Biến đổi đô thị đến mức không còn nhận ra
VHO- Bốn mươi poster với hàng trăm hình ảnh mô tả diện mạo của TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng trước và sau quá trình biến đổi đô thị đang được TS Michael Waibel, Trường ĐH Hamburg, Đức trưng bày tại TP.HCM từ ngày 10-17.12, do Trung tâm Phát triển Vùng và đô thị (CRUS) phối hợp với Trường ĐH Văn Lang tổ chức.
TS Michael Waibel chia sẻ về sự biến đổi đô thị TP.HCM
Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm, TS Michael Waibel bày tỏ: “Đồng nghiệp của tôi cho biết họ rất lấy làm tiếc và than phiền rằng quá trình đô thị hóa tại Việt Nam nói chung, đặc biệt là TP.HCM thời gian qua đã nhanh chóng làm biến mất nhiều không gian kiến trúc cổ, phá vỡ những cảnh quan đến mức không còn nhận ra những hình ảnh quen thuộc mới hiển hiện vài năm trước đó…”.
Ông dẫn chứng hàng loạt biến đổi như khu di tích Ba Son, dãy nhà kiến trúc cổ tại quận 6, khu vực bán đảo Thủ Thiêm… Tuy nhiên, TS Michael Waibel cũng nhìn nhận, bên cạnh một số quyết định có phần tiếc nuối nói trên thì việc quy hoạch phố đi bộ Nguyễn Huệ được coi là quyết định đúng của chính quyền TP khi biến không gian đô thị thành không gian công cộng có lợi cho tất cả mọi người. Tương tự, tại Hà Nội, nhờ chính sách tốt của Chính phủ khi kiểm soát không cho những tòa nhà cao tầng nào tại khu vực hồ Hoàn Kiếm mọc lên, nhờ vậy mà không gian cảnh quan nơi đây vẫn giữ được kiến trúc. Đây là khu vực hiếm hoi vẫn bảo tồn được, trong khi nhiều khu vực khác thì các tòa nhà chọc trời đã thay thế.
TS Michael Waibel là nhà địa lý học, chuyên gia trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, Trường ĐH Hamburg. Ông có gần 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về các đô thị và đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi đô thị TP.HCM trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu. Riêng tại TP.HCM, trong hơn 20 năm qua, TS Michael Waibel đã thu thập rất nhiều tư liệu về sự thay đổi của đô thị TP.HCM. “Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996, lúc đó trong một lần đi dạo dọc theo hồ Hoàn Kiếm, nhìn không gian kiến trúc tại đây đã cho tôi nguồn cảm hứng đi đến quyết định làm đề tài nghiên cứu sinh của mình về sự phát triển đô thị Việt Nam”, TS Michael Waibel chia sẻ và cho biết kể từ năm 1996 đến nay, ông đã có hơn 100 lần quay trở lại Việt Nam để nghiên cứu về sự biến đổi của đô thị, tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Triển lãm ảnh tại TP.HCM lần này là một nội dung trong đề tài nghiên cứu sinh của TS Michael Waibel.
Những công trình kiến trúc quý giá từ thời Pháp thuộc ở quận 6 đã mất đi
Tại buổi khai mạc triển lãm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc, môi trường, đô thị cũng đã công bố những kết quả nghiên cứu, thảo luận và chia sẻ về tác động của chuyển đổi đô thị, của vấn đề di dân về các khu vực thành thị ảnh hưởng đến khí hậu, tác động đến môi trường đô thị, đưa ra các ý tưởng nghiên cứu và ứng dụng giải quyết vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu trong quá trình chuyển hóa đô thị. Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người đã trở thành một vấn nạn thế giới phải đương đầu. Trong bối cảnh công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, quá trình ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước,… sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu con người không sớm tìm ra giải pháp khắc phục.
PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐH Văn Lang cho hay, trong khoảng 40 năm qua, dân số TP.HCM tăng lên 5 lần, cụ thể dân số TP từ 2 triệu dân vào năm 1975-1978 thì nay đã hơn 10 triệu dân. Cùng với áp lực dân số là hàng loạt các thách thức khác liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu buộc mỗi người dân phải có cách ứng xử phù hợp. “Những thay đổi trong cách ứng xử của con người đối với môi trường đô thị đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực ngày càng rõ nét. Mật độ giao thông với khối lượng lớn không chỉ thay đổi hình ảnh đô thị mà còn làm thay đổi tập quán sinh hoạt của cư dân”, Kiến trúc sư - TS Đỗ Phú Hưng chia sẻ.
Trở lại khu di tích Ba Son và khu vực bán đảo Thủ Thiêm tại TP.HCM đã bị biến mất do quá trình quy hoạch đô thị, theo TS Michael Waibel, thay vì đánh đổi cảnh quan kiến trúc cổ với sự phát triển đô thị thì có thể chọn giải pháp kết hợp hai yếu tố này để biến thành những khu di sản hỗn hợp bên bờ sông, khi đó TP sẽ có được sự phát triển hoàn hảo một cách bền vững.
Cùng với triển lãm của TS Michael Waibel, Trường ĐH Văn Lang cũng tổ chức triển lãm các sản phẩm của ngành Kiến trúc, Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Cố vấn môi trường, Thiết kế Xanh,... Đây là những sản phẩm nghiên cứu của giảng viên và sinh viên nhà trường về sự thay đổi của đô thị, các giải pháp công nghệ và kỹ thuật ứng phó với chuyển đổi đô thị trong biến đổi khí hậu.
THÙY TRANG