Đưa dân ca và nhạc cổ truyền vào trường học: Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc
VHO- Là địa bàn đầu tiên thực hiện thí điểm đưa dân ca vào trường học, đến nay huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có 100% câu lạc bộ dân ca trong các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để phong trào được triển khai sâu rộng, hiệu quả và những năng khiếu không bị mai một, lãng phí thì phong trào cần phải được duy trì liên tục, bền vững.
Nghệ nhân ưu tú Trịnh Công Sơn đang dạy các em học sinh hát Bài Chòi
Không có lớp kế cận là điều đáng tiếc!
Bắt đầu từ năm học 2009, huyện Hòa Vang triển khai thực hiện thí điểm chương trình Đưa dân ca vào trường học tới 6 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Đến năm 2021, huyện mở rộng tiến tới thành lập câu lạc bộ (CLB) Em hát dân ca ở tất cả các trường.
Với phương châm “chậm và chắc”, để duy trì, nâng cao hiệu quả các CLB trường học, huyện Hòa Vang đã mời các nghệ nhân hát dân ca, Bài Chòi như Thanh Châu, Hồng Thái, Nguyễn Thị Lệ, Thế Dân… trực tiếp đứng dạy các lớp bồi dưỡng hát dân ca cho đội ngũ giáo viên phụ trách môn âm nhạc, để từ đó truyền dạy tới học sinh; các tác giả như Trần Nhật Bằng, Nguyễn Hữu Mai nỗ lực sưu tầm tài liệu, các làn điệu dân ca Khu V, viết kịch bản phục vụ cho việc giảng dạy thêm phong phú, thu hút. Bên cạnh đó, Trung tâm VHTT&TT huyện phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện, Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Đà Nẵng mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu học đường để giáo viên có thể nắm bắt kiến thức cơ bản các làn điệu dân ca Bài Chòi, nâng cao kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Chuyên mục Học hát dân ca Bài Chòi trên sóng phát thanh của huyện Hòa Vang đã phát sóng được khoảng 40 số, trang Fanpage Học hát dân ca Bài Chòi luôn đăng tải các thông tin giới thiệu về giá trị Bài Chòi, tài liệu và các file hướng dẫn học hát dân ca cho các em.
Chị Nguyễn Thị Lệ, chuyên viên Trung tâm VHTT&TT huyện Hòa Vang, Chủ nhiệm CLB Bài Chòi Sông Yên (Hòa Vang) là một trong những nghệ nhân trực tiếp đứng lớp truyền dạy hát dân ca trong trường học chia sẻ: “Khi tham gia lớp học hát, học sinh rất say mê tập luyện, hầu hết các em có sự cảm nhận đặc biệt với các làn điệu dân ca. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều em đã sớm bộc lộ được năng khiếu nổi trội. Có thể nói, hầu hết giáo viên và học sinh đều nắm chắc gần 30 làn điệu cơ bản của dân ca Khu V”.
Tuy các CLB học hát dân ca tại trường học vẫn được duy trì, nhưng theo chị Lệ, các nghệ nhân cũng lo lắng kết quả sẽ “rơi rụng” do quá trình truyền dạy bị gián đoạn. “Hát dân ca phải học thường xuyên mới thấm và ngấm, nếu hát qua vài lần rồi bỏ, không được đào tạo thêm thì sẽ dần bị mai một. Một buổi dạy hát mà không đủ học trò thì chính nghệ nhân cũng mất “lửa”. Còn về nguồn nhân lực, từ trước tới nay huyện Hòa Vang là cái nôi của dân ca, Bài Chòi nên không lo thiếu người giảng dạy”, Chủ nhiệm CLB Bài Chòi Sông Yên huyện Hòa Vang khẳng định.
“Nếu Bài Chòi, Tuồng cũng như các loại hình văn hóa dân tộc khác không có lớp kế cận, hoặc có lớp kế cận mà không có kế hoạch bồi dưỡng lâu dài thì để mất đi là điều đáng tiếc!”, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng bày tỏ.
Đừng chỉ dừng ở thí điểm
Bàn về việc đưa các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân tộc vào trường học cho học sinh tiếp cận, ông Bùi Văn Tiếng nêu ý kiến: “Sau khi Bài Chòi được công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia thì TP Đà Nẵng chủ trương đưa Bài Chòi, Tuồng vào trường học, nhưng mới chỉ dừng ở mức thí điểm. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc trong điều kiện công chúng thiếu như vậy thì phải phổ cập toàn bộ chứ không chỉ thí điểm một số trường. Cũng phải nói, việc đưa dân ca vào trường học mục đích là tạo thế hệ công chúng yêu mến di sản văn hóa phi vật thể của cha ông chứ không nhằm đào tạo diễn viên. Đương nhiên, nếu sau này có em nào đam mê mà phát triển sự nghiệp thì là điều rất đáng mừng. Hiện chúng tôi đang tích hợp nội dung các di sản văn hóa phi vật thể của Đà Nẵng vào tài liệu giáo dục địa phương ở các cấp phổ thông. Điều quan trọng nữa là phải đưa các loại hình nghệ thuật dân gian này thành bộ môn đào tạo trong trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Đà Nẵng, đặc biệt quan tâm đến sự truyền nghề trực tiếp từ các nghệ sĩ nghệ nhân biểu diễn, vì chính trường học mới là nguồn đào tạo chủ yếu”.
Ông Nguyễn Cường, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP cho biết, những khó khăn chủ yếu là chưa có sự phối hợp đồng thuận giữa các đơn vị liên quan. “Về việc thành lập các CLB dân ca, Bài Chòi ở các trường học, trung tâm cũng đã triển khai, đề nghị các trường phối hợp nhưng chưa có phản hồi. Đến nay mới chỉ có một CLB được thành lập tại trường PTCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê. Phải có kế hoạch triển khai triệt để trong ngành Giáo dục, nếu các phòng giáo dục quận, huyện không quan tâm thì các trường không thể tham gia. Thời gian tới, để tiếp tục triển khai kế hoạch số 333/KH-SVHTT về việc tổ chức mở lớp tập huấn nghệ thuật Hô hát Bài Chòi TP Đà Nẵng năm 2023, giai đoạn 2022-2023 dành cho đối tượng là giáo viên các trường THCS trên địa bàn TP, Sở VHTT đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT TP đề nghị phối hợp hiệu quả”, ông Cường thông tin.
Dân ca Bài Chòi dù là tài sản phi vật thể vô giá của miền Trung, Đà Nẵng nhưng đặt trước tình hình mới vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự phối hợp tâm huyết của các ngành liên quan, sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Trước nguy cơ nghệ thuật dân tộc bị mai một, lâu nay TP Đà Nẵng cũng đã có sáng kiến lồng ghép nghệ thuật Bài Chòi vào những sự kiện văn hóa, du lịch lớn; hội chơi Bài Chòi được tổ chức thường xuyên vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật ở bờ đông cầu Rồng, từng bước tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn.
Riêng đối với lớp trẻ càng phải tìm cách nỗ lực gìn giữ, phát huy, như chị Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB Bài Chòi Sông Yên Hòa Vang nhìn nhận: “Việc duy trì các CLB dân ca trong trường học là điều rất ý nghĩa trong đời sống hiện đại. Khi lớp trẻ đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai, thì việc duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa dân tộc sẽ định hướng các em có được môi trường giải trí hữu ích. Nếu các em thật sự hiểu và yêu làn điệu dân ca thì tâm hồn của các em cũng sẽ phát triển một cách lành mạnh, trong sáng”.
NGỌC HÀ