Cặp linh vật rồng sáng tạo từ nghệ thuật kiến trúc triều Nguyễn

VHO - Những ngày vừa qua, không gian công viên Lý Tự Trọng ở trung tâm TP Huế đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến trải nghiệm và lưu giữ những khoảnh khắc dịp Tết Giáp Thìn. Đặc biệt, cặp linh vật rồng được sáng tạo cảm hứng từ nghệ thuật kiến trúc cung đình triều Nguyễn đã gây ấn tượng đến du khách.

Cặp linh vật rồng sáng tạo từ nghệ thuật kiến trúc triều Nguyễn - Anh 1

Cặp linh vật rồng sáng tạo từ nghệ thuật kiến trúc triều Nguyễn - Anh 2

 Cặp linh vật rồng tại Huế nhìn từ trên cao

 UBND TP Huế vừa khai mạc Hội xuân Giáp Thìn 2024, là điểm đến vui xuân phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán. Với chủ đề “Tinh hoa đất trời - Chuyển mình bứt phá”, Hội xuân với nhiều hoạt động văn hóa du lịch hấp dẫn được tổ chức tại các không gian cộng đồng, công viên dọc hai bờ sông Hương. Trong đó, khu vực công viên Lý Tự Trọng là không gian trung tâm với điểm nhấn là cặp linh vật “rồng chầu mặt nguyệt” với đầu rồng vươn cao và khí sắc thần thái, mang ý nghĩa về sự bứt phá và phát triển. Ngoài ra, xung quanh hai con rồng là tạo hình trăm hoa đua nở để nhấn mạnh sự bình an trong dịp đầu năm mới.

Nhiều người dân và du khách tỏ ra thích thú vì lần đầu tiên tại TP Huế có tác phẩm “song long” quy mô, với nghệ thuật tạo hình ấn tượng. Được biết, đơn vị sáng tạo tác phẩm này là Công ty CP Sao tháng Tám Việt Nam (AGS), có trụ sở tại Hà Nội.

Mỗi con rồng dài 35m, được thiết kế uốn khúc mềm mại với chiều cao cách mặt đất hơn 7m. Điểm nhấn của cặp linh vật rồng tại Bia Quốc học là dấu ấn của chất liệu nghệ thuật và kiến trúc cung đình xưa qua hệ thống họa tiết trang trí. Bộ vảy rồng được lấy cảm hứng và mô phỏng từ ngói thanh lưu ly, loại ngói thường dùng ở các công trình cung đình, lăng tẩm, chùa chiền xứ Huế. Để có được bộ vảy rồng “tinh xảo”, đơn vị thi công đã dày công từ khâu cắt, dán, rồi may bằng tay và sau đó sắp xếp lên thân rồng tạo nên hiệu ứng và màu sắc hài hòa. Khi đến gần thân con rồng, người xem sẽ phát hiện được những nét độc đáo từ bộ vảy này. Đặc biệt vào ban đêm, với sự kết hợp của hệ thống ánh sáng nghệ thuật, hình ảnh cặp rồng linh vật hiện lên rất khí khái, tạo điểm nhấn và sức thu hút.

Cặp linh vật rồng sáng tạo từ nghệ thuật kiến trúc triều Nguyễn - Anh 3

 Cặp linh vật rồng được sáng tạo mang dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc cung đình triều Nguyễn

Linh vật rồng được lựa chọn đặt tại Bia Quốc học được thiết kế mô phỏng của hình ảnh rồng thời Nguyễn. Thiết kế là sự tổng hòa của hình tượng rồng lớn vĩ đại kết hợp với tạo hình trăm hoa đua nở. Theo đại diện của Công ty AGS, trước khi triển khai thiết kế, đơn vị đã dày công nghiên cứu hình tượng rồng trên nhiều chất liệu, địa danh tại Huế. Đồng thời cũng tham khảo và làm việc với các chuyên gia, nhà sử học để tạo ra thiết kế linh vật rồng đúng với nguyên mẫu nhưng vẫn lột tả được sự sáng tạo, nét mới mẻ. Ngay trong ngày đầu khai mạc Hội xuân Giáp Thìn, không gian sắp đặt cặp linh vật rồng này đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, check-in lưu giữ những hình ảnh đẹp. Ngoài ra, tại khu vực công viên đối diện trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty AGS cũng sáng tạo một tác phẩm với đàn cá chép cùng một con rồng đang bay lên trời, với ý nghĩa về sự phát triển và bứt phá trong năm 2024.

“Năm 2024, TP Huế xác định là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2021-2025), tạo khí thế phấn khởi, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị”, ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế nhấn mạnh. Ông Hạnh cũng cho biết, không gian của Hội xuân Giáp Thìn tại Huế được tổ chức quy mô, ấn tượng, sáng tạo trên tinh thần đổi mới, tiết kiệm, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, tổ chức trang trí 342.000 cây hoa các loại tại các công viên, điểm xanh; 160 giỏ hoa trên các trục đường chính của trung tâm thành phố… Đặc biệt, tạo lập một “công viên hoa” với ý tưởng sắp đặt khéo léo, nghệ thuật trải dài theo các công viên ven sông Hương, như công viên 3/2, công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng (đường Lê Lợi); cồn Dã Viên; công viên Thương Bạc (đường Trần Hưng Đạo)… kết hợp với các điểm nhấn trang trí hoa trên cầu đi bộ trên sông Hương và hệ thống chiếu sáng nghệ thuật đã tạo thành chuỗi không gian đầy màu sắc của mùa xuân.

Tại công viên Thương Bạc, bờ Bắc sông Hương, Ban Tổ chức sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa, biểu diễn võ thuật…; tại cơ sở số 15 Lê Lợi với không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trình diễn nghề truyền thống Huế và các hoạt động trải nghiệm. Trong khuôn khổ Hội xuân còn có không gian trưng bày với các loại hoa lá, đá cảnh nghệ thuật, non bộ, thư pháp chạm trên gỗ, cây uốn thế đặc sắc của 65 nghệ nhân...

THÙY AN; ảnh: Đ.HOÀNG

Ý kiến bạn đọc