Thi hành Luật Điện ảnh: Doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng lo… phạm luật
VHO- Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh vừa được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) tổ chức sáng qua 28.12 tại Hà Nội. Dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, Sở VHTTDL, Sở VHTT; lãnh đạo các Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh; Đài PTTH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà quản lý, giới chuyên gia và các cơ sở điện ảnh…
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm về việc triển khai quy định các điều kiện thực hiện phân loại, phổ biến phim trên không gian mạng
Nhiều nội dung thu hút sự chú ý của đại biểu tham dự Hội nghị như hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng; hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim…
Kỳ vọng đưa điện ảnh Việt vươn xa
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, trải qua 16 năm thi hành, Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sựnghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế…
“Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt là sự phát triển của các đơn vị sản xuất, phát hành và phổ biến phim tư nhân. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển xã hội hóa các hoạt động điện ảnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển công nghiệp điện ảnh”, ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, cần sớm được thay thế, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và hội nhập trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứtư.
Ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh: “Các quy định và nội dung mới tại Luật Điện ảnh 2022 được kỳ vọng đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế, đồng thời phát triển theo hướng vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, vừa thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa Việt Nam”.
Với những quy định mới của Luật Điện ảnh, nhiều doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng sẽ phải nghiên cứu, đáp ứng những điều kiện cần thiết Ảnh: INTERNET
Ngay sau khi Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành, Bộ VHTTDL đã tích cực, khẩn trương triển khai xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số131/2022/NĐ-CP ngày 31.12.2022 quy định chi tiết một sốđiều của Luật Điện ảnh; đồng thời ban hành 4 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh. Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, đến nay, có thể nói các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh năm 2022 đã hoàn thành; chỉ còn 1 Thông tư hướng dẫn về điều kiện để UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim. Cục Điện ảnh đang trình lãnh đạo Bộ và sẽ được ký ban hành trong thời gian sớm nhất.
Cục Điện ảnh tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh nhằm giúp các Bộ, Ban, ngành, các địa phương, các cơ sở điện ảnh và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh hiểu rõ hơn và thực hiện đúng quy định của pháp luật về điện ảnh.
Tại Hội nghị, giới thiệu Nghị định 131/2022/NĐ-CP, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt cho biết, về cơ bản, Luật Điện ảnh đã được đổi mới khá toàn diện, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục những thiếu sót, bất cập, và đặc biệt, có tính mở phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho điện ảnh Việt Nam phát triển. Điều này được thể hiện khá sâu sắc tại một sốquy định, trong đó có phát hành phim, phổ biến phim, quản lý phim trên không gian mạng, tổ chức LHP…
“Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng là phần quan trọng, chiếm nhiều dung lượng của Nghị định 131. Trong tổng số22 điều của Nghị định có tới 6 điều (từ 12-17) quy định chi tiết về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, chiếm 1/4 Nghị định là các quy định về nội dung này”, ông Việt cho biết.
Hình ảnh trích từ bộ phim đã phổ biến trên không gian mạng vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh
Hội đồng phân loại để phổ biến phim trên không gian mạng
Có 6 nhóm vấn đề được quy định cụ thể: Điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng; Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL; Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm phù hợp với độ tuổi người xem, để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm; Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan Nhà nước, phản ánh, khiếu nại, tốcáo của người sử dụng dịch vụ; Triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn vi phạm; Trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông…
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phổ biến phim trên không gian mạng bày tỏ sự quan tâm về việc triển khai quy định các điều kiện thực hiện phân loại phim. Theo quy định, nếu đã đáp ứng được yêu cầu, các chủ thể gửi hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng về Cục Điện ảnh. Trường hợp chưa đảm bảo điều kiện thực hiện phân loại thì đề nghị Cục Điện ảnh thực hiện phân loại.
Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 12 quy định về những điều kiện này gồm: Có hội đồng phân loại phim hoặc có phần mềm kỹ thuật, hoặc có cơ chế để thực hiện việc phân loại theo quy định, chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim.
Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng sau khi tiếp nhận yêu cầu phải thực hiện việc dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan; trong vòng 3-5 ngày đối với các nội dung vi phạm khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL.
“Đây là một trong những nội dung quan trọng được cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cũng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng đặc biệt quan tâm. Với sốlượng phim khổng lồ, việc kịp thời phát hiện những vi phạm và yêu cầu thực hiện việc dừng, gỡ bỏ phim vi phạm là áp lực lớn đối với các cơ quan, đối tượng liên quan. Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời phát hiện, “tuýt còi” đối với một sốphim đã phổ biến trên không gian mạng vi phạm Điều 9 của Luật Điện ảnh như: Hướng gió mà đi; Em là niềm kiêu hãnh của anh; MH 370: Chiếc máy bay biến mất; Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta; Đạp gió rẽ sóng…”, ông Đỗ Quốc Việt chia sẻ.
Nhiều ý kiến về các quy định mới của Luật Điện ảnh đã được các đại biểu thảo luận, góp ý kiến việc thực thi. Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho rằng, quy định về chế tài xử phạt trong điện ảnh đôi khi được thực hiện chưa kịp thời, chưa đủ sức răn đe. Trong khi ở nhiều nước có mức xử phạt rất nặng thì ở Việt Nam những hành vi vi phạm điều cấm chỉ bị phạt tối đa vài chục triệu đồng. Ông Nhiêm đề nghị cần nghiêm minh hơn, ngoài phạt tiền còn có thể thu giấy phép kinh doanh với những vi phạm nghiêm trọng như các vấn đề về chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia, vi phạm các vấn đề về đạo đức, thuần phong mỹ tục… nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh trong điện ảnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đưa các quy định của Luật Điện ảnh 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sớm đi vào cuộc sống, việc thực thi những quy định về xử phạt hành chính là rất quan trọng. Nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện ảnh đã được bổ sung tại Nghị định 128/2022/NĐ-CP. Đặc biệt, Nghị định 128 đã cập nhật quy định mới nhất về xử phạt các hành vi vi phạm điều cấm về phổ biến phim trên không gian mạng; cũng như lược bỏ những quy định không phù hợp. Ngoài hình thức xử phạt tiền, các quy định xử phạt còn là yêu cầu khắc phục hậu quả, gỡ bỏ phim vi phạm hay xử phạt bổ sung, tạo hệ thống chế tài nghiêm khắc, đồng bộ.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cũng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng đặc biệt quan tâm. Với số lượng phim khổng lồ, việc kịp thời phát hiện những vi phạm và yêu cầu thực hiện việc dừng, gỡ bỏ phim vi phạm là áp lực lớn đối với các cơ quan, đối tượng liên quan. Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời phát hiện, “tuýt còi” đối với một số phim đã phổ biến trên không gian mạng vi phạm Điều 9 của Luật Điện ảnh. (Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh ĐỖ QUỐC VIỆT) |
PHƯƠNG ANH