Giới trẻ nỗ lực tìm lại giá trị truyền thống

VHO- Hiện nay, việc thực hành nghi thức hầu đồng đang bị biến tướng, vì thế với mục đích thay đổi nhận thức cũng như thái độcủa nhiều nhóm công chúng trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ về một nét văn hóa của dân tộc, chiến dịch “Mau.” ra đời là nỗ lực nhằm đưa Tín ngưỡng thờ Mẫu đến gần công chúng hơn với những góc nhìn đa chiều, thú vị, mới mẻ thông qua hệ thống màu sắc, họa tiết trên trang phục và công cụ được sử dụng trong hoạt động thực hành Tín ngưỡng, tiêu biểu là hoạt động Hầu đồng.

Giới trẻ nỗ lực tìm lại giá trị truyền thống - Anh 1

“Mau.” là chiến dịch truyền thông văn hóa khai thác giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu từ khía cạnh nghệ thuật được thực hiện bởi nhóm sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhằm mang đến góc nhìn mới mẻ, đa chiều và gần gũi với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, về một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Giải thích ý nghĩa của chiến dịch “Mau.”, bạn Nguyễn Đức Anh, phụ trách nội dung cho biết, “Mau.” là Mẫu (Mẹ), là hình ảnh gắn liền với cội nguồn lịch sử, với đời sống bao đời của người dân Việt Nam, là cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu- Tứ phủ- một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. “Mau.” cũng là màu sắc, là họa tiết, hoa văn đặc trưng của hệthống trang phục mang đậm tính dân gian Việt Nam. Còn dấu “.” là sự kết thúc, là mong muốn chấm dứt quan điểm tiêu cực, những nhận định về tín ngưỡng như một hủ tục mê tín dị đoan, lạc hậu.

Dự án “Mau.” bắt đầu từ cuối tháng 11.2018. Để chuẩn bị cho dự án này, 18 thành viên trong nhóm đã cùng nhau tìm hiểu, đọc các nguồn tài liệu khác nhau cũng như tìm gặp các chuyên gia. Ngoài ra, nhóm còn đi đến các bảo tàng, đi thực tế ở làng Đông Cứu, huyện Thường Tín, Hà Nội - một làng thêu khăn chầu áo ngự nổi tiếng nhất. Sau gần một tháng bắt đầu công bố chiến dịch, “Mau.” nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng, các chuyên gia, những người yêu thích và tìm hiểu về đạo Mẫu và đặc biệt là giới trẻ.

Giới trẻ nỗ lực tìm lại giá trị truyền thống - Anh 2

Bạn Lê Ngọc Khánh, thành viên dự án chia sẻ, đây là một dự án văn hóa liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu nên các thành viên trong nhóm phải tìm kiếm thông tin rất nhiều và đi thực tế tại những cái nôi của trang phục thờ Mẫu như làng thêu Đông Cứu,… Rất may mắn đã nhận được sự hỗ trợ của những chuyên gia lâu năm trong ngành và chính bản thân mỗi bạn cũng đã tự tích lũy cho bản thân những kiến thức mới về Tín ngưỡng này.

““Mau.” là tâm huyết của những thành viên trong nhóm nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu đến công chúng. Vì thế, các thành viên trong nhóm đã chọn góc độ nghệ thuật với màu sắc và hệ thống chi tiết trên trang phục, những giá trị nghệ thuật dân gian vốn có để khai thác về Tín ngưỡng, mang lại cái nhìn thân thiện, gần gũi và khách quan về Đạo Mẫu”, bạn Hà Diệu Thảo, thành viên dự án cho biết.

Ngoài những bài viết đăng trên fanpage, cuốn kỷ yếu về văn hóa Tín ngưỡng do sinh viên biên soạn và được kiểm duyệt nội dung bởi Viện Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, vào 14h ngày 27.3 sẽ diễn ra triển lãm nghệ thuật “Mau.”. Triển lãm trưng bày 10 bộ trang phục hầu đồng các giá như Tam Tòa thánh mẫu, Ngũ vị Tôn quan,… Điểm nhấn của những trang phục này là những họa tiết hoa văn thêu tay được chính các bạn trong nhóm thực hiện. Trong khuôn khổ triển lãm cũng sẽ có tọa đàm “Mau.”. Đây là buổi gặp gỡ, chia sẻ với những chuyên gia, thanh đồng nổi tiếng trong lĩnh vực nhằm đem lại cái nhìn chân thực và đúng đắn hơn về Đạo Mẫu.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc