Công nghệ số đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền

VHO- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ số thì vi phạm bản quyền cũng ngày càng trở nên nhức nhối. Trước vấn nạn đó, nhiều nghệ sĩ và chuyên gia cho rằng, việc phát triển và ứng dụng công nghệ để quản lý và bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng là điều vô cùng cần thiết.

Công nghệ số đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền - Anh 1

 Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Không bảo vệ tác quyền = không có tác phẩm giá trị

Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh, vấn đề bản quyền là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển, bảo vệ bản quyền càng là vấn đề nan giải, nhất là trong không gian số. Sự thuận tiện khiến các tác giả có thể dễ dàng đưa tác phẩm đến với công chúng một cách nhanh chóng và rộng rãi, tuy nhiên đó cũng là môi trường khiến những kẻ xâm phạm bản quyền thỏa sức lộng hành. “Bản quyền được bảo vệ thì mới khuyến khích các tác giả, nhà đầu tư, nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể tiếp tục cho ra đời các sản phẩm sáng tạo…”, bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.

Cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện những cam kết, nỗ lực về bảo vệ bản quyền, lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả cũng chia sẻ, hiện nay hệ thống hành lang pháp lý về bản quyền tác giả đang được hoàn thiện ngày càng đầy đủ hơn. Quốc hội đang xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung quan trọng về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt được chú trọng là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số. “Bảo vệ và tôn trọng bản quyền, công khai minh bạch là câu chuyện những người sáng tạo, khai thác và sử dụng các tác phẩm sáng tạo đều mong muốn. Chúng ta muốn có được những tác phẩm hay, những sáng tạo tinh thần để thưởng thức nhưng không bảo vệ được tác giả, không bảo vệ được những nhà đầu tư, những nghệ sĩ biểu diễn, nhà sản xuất thì cũng không có được những sản phẩm giá trị…”, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định.

Đau đáu trước vấn nạn xâm phạm bản quyền tác giả nói chung và trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã cùng cộng sự xây dựng một hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến mang tên MCM. MCM được xây dựng bằng hai công nghệ - bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking, điều đó giúp tác giả có thể đo đếm chính xác số lượt sử dụng, theo dõi việc phân phối tác phẩm trên Internet. Trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời của hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến là một trong những nền tảng công cụ hữu ích. “Khi hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, cùng với sự tham gia các điều ước quốc tế thì chuyện thực thi, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền với sự góp phần của các nền móng công nghệ sẽ là giải pháp lý tưởng…”, bà Phạm Thị Kim Oanh nhìn nhận.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ, ba năm trước anh kinh ngạc khi nghe đài giới thiệu Tình đất của ca sĩ Anh Thơ, Gió mùa về của Trúc Nhân hay Nồng nàn Hà Nội gắn với một nhóm nhạc… trong khi các nhạc sĩ sáng tác thì bị bỏ quên. “Quản lý tốt được bản quyền sẽ dần hình thành nền văn hoá sử dụng âm nhạc có bản quyền, khi đó tác giả sẽ nhận được sự tôn trọng, nâng niu, khích lệ tinh thần cho người sáng tác âm nhạc. Khát vọng của tôi là những người nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, đơn vị sử dụng phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Cái điều tưởng như là hiển nhiên đó lại là mong ước từ rất lâu của nhiều nhạc sĩ…”, Lê Minh Sơn trải lòng.

Thế mạnh công nghệ và bài toán bản quyền

Phát huy thế mạnh công nghệ số để giải quyết vấn nạn bản quyền nhức nhối là biện pháp đã được đặt ra từ lâu, nhưng để biến công nghệ thành chiếc chìa khóa cho sự minh bạch thì vẫn còn nhiều nút thắt. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định, MCM là viên gạch đầu tiên dùng công nghệ để bảo vệ bản quyền các tác phẩm nghệ thuật trên Internet. Việc áp dụng giải pháp công nghệ giúp đảm bảo ba yếu tố: Bảo vệ, minh bạch và truy vết khi cung cấp một tác phẩm âm nhạc lên môi trường số. Từ đó, giúp nhạc sĩ có thể quản lý được các bản nhạc của mình khi phân phối trên mạng.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia chia sẻ, việc phát triển và ứng dụng công nghệ để quản lý và bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng rất có ý nghĩa. “Nền tảng công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc sẽ giải quyết bức xúc của các nhạc sĩ, các nhà sáng tác. Có bảo vệ được bản quyền, minh bạch khi sử dụng tác phẩm mới có thể đảm bảo quyền lợi kinh tế cho chủ thể sáng tạo, từ đó thúc đẩy nền âm nhạc phát triển…”, ông Hân cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Covid-19 là “cú hích” cho ngành công nghiệp âm nhạc thu âm toàn cầu khi mảng trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng (18,5% trong năm 2021). Điều này có tác động lớn tới giới nghệ sĩ khi họ có thêm được khoản thu từ bán bản quyền trực tuyến cũng như ghi nhận xu thế nghe nhạc online Streaming (hiện đang chiếm 62% doanh thu) là hình thức phổ biến toàn cầu. “Việc ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet rất phù hợp với xu thế quốc tế. Những năm gần đây, tại các diễn đàn do WIPO, CISAC tổ chức đã có những chuyên đề bàn thảo sâu về vai trò của ứng dụng công nghệ mới vào việc sáng tạo nội dung và quản lý tác quyền…”, theo ông Ngọc Hân.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá, ra đời hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc là dấu mốc quan trọng trong việc sử dụng thế mạnh của công nghệ. Bảo vệ bản quyền trên thực tế đang diễn ra phức tạp, gần như các chủ sở hữu tác quyền vẫn chưa được bảo vệ. Thực tế đó cho thấy cần nỗ lực sử dụng nhiều hơn các giải pháp công nghệ để bảo vệ bản quyền.

Phải làm gì khi các đối tượng xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi? Các lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, sách điện tử... đang từng ngày từng giờ đau đầu với vấn nạn bị xâm phạm tác quyền. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh sách điện tử tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ sử dụng sách có bản quyền đã ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn không thể đuổi kịp tỉ lệ dùng sách không có bản quyền. Các bộ phim, game show, chương trình bóng đá… cũng luôn gióng hồi chuông SOS về xâm phạm bản quyền.

Đại diện kênh Truyền hình K+ từng nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp công nghệ chống ăn cắp bản quyền như rà soát, ngăn chặn và khóa các nguồn tín hiệu xâm phạm với hệ thống khóa mã hiện đại. Ngăn chặn các đường link, website lậu cho đến nay đang là biện pháp phổ biến, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp kỹ thuật, công nghệ không bao giờ có thể giải quyết hết được các vấn đề khi đối tượng vi phạm ngày càng gia tăng mức độ tinh vi. Vì thế, nâng cấp công nghệ chống xâm phạm bản quyền, phát huy sức mạnh công nghệ số cần được đẩy mạnh nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, đẩy lùi xâm phạm bản quyền trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin không đơn giản là những biện pháp kỹ thuật mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực, các quốc gia, thậm chí cần kết nối thành mạng lưới liên quốc gia về chống xâm phạm bản quyền. 

 BẢO PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc