LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14:
Sức hấp dẫn bền bỉ của “người ghi chép sự thật”
VHO - Nhiều tác phẩm đặc sắc cùng hội tụ sẽ tiếp tục tạo nên sức hấp dẫn của “những người ghi chép sự thật” tại LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14, diễn ra từ 6 - 14.9 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Truyền tải “ngồn ngộn” hơi thở cuộc sống, thương hiệu của LHP sẽ đưa những tác phẩm phim tài liệu đặc sắc từ nhiều nền điện ảnh đến với công chúng Việt Nam.
Sống cùng phim tài liệu
Đạo diễn, NSƯT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng cho biết, công chúng yêu nghệ thuật sẽ lại có những ngày sống cùng phim tài liệu trong sự kiện lần này. Hai địa điểm trình chiếu các bộ phim trong khuôn khổ LHP gồm: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và DCiné Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM).
Sau 13 kỳ tổ chức, EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và các ĐSQ châu Âu) cùng đối tác Việt Nam là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tiếp tục hành trình giới thiệu những tác phẩm tài liệu xuất sắc thông qua LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14. Đây là sự kiện văn hóa thường niên, qua nhiều kỳ tổ chức đã để lại những ấn tượng tốt đẹp. Năm nay, Viện Goethe, Hội đồng Anh, ĐSQ các nước Áo, Tây Ban Nha, Italia, Phần Lan, Thụy Điển, Israel và Phái đoàn Wallonie- Bruxelles (Bỉ) sẽ tham gia LHP. Sự kiện quy tụ 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 9 phim quốc tế đến từ các quốc gia: Áo, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ (Wallonia-Brussels), Israel; bên cạnh 9 phim của nước chủ nhà Việt Nam đến từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và 4 phim của các tác giả độc lập.
“Mỗi buổi chiếu sẽ giới thiệu một phim tài liệu của Việt Nam và một phim tài liệu nước ngoài. Năm nay, Hãng sẽ dành một buổi chiếu phim của các tác giả độc lập Việt Nam. Những bộ phim tham dự tuy mang thông điệp riêng, song tựu chung, khán giả yêu điện ảnh sẽ có cơ hội để khám phá thêm về đất nước, con người và những nền văn hóa khác nhau…”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ.
Đại sứ Israel Yaron Mayer bày tỏ, LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 không chỉ là một sân chơi mà còn là nơi giao lưu, kết nối các nền văn hóa giàu bản sắc, dù cách xa nhau về địa lý nhưng lại đến gần nhau thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật. “Điện ảnh Israel xem đây là cơ hội đặc biệt để đưa đến khán giả Việt Nam bộ phim Dàn giao hưởng từ rạn vỡ - một tác phẩm đầy chất thơ, kể về một dàn nhạc được tạo nên bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư, già có, trẻ có, tất cả bất chấp mọi khó khăn để chuẩn bị cho một đêm hòa nhạc duy nhất ở Jerusalem. Thông điệp của phim là dùng âm nhạc - ngôn ngữ toàn cầu - để kết nối mọi trái tim, mọi khoảng cách, mọi nền văn hóa lại với nhau”, ngài Đại sứ cho biết.
“Bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc
Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt nhận định, phim tài liệu mang đến góc nhìn độc đáo về những chủ đề hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật, giúp chúng ta nhìn nhận thế giới qua những lăng kính mới lạ. Bằng cách thể hiện đầy tính nghệ thuật, phim tài liệu cung cấp những chiều sâu tư duy, khơi gợi cảm xúc, thách thức những quan điểm riêng, phơi bày các vấn đề xã hội và khuyến khích sự phát triển cá nhân.
Trong 9 ngày diễn ra, khán giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm tài liệu đặc sắc, nhiều phim đã giành được giải thưởng danh giá. “Loạt phim Việt Nam được chọn tập trung vào nội dung bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật và trò chơi truyền thống, như một phương tiện để kết nối các thế hệ và hàn gắn những đứt gãy lịch sử. Các bộ phim châu Âu khám phá sức mạnh của thực hành nghệ thuật, bao gồm ca hát, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật truyền thống và thể thao, để đối mặt với sự tha hóa của thời hiện đại, thúc đẩy kết nối, chữa lành và phát triển tập thể, trong một thế giới đầy phức tạp và mâu thuẫn…”, Chủ tịch EUNIC Việt Nam Oliver Brandt nhìn nhận.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng thông tin thêm: “Đối với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, mỗi kỳ LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam đều là cơ hội quảng bá những tác phẩm xuất sắc. Đây cũng là dịp để các nhà làm phim và khán giả yêu nghệ thuật được tìm hiểu, khám phá về những vùng đất, con người, bản sắc văn hóa trong những bộ phim được các quốc gia gửi đến tham gia”.
Các bộ phim tại LHP năm nay đề cập nhiều đến chủ đề bản sắc cá nhân, bản sắc văn hóa và vai trò quan trọng của giáo dục. Ngọn lửa Đào Tấn, phim của đạo diễn Trịnh Quang Tùng cùng phim tài liệu Thiên đường Karaoke của điện ảnh Phần Lan là hai tác phẩm được lựa chọn chiếu mở màn vào tối 6.9.
Trong số các tác phẩm của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tham dự còn có Dòng sông ký ức do NSND Nguyễn Thước đạo diễn, khai thác về cuộc đời, sự nghiệp của NSND Trà Giang. Phim được quay tại TP.HCM - nơi NSND Trà Giang đang sinh sống, sau đó đoàn làm phim trở lại quê hương của bà, rồi trở ra Hà Nội - nơi nữ nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp diễn xuất. Dòng sông ký ức không chỉ là câu chuyện về những vai diễn để đời của NSND Trà Giang mà còn cho thấy hình ảnh nghệ sĩ trong cuộc sống đời thường.
Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lần này cũng giới thiệu đến khán giả các phim: Trên đỉnh Phja Khao, Đi về phía mặt trời, Đồng vọng Bài Chòi, Nói với con về giới tính, Những tù nhân không số, Đường tới đích, Tìm lại tuổi thơ qua trò chơi dân gian, Giữa dòng phù sa, Trại ghe của bà Ba Liên, Con đường đi học, Mẹ yêu con nhất trên đời.