Cần có thêm cơ chế, chính sách để phát huy hệ thống bảo tàng
VHO- Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 bảo tàng đang hoạt động, góp phần làm phong phú hệ thống thiết chế văn hóa bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Tuy nhiên, các bảo tàng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên công tác vận hành và khai thác vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Tham quan một triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Huế, được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng
Ngày 22.11, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với các đơn vị bảo tàng trên địa bàn nhằm khảo sát việc lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XVI. Theo Nghị quyết 04, phấn đấu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố Văn hóa ASEAN…
Thừa Thiên Huế là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng về văn hóa vật thể và phi vật thể. Vì vậy, hệ thống các thiết chế văn hóa ở Thừa Thiên Huế ra đời từ rất sớm, nổi bật là thiết chế bảo tàng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 bảo tàng công lập và 4 bảo tàng ngoài công lập đang hoạt động. Ngoài ra, theo Sở VHTT, nhiều đơn vị, tư gia đang lưu trữ và sở hữu số lượng lớn các hiện vật và tư liệu quý, có tiềm năng để phát triển mở rộng thành bảo tàng ngoài công lập…
Thực tế, công tác bảo quản, trưng bày, triển lãm, quảng bá di sản văn hóa Huế của các bảo tàng đến với công chúng đang có những bất cập và khó khăn, chưa thể thu hút được nguồn khách tham quan, nghiên cứu và học tập xứng đáng với tiềm năng và lợi thế. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đang “chật vật” trong công tác bảo quản và trưng bày, phát huy giá trị hiện vật do thiếu không gian, cơ sở vật chất xuống cấp, hư hại… Các bảo tàng ngoài công lập hiện nay có 4 đơn vị, gồm: Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Bảo tàng gốm cổ sông Hương; Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham; Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập nhưng những cơ chế chính sách này chỉ mới hỗ trợ bước đầu. Theo đại diện các đơn vị bảo tàng ngoài công lập, thời gian tới, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi trong sử dụng đất, cơ sở vật chất do nhà nước quản lý, ưu đãi về thuế, phí trong hoạt động bảo tàng, hỗ trợ về an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy để các bảo tàng tiếp tục duy trì và hoạt động hiệu quả.
Riêng với các bảo tàng công lập, cũng kiến nghị có những cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư cơ sở vật chất, có cơ chế sưu tầm, trao đổi hiện vật giữa các bảo tàng; cơ chế phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ khách tham quan tại bảo tàng; chính sách về chế độ tiền lương cho ngạch viên chức di sản viên, cơ chế về đầu tư xã hội hóa cho hoạt động của bảo tàng…
Tại buổi làm việc với các bảo tàng, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đánh giá và thừa nhận rằng cơ sở vật chất của các bảo tàng, thiết chế phục vụ bảo tàng hiện nay còn chưa tương xứng so với thực tế. Năng lực tổ chức của các bảo tàng chưa mang được sức sống cụ thể; do đó, cần có sự liên hoàn, thống nhất trong hoạt động của các bảo tàng.
Lãnh đạo tỉnh cho rằng, để định hướng phát triển các bảo tàng lâu dài, cần có tầm nhìn dài hạn, phải xây dựng mạng lưới quy hoạch bảo tàng với thiết chế đáp ứng được nhu cầu và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai quy hoạch đối với bảo tàng công lập và ngoài công lập mang tính lâu dài, có hoạch định để tổ chức quản lý. Do đó, đề nghị ngành Văn hóa tham mưu để có cơ sở quản lý phù hợp.
Đối với các bảo tàng ngoài công lập cần phải đổi mới trong hình thức quản lý, vận hành, phải ứng dụng công nghệ, đưa các sản phẩm của bảo tàng để khai thác phục vụ vào phát triển du lịch. Phải xác định được nguồn lực để hỗ trợ cho các thiết chế bảo tàng từ Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Việc khai thác các sản phẩm của các bảo tàng trên địa bàn tỉnh cũng cần có sự liên kết và thống nhất.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, phát triển hệ thống bảo tàng là tâm huyết của bao nhiêu thế hệ, với bề dày trầm tích văn hóa di sản, Huế được ví như bảo tàng sống. Trong những năm qua, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách hợp lý, nhận thức của lãnh đạo các bảo tàng đã có những chuyển biến tích cực hình thành nên các bảo tàng hiện có. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, cần có tầm nhìn lâu dài để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn trong điều kiện còn hạn hẹp về kinh phí.
Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị UBND tỉnh cần có chiến lược phát triển bảo tàng thông qua quy hoạch, thông qua cơ chế, chính sách. Ngoài chính sách hiện có, cần quan tâm hỗ trợ cho các bảo tàng tư nhân, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý các bảo tàng. Các bảo tàng cũng cần đổi mới phương thức, nâng cao văn hóa bảo tàng, số hóa, sưu tầm hiện vật; tổ chức trưng bày bài bản, ứng dụng công nghệ thông tin theo xu thế hiện đại. Đồng thời, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới thành lập Hiệp hội Bảo tàng tạo cơ hội để trao đổi, hướng dẫn cho các bảo tàng tương lai…
THÙY AN