Đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc
VHO- Những trăn trở về thực trạng hoạt động ngành xuất bản vừa được nêu ra tại tọa đàm “Văn hóa đọc và sự phát triển ngành xuất bản trong tương lai” do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức. So sánh trong những năm gần đây có thể thấy, ngành xuất bản đã có những bước tiến quan trọng, tuy vậy tỉ lệ người đọc sách chưa tăng tương xứng.
Người dân ngày càng quan tâm đến việc mua sách để nâng cao kiến thức
Thông tin về thực trạng hoạt động xuất bản Việt Nam từ năm 2014-2019 (do năm 2020 bị ảnh hưởng dịch Covid-19), ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM dẫn số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho thấy, lượng sách đã phát triển tới 30%, tăng từ 28.000 đầu sách năm 2014 lên 37.000 đầu sách năm 2019. Tương tự, số bản in cũng tăng trưởng 19%; tỉ lệ sách chia cho đầu người tăng từ 4,1 lên 4,6 đầu sách/người/năm. Số liệu cũng cho biết số sách phát hành năm 2014 là 378 triệu bản lên 440 triệu bản năm 2019, chỉ tăng 16%.
“Như vậy, nếu tựa sách đã tăng lên 30%, nhưng bản sách phát hành chỉ tăng có 16%, có nghĩa là số đầu sách in ra nhiều, nếu có tái bản, bán được thì chắc chắn số bản sách phát hành cũng sẽ tăng theo tỉ lệ số tựa sách mới. Nhưng không, số tựa sách tăng lên quá nhiều, nhưng số phát hành lại không bán kịp, vì số người mua không tăng, thị trường chưa phát triển kịp số đầu sách phát hành ra”, ông Lê Hoàng nói. Chuyên gia này nói thêm, số liệu công bố cho thấy doanh thu phát hành đã tăng lên 45% từ năm 2014 đến 2019, điều này đáng mừng nhưng có 2 lý do, một là mặt bằng giá tăng, hai là trong doanh thu đó có cả văn phòng phẩm chứ thực tế số bản sách chiếm tỉ lệ không đáng kể.
Sở dĩ có sự nghịch lý nói trên, theo ông Lê Hoàng, các nhà xuất bản, công ty sách chưa thật sự quan tâm công tác thị trường để góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. “Tôi quan sát một đơn vị xuất bản thấy việc đầu tư đội ngũ làm ra quyển sách rất lớn, đó là đội ngũ đi khai thác thị trường, đội ngũ đi dự các hội thảo quốc tế để tìm kiếm bản quyền, đội ngũ biên tập viên, đội ngũ làm công việc “bếp núc” để cho ra quyển sách, chiếm tỷ lệ không dưới 50%, thậm chí 2/3, trong khi đó đội ngũ làm kinh doanh, tức là đội ngũ đi tìm kiếm thị trường bán sách, làm công tác truyền thông, PR, đưa sách đến thị trường thì chưa được các đơn vị đầu tư đúng mức. Do vậy quyển sách làm ra tăng lên 30%, trong khi việc bán sách chỉ tăng mười mấy phần trăm, nên giữa việc làm ra quyển sách đến bán sách, khi sự đầu tư không đúng mức, từ đó cho ra kết quả cũng không đúng mức, điều đó làm cho nỗi nhọc nhằn trong hoạt động xuất bản chưa hết được”, ông Lê Hoàng trăn trở.
Thống kê cho thấy, số đơn vị phát hành ngày càng tăng. Cả nước hiện có 59 nhà xuất bản Nhà nước, bên cạnh đó lượng công ty sách tư nhân ngày một nhiều, đóng góp cho sự gia tăng của đầu sách. Các công ty sách tư nhân như Alpha Book, First News - Trí Việt, Nhã Nam,… rất phát triển, làm ra nhiều đầu sách phong phú. Đơn vị phát hành càng ngày càng tăng lên. Các hệ thống phát hành lớn như Fahasa, Phương Nam, Tiền Phong, Tân Việt… có hàng chục hiệu sách trên cả nước. “Qua đó, ta thấy bức tranh lạc quan về sự phát triển của xuất bản, phát hành cả nước. Đối chiếu bức tranh chung về ngành phát hành cho thấy có niềm hi vọng trong tương lai khi số liệu đã tăng trưởng, tuy nhiên đồng thời cũng có không ít thách thức”, ông Lê Hoàng nhận định và nói rằng, đội ngũ làm xuất bản, hệ số rủi ro vẫn cứ cao. In ra quyển sách 2.000 bản mà dư 200 bản là cảm thấy bị đe dọa từ huề vốn đến lỗ. Còn làm dư 20%, tức là khoảng 400 cuốn tồn kho là tựa sách đó gần như không có tiền trả lương… đó là một thực tế, một thách thức lớn của người làm sách.
Quay lại tỉ lệ sách trên đầu người hiện nay, từ 4,1 lên 4,6/người/năm, nói lên sức đọc của người Việt Nam ta không cao. Năm 2019 (năm thị trường xuất bản chưa chịu tác động dịch Covid-19), cả nước có 97 triệu dân, làm ra 441 triệu bản sách. Trong số sách làm ra có 300 triệu bản sách giáo khoa, giáo trình. Như vậy, mức hưởng thụ sách không tính sách giáo khoa đạt 1,4 bản sách/người/năm. Trong danh sách 61 nước có lượng người đọc sách cao nhất không có Việt Nam. Danh sách ấy có ba quốc gia Đông Nam Á là Singapore (thứ 37), Malaysia (thứ 53) và Indonesia (thứ 60)… Về nguyên nhân của vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, chính là trong nhà trường, môi trường này còn thiếu tiết đọc sách trong khung giờ thời khóa biểu chính thức cho học sinh. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ.
Một số kiến nghị những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa đọc được nêu ra tại tọa đàm là cần thành lập một Ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc; bổ sung một số điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới; đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc; kiến nghị ngành giáo dục đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa… Bên cạnh đó, cần có giải pháp để mỗi gia đình xây dựng tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hội sách đã có và các hội sách trực tuyến; kết nối và phát huy các nhóm dự án văn hóa đọc thiện nguyện… Phát triển các đường sách-phố sách tại các tỉnh, thành. Các nhà xuất bản, công ty sách phải có sự chuyển động mạnh mẽ và toàn diện cho hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm.
TÙNG THƯ