“Đấu trường” độc đáo giữa voi và hổ dưới triều Nguyễn
VHO- Di tích Hổ Quyền ở Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế là một trong những công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Đây là nơi triều đình cho tổ chức các trận đấu sinh tử giữa voi và hổ.
Di tích Hổ Quyền, đấu trường độc nhất vô nhị giữa voi và hổ, được xây dựng dưới triều Nguyễn
Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng. Công trình có chu vi 145m, đường kính lòng chảo 44m; vòng thành trong cao 5,9m, vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10- 15 độ, tạo thế vững chãi. Đây vừa là chuồng nuôi hổ, vừa là một đấu trường độc đáo giữa voi và hổ mà gần như chưa nơi nào trên thế giới có.
Có một số tư liệu ghi lại rằng, các trận đấu giữa voi và hổ đã được tổ chức từ thời các chúa Nguyễn, diễn ra tại đảo Dã Viên (nay gọi là cồn Dã Viên) trên sông Hương. Đó là cuộc chiến đẫm máu, đến khi con hổ cuối cùng bị đàn voi giết chết thì mới kết thúc. Những cuộc đấu này cũng được tổ chức dưới thời các vua Nguyễn, và được xem là ngày hội lớn của triều đình và dân chúng. Tuy nhiên, vào thời Gia Long và Minh Mạng, đã có một số sự cố xảy ra trong quá trình tổ chức dẫn đến chết người và gây thương tích, sợ hãi cho nhiều người khác. Để đảm bảo an toàn cho những trận đấu này, vua Minh Mạng đã chọn vùng đất Trường Đá, cách kinh thành Huế khoảng 5km về phía Tây để xây dựng một đấu trường kiên cố.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ khi xây dựng xong Hổ Quyền thì nghi thức tổ chức các trận quyết đấu sinh tử giữa voi và hổ trở nên trang trọng hơn trước. Vào giờ Ngọ, nhà vua sẽ ngự thuyền rồng đến, rồi vua lên kiệu che bốn lọng vàng và bốn tàn vàng. Đi trước là lính Ngự lâm quân, rồi Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; và tiếp theo là đội nhạc cung đình… Xung quanh đấu trường bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng. Và có một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bến sông. Ngày diễn ra trận đấu, dân chúng địa phương ở trong vùng cũng đặt hương án, lễ vật. Từ sáng sớm, dân chúng đã hăm hở đến nơi chờ xem trận đấu giữa voi và hổ.
Trong khuôn viên của Hổ Quyền, khán đài vua ngồi ở mặt Bắc, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp (24 cấp) đi lên dành cho vua và các quốc thích đại thần. Bên phải khán đài có hệ thống bậc cấp khác dành cho quan chức và binh lính. Nhìn đối diện của khán đài này là 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Các chuồng cọp được dựng lên bằng cách làm vách ngăn giữa hai vòng tường thành trong và ngoài của đấu trường. Những trận tử chiến giữa voi và hổ thường được triều đình nhà Nguyễn tổ chức mỗi năm một lần. Trận đấu cuối cùng diễn ra tại Hổ Quyền cách đây gần 120 năm, dưới thời vua Thành Thái.
Do ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên và lịch sử, di tích Hổ Quyền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Những năm qua, công tác tu bổ di tích này và di tích Điện Voi Ré (nằm cách Hổ Quyền khoảng 400m, nơi thờ các vị thần bảo vệ voi và những con voi dũng cảm trong các cuộc chiến của triều Nguyễn), đã được quan tâm thực hiện. Trước đó, năm 2009, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) phục dựng di tích Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số 3D. Bộ phim đã phục dựng hình ảnh nổi về trận tử chiến giữa voi và hổ tại di tích này; trong đó có tái hiện lại cảnh quan, không gian kiến trúc của di tích Hổ Quyền và cảnh vua, quan, binh lính xem trận chiến tại đây. Bộ phim 3D này đã được trình chiếu phục vụ du khách tham quan di sản Huế từ năm 2010.
Để phát huy giá trị di tích Hổ Quyền - Voi Ré sau khi trùng tu, năm 2021 UBND TP Huế đã triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang cụm di tích Hổ Quyền- Voi Ré (thuộc phường Thủy Biều và phường Đúc, TP Huế). Dự án được triển khai trên diện tích gần 5 ha, có tổng mức đầu tư hơn 94 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 54 tỉ, và chi phí đầu tư xây dựng hơn 40 tỉ; bao gồm các hạng mục: đất ở, đất cây xanh, đất thương mại, bãi đỗ xe, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật…
SƠN THÙY