Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

VHO- Hội nghị - hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch” sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào sáng mai, ngày 26.10.2022 với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước. Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT chủ trì Hội nghị.

Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 1

Hội nghị - hội thảo dự kiến có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL, Bộ TTTT, các Bộ, Ban ngành, các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Cơ quan thường trực về chuyển đổi số của Bộ VHTTDL là Trung tâm CNTT đã được lãnh đạo Bộ giao là đầu mối tổ chức hoạt động này.  BTC đã nhận được gần 40 tham luận về chuyển đổi số thuộc các lĩnh vực của Bộ VHTTDL, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số. Hội nghị sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.

Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 2

Các chương trình nghệ thuật online của Bộ VHTTDL trong thời gian giãn cách vì đại dịch thu hút sự quan tâm, theo dõi của công chúng

Vấn đề số hóa từ sớm đã được lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo, ngay khi Chính phủ điện tử được triển khai. Trong một thời gian ngắn, các hoạt động chuyển đổi số trong ngành VHTTDL đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng…

Các đơn  vị tham luận đều nêu rõ, những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của toàn ngành, đặc biệt trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan chỉ việc ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu ...

Bên cạnh đó, trên cơ sở Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTTDL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc Bộ. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin.

Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 3

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm CNTT, Phó trưởng BCĐ Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL, với vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL, đơn vị đầu mối kết nối với Văn phòng Chính phủ, Bộ TTTT và các Bộ, Ban, ngành về chuyển đổi số, Trung tâm CNTT luôn chủ động cập nhật tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số theo giai đoạn và kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của Bộ. Đồng thời, Trung tâm luôn đồng hành, phối hợp và hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.

 Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Về các công việc trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết: “Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là “trái tim” về dữ liệu số của Bộ VHTTDL. Ngoài ra có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam”.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này hi vọng trong thời gian tới sẽ dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó bảo tồn, phát huy.

Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 4

Với hình thức trực tuyến, du khách có thể ngồi một chỗ vẫn có thể xem được những triển lãm hấp dẫn của các Bảo tàng chỉ bằng một cú nhấp chuột

Tại Hội nghị - Hội thảo, BTC sẽ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Hệ thống cũng được triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.

Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực VHTTDL và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa hướng đến phát triển kinh tế số do Bộ VHTTDL quản lý gồm: di sản văn hóa, bản quyền tác giả, nghệ thuật  biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lam; quảng cáo; thư viện; du lịch; thể thao…

BẢO PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc