Di tích, cơ sở tôn giáo lại tạm dừng đón khách: Tăng “đề kháng” đối diện dịch Covid-19
VHO- Thực hiện Công điện số 06/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, từ 17h ngày 3.5.2021, các di tích và cơ sở tôn giáo trên địa bàn đã chấp hành nghiêm chỉ đạo tạm dừng đón khách. Sau gần hai tháng mở cửa trở lại, điệp khúc “cửa đóng, then cài” một lần nữa lặp lại. Tuy nhiên, đối với các địa chỉ di tích, cơ sở tôn giáo thì những khoảng thời gian này được xem là cần thiết nhằm tăng sức “đề kháng” trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Nhiều di tích, cơ sở tôn giáo tại Hà Nội tạm dừng đón khách. Ảnh chụp sáng 4.5
Theo ghi nhận vào sáng 4.5, các cơ sở di tích, tôn giáo trọng điểm trên địa bàn Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, chùa Quán Sứ... đều thông báo tới du khách về việc tạm đóng cửa và sẽ mở cửa trở lại khi có chỉ đạo mới của UBND TP Hà Nội.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò là địa chỉ đã sớm thông báo đóng cửa ngay sau Công điện yêu cầu tạm dừng đón khách của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. BQL di tích cho biết tạm dừng phục vụ khách tham quan từ 17h ngày 3.5 để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian phục vụ trở lại sẽ được cập nhật trên website và fanpage của di tích.
Thông báo tương tự cũng được dán phía trước cổng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Một nhân viên tại di tích cho biết, kỳ nghỉ lễ 30.4, 1.5 đã có khá đông du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham quan. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những ngày qua cho thấy việc cần thiết một lần nữa phải đóng cửa di tích để tập trung cho các biện pháp phòng chống dịch. Trong thời gian này, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như nhiều di tích trọng điểm khác trên địa bàn Hà Nội đều dành thời gian tập trung cho các hoạt động tăng sức “đề kháng”. Theo BQL Di tích - danh thắng Hà Nội, giải pháp quan trọng thường xuyên được tăng cường là việc nhắc nhở các điểm di tích khi đóng cửa phải làm công tác vệ sinh, tiến hành phun khử khuẩn để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, chủ động trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt...
Trước đó, trong kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 đã ghi nhận số lượng du khách đến các di tích lịch sử, danh thắng tăng cao. Dịp này, thực hiện các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19, BQL các di tích, danh thắng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp. Các di tích thu hút đông du khách như Khu di tích và danh thắng Hương Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Bảo tàng Hà Nội… đều đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất nhằm thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND TP Hà Nội trong việc triển khai công tác ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Đáng chú ý, bên cạnh phương pháp khai báo y tế truyền thống, 100% điểm đến di sản nổi tiếng của Hà Nội đều niêm yết mã QR, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho du khách thực hiện quy định của Bộ Y tế.
Trưởng BQL Di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, nguyên tắc và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại các di tích, danh thắng luôn được đặt ở mức cao nhất. Du khách không sát khuẩn tay, không đeo khẩu trang thì không được vào di tích. Tuy nhiên, trên thực tế, dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng vẫn còn tình trạng người dân lơ là, chủ quan. Ông Nguyễn Doãn Văn cho hay, nhiều người dân, du khách thường lấy lý do chụp ảnh để không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Khắc phục tình trạng này, trong dịp lễ, BQL Di tích - danh thắng Hà Nội đã tăng cường đội ngũ cán bộ giám sát việc người dân, du khách khi mua vé đến các điểm trong di tích phải đeo khẩu trang đúng quy định, chấp hành phòng dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Mặt khác, BQL Di tích - danh thắng đã tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát của Sở VHTT Hà Nội tại các điểm di tích; quay phim, chụp ảnh các trường hợp vi phạm.
Ngay trước kỳ nghỉ lễ, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành các công văn, công điện chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Tại Công điện số 1407/CĐ-BVHTTDL, Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương hạn chế tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. BQL di tích, Bảo tàng, BTC lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 5K. Đặc biệt, Công điện nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; không lơ là chủ quan, luôn cảnh giác phòng, chống dịch bệnh.
Sau Công điện của Bộ, chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, bao gồm việc tiếp đón du khách đến các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn để phòng, chống dịch là nội dung được dư luận ủng hộ, mặc dù ở thời điểm này, các di tích đều mong muốn thu hút đông đảo du khách, phục hồi “thể trạng” sau nhiều lần làn sóng đại dịch hoành hành. Đó cũng là lý do mà BQL các di tích, danh thắng như Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… đều tính toán cho ra mắt hoặc tăng cường những sản phẩm mới trong dịp nghỉ lễ vừa qua. Trong đó, có thể kể đến các tour trải nghiệm đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Triển lãm Đất nước trọn niềm vui... Tuy nhiên, trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, kế hoạch đón tiếp du khách tại các di tích liên tục được điều chỉnh, BQL các di tích, danh thắng trên địa bàn đã triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Sự chủ động, quyết liệt trong bối cảnh hiện nay là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Quãng thời gian tạm dừng đón khách lần này cũng được xem là quãng nghỉ cần thiết để mỗi di tích, cơ sở tôn giáo tiếp tục tăng cường sức “đề kháng”, bảo đảm điều kiện tốt nhất để đáp ứng đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân và du khách sau khi được phép mở cửa trở lại.
LINH AN