“Giấc mơ” có thực của cụ Mơ
VHO- Thời gian gần đây, trên các trang mạng xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một cụ bà 83 tuổi đến UBND xã xin thoát nghèo. Đoạn clip trên đã thu hút sự chú ý của dư luận và nhận được hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.
Cụ Mơ, tấm gương sáng để con cháu noi theo
Trong khi bao nhiêu người đang muốn xin được xác nhận hộ nghèo, cận nghèo để được Nhà nước hỗ trợ thì cụ bà Đỗ Thị Mơ tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa lại hai lần đạp xe lên UBND xã với quyết tâm xin rút khỏi hộ nghèo vì không muốn nhờ cậy vào chế độ, chính sách của Nhà nước và để làm gương cho thế hệ con cháu.
Làm gương cho con cháu
Để tìm hiểu, PV Văn Hóa tìm về thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn để gặp cụ bà Đỗ Thị Mơ. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, giọng cụ chắc khỏe, lập luận rõ ràng khiến chúng tôi xúc động và ngả mũ thán phục. Cụ Mơ cho biết. “Mấy hôm nay nhiều đoàn nhà báo và các ban ngành về hỏi thăm nhiều lắm, mệt nhưng bà vui vì lần đầu tiên nhà bà được đón nhiều khách đến vậy, vui nhất là thông điệp vươn lên thoát nghèo của bà đã được truyền tải nhanh chóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội”.
“Tôi xin ra khỏi hộ nghèo là đúng chứ. Trong xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơ cực và đáng thương lắm, tôi xem trên ti vi có những gia đình có đến ba đứa con bị nhiễm chất độc da cam, gia đình họ khó khăn, khi sinh con ra họ chỉ mong muốn được con gọi một tiếng “mẹ ơi” mà không được, đau lòng lắm. Bản thân mình vẫn đang giúp đỡ được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, nên không muốn nhờ cậy vào chếđộ, chính sách của Nhà nước, là gánh nặng cho Nhà nước. Không những thế tôi còn muốn làm gương cho con cháu, cho xã hội. Đừng trông chờ ỷ lại, hãy vươn lên bằng sự nỗ lực của bản thân như lời Cụ Hồ dạy. Ai cũng như tôi thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn cho Nhà nước, để từ đó sẽ có nhiều người trong xã hội có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi được giúp đỡ”, cụ Đỗ Thị Mơ chia sẻ.
Cuộc đời của cụ Mơ cũng lắm thăng trầm. Cụ mồ côi mẹ từ nhỏ, đến năm 1987 thì chồng cụ Mơ mất, để một mình bà sống cô đơn cho đến nay, nuôi 11 người con (10 người con đẻ và 1 người con nuôi), hai người con đã mất, vượt qua bao vất vả của cuộc sống, hiện nay các con của cụ Mơ đều đã ổn định cuộc sống. Riêng cụ, chưa ở chung và cậy nhờ đến người con nào vì đang tự lo cho mình được bằng công việc bán rau ngoài chợ, nuôi gà, chăm sóc vườn tược... Hiện nay cụ đang sống trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2 khá tuềnh toàng.
“Vườn rau thoát nghèo”
Mặc dù ở tuổi cổ lai hy, nhưng hằng ngày cụ Mơ vẫn cuốc đất, trồng rau để mang ra chợ bán, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống thường nhật, hôm thì được 5 chục nghìn, hôm thì 8 chục nghìn, rau cứ ra chợ là bán nhanh hết vì có bí quyết bán hàng (cụ nói), đây là công việc đã gắn bó với cụ cả một quãng đời. Cụ Mơ còn hài hước gọi vườn rau của mình là “rau thoát nghèo”. Sống một mình, cụ Mơ cũng có chút tiền tích cóp để cho hàng xóm, những người khó khăn vay khi cần. Chẳng hạn, có trường hợp hộ gia đình gần nhà cụ có người bị tai nạn lao động, khó khăn cụ đã sẵn lòng cho vay tiền. Khi trả nợ, hộ gia đình trên bảo trả lãi nhưng nhất quyết cụ không lấy. Hay như trường hợp làm nên được nhà cao cửa rộng thì bắt đầu vướng nợ khiến cho cả vợ, cả chồng phải vào miền Nam kiếm tiền trả nợ nhưng tiền vé đi không có, cụ lại cho vay 5 triệu để khi vào đó có tiền thuê nhà, kiếm việc làm.
Cụ Mơ cho biết, tới đây sẽ họp gia đình và nếu các con không có nhu cầu sử dụng nhà, thì sẽ viết di chúc đểlại nhà cho chính quyền địa phương, để ngôi nhà của bà là nơi nương tựa của những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Năm nay đã ngoài 83 tuổi nhưng cụ Mơ vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn và đặc biệt là trò chuyện rất lưu loát. Không những vậy cụ còn sáng tác nhiều bài thơ về chủ đề nông thôn mới, quê hương Thanh Hóa và tâm sự với con…
“Một đời dãi nắng dầm sương
Đắng cay mẹ ngậm ngọt đường phần con
Năm qua tháng lại mỏi mòn
Ngược xuôi tần tảo nuôi con lớn dần
Đêm khuya nước mắt thấm khăn
Cuộc đời mẹchịu mọi phần hẩm hiu”
(Trích đoạn thơ trong bài thơ “Tâm sự với con” của cụ Mơ)
Năm 2018, cụ từng đạp xe lên xã xin trả sổ hộ nghèo, nhưng thấy cụ tuổi cao, sống một mình, nên xã vẫn xét cụ thuộc diện hộ nghèo. Đầu tháng 9.2019, cụ Mơ lại tiếp tục đạp xe từ nhà đến UBND xã để đề nghị Phòng Chính sách xã hội xã rút trường hợp của cụ ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, khẳng định về việc cụ bà Đỗ Thị Mơ mới đây đã lên UBND xã đề nghị được xin rút khỏi danh sách hộ nghèo là đúng. “Sau khi tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của cụ Mơ, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành rà soát, hiện nay cơ bản về mức thu nhập và các điều kiện theo tiêu chuẩn thoát nghèo của cụ Đỗ Thị Mơ đã đạt và đáp ứng được tiêu chuẩn để thoát nghèo, UBND xã đã quyết định cho cụ Mơ thoát nghèo trong năm 2019 này”, ông Lương Xuân Thiêm cho biết thêm.
“Tôi xin ra khỏi hộ nghèo là đúng chứ. Trong xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơ cực và đáng thương lắm, tôi xem trên ti vi có những gia đình có đến ba đứa con bị nhiễm chất độc da cam, gia đình họ khó khăn, khi sinh con ra họchỉ mong muốn được con gọi một tiếng “mẹ ơi” mà không được, đau lòng lắm. Bản thân mình vẫn đang giúp đỡ được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, nên không muốn nhờ cậy vào chế độ, chính sách của Nhà nước, là gánh nặng cho Nhà nước. Không những thế tôi còn muốn làm gương cho con cháu, cho xã hội. Đừng trông chờ ỷ lại, hãy vươn lên bằng sự nỗ lực của bản thân như lời Cụ Hồ dạy. Ai cũng như tôi thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn cho Nhà nước, để từ đó sẽ có nhiều người trong xã hội có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi được giúp đỡ”. |
NGUYỄN LINH