tích rộng lớn với 1544ha, địa hình đa dạng, gồm có núi đồi, hồ nước, đồi, thung lũng, có khu làng các dân tộc đáp ứng tốt việc tổ chức các hoạt động ngoài trời có kết hợp hoạt động thể chất và khám phá trí tuệ. Bên cạnh đó, Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam được nhà nước xây dựng và đầu tư thành địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cấp quốc gia nên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn khi trải nghiệm.

Giới trẻ sẽ hiểu sâu hơn văn hóa dân tộc qua các hoạt động trải nghiệm - Anh 2

Học sinh được trải nghiệm hoạt động nặn tò he tại Làng

Hiện nay, gần như 100% các hoạt động của Làng Văn hoá được tổ chức theo phương thức: Tái hiện, giới thiệu, triển lãm, chương trình nghệ thuật. Các hoạt động này tương đương với phương thức khám phá của hoạt động giáo dục. Ngoài ra, LVH cũng có các hoạt động theo phương thức thể hiện tương tác, tức là cho học sinh trực tiếp tham gia sâu vào hoạt động và có tương tác với chủ thể văn hoá, nhưng phương thức này chỉ giới hạn ở một số chủ đề nhất định như nghề thủ công, ẩm thực.

Đánh giá về Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam, PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng, Làng là một địa chỉ đặc biệt, trên nhiều phương diện vì văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam là sức mạnh nội sinh của văn hoá Việt Nam. Chính các hoạt động trải nghiệm đã khiến hồn cốt dân tộc được thổi vào thế hệ trẻ. Học sinh, sinh viên khi được tham gia các chương trình, các hoạt động trải nghiệm tại Làng, sẽ được tiếp xúc với các chủ nhân văn hoá, được thưởng thức các đặc trưng văn hoá một cách sống động, không phải chỉ qua sách vở, qua lý thuyết.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao tiềm năng của Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc thu hút học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, để biến lợi thế mà ít nơi có được, Làng cần xây dựng được các chương trình, các tour đa dạng, phong phú, có các dịch vụ hỗ trợ. Ví như, cần tổ chức các tour dài ngày hơn để học sinh, sinh viên có trải nghiệm phong phú hơn (hiện ở Làng mới chỉ có tour trong ngày, không qua đêm); Phải có các dịch vụ phụ trợ như hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú tối thiểu 3 sao; Phải tăng tính hỗ trợ cho chương trình giáo dục để biến cuộc sống thành bài học, biến các không gian thành lớp học; Phải ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn, phong phú cho các hoạt động trải nghiệm…

Hoạt động trải nghiệm với vai trò bảo đảm cho mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Và Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang trở thành địa điểm lý tưởng cho các trải nghiệm của các học sinh, sinh viên.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc