Phim Việt phục dựng lịch sử

VHO- Trên thực tế, đề tài lịch sử được xếp vào hàng “khó nhằn” đối với giới làm phim Việt bởi nhiều yếu tố, vì thế cho đến nay, số lượng dòng phim này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi nhiều dự án vẫn “án binh bất động” thì mới đây, đạo diễn Lương Đình Dũng đã rục rịch bấm máy bộ phim chiếu rạp đề tài lịch sử mang tên Anh hùng để kể về nỗ lực giải oan cho danh thần Nguyễn Trãi.

Phim Việt phục dựng lịch sử - Anh 1

Phượng Khấu” đã tạo ra một bước đột phá lớn trong tổ chức sản xuất và dàn dựng thể loại phim dã sử cổ trang Việt Nam

 Và Anh hùng đã tiếp tục dấy lên sự quan tâm của khán giả lẫn giới chuyên môn về thể loại này.

Khó trăm bề

Chỉ hơn 20 bộ phim trong hơn 6 thập kỷ là con số khiến không ít người ngỡ ngàng khi kể về thành tích của phim lịch sử ra rạp. Thậm chí, trong số này chưa có tác phẩm nào thực sự gây được tiếng vang lớn, tạo thành “cơn sốt” trong nước hay xa hơn thế. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều nhà làm phim đã mạnh dạn đầu tư vào dòng phim khó nhằn với niềm hy vọng mới. Hiện Trưng Vương, Quỳnh hoa nhất dạ, Huyết rồng, Anh hùng… đang là những cái tên được công chúng chờ đợi.

Anh hùng do Lê Ngọc Minh viết kịch bản và Lương Đình Dũng làm đạo diễn, lấy bối cảnh Việt Nam thế kỷ XV, dự kiến ra rạp vào cuối năm 2024. Phim sẽ tái hiện câu chuyện vua Lê Thánh Tông lật lại vụ án Lệ Chi viên, minh oan cho gia tộc Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, phim sẽ không tập trung khai thác vụ thảm án năm 1442, mà lấy mốc năm 1464 với hành trình “giải oan” của vua Lê Thánh Tông.

Ê kíp sáng tạo cho biết, hiện phim đang trong giai đoạn tuyển diễn viên, làm phục trang, đạo cụ… dưới sự cố vấn của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử. Đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ, anh rất vinh dự khi được thực hiện tác phẩm điện ảnh về danh nhân Nguyễn Trãi, dù biết làm phim lịch sử khó khăn trăm bề. Qua đó mong muốn phim không chỉ mang tính giải trí thông thường mà còn là khát vọng tái hiện lại sử Việt, khắc họa rõ nét chân dung các vị vua, nhà chính trị tài ba Nguyễn Trãi, ảnh hưởng tích cực tới nhận thức của khán giả về giai đoạn lịch sử này của đất nước.

Song song với phát hành trong nước, nhà sản xuất Anh hùng dự kiến sẽ lan tỏa phim tới hơn 30 nước, giúp khán giả quốc tế cũng thấy được bề dày lịch sử oai hùng của Việt Nam, những vị vua anh minh, những vị khai quốc công thần và các danh tướng, danh thần đất Việt…

Có thể thấy, với nhiều nhà làm phim độc lập, dù đã lường trước khó khăn nhưng họ vẫn quyết định đầu tư làm phim lịch sử, như dự án Trưng Vương của Trương Ngọc Ánh hoặc Quỳnh hoa nhất dạ của Thanh Hằng. Sự mạo hiểm đó cho thấy niềm đam mê và sự khao khát phục dựng lịch sử nước nhà. Dẫu vẫn chưa có câu trả lời cho việc phim “thành” hay “bại”, nhưng nỗ lực ấy sẽ giúp điện ảnh nước nhà khởi sắc hơn. Bởi, nếu có thất bại thì sẽ cũng để lại những kinh nghiệm, bài học quý giá cho các nhà làm phim tiếp theo sau, thay vì bỏ ngỏ nguồn tư liệu phong phú này. Có thêm một tín hiệu đáng mừng hiện nay là nhiều đạo diễn trẻ cũng mong muốn được thử sức, như sau thành công của Phượng khấu, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng đang bắt tay triển khai dự án phim lịch sử Huyết rồng.

Bên cạnh phim chiếu rạp, một số phim lịch sử đã quay xong hoặc đang triển khai thực hiện như các tác phẩm về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Anh hùng Tây Sơn, Nam Phương Hoàng hậu… cũng góp phần sôi nổi cho dòng phim này. Đáng chú ý nhất là Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm, một trong ba tác phẩm được Cục Điện ảnh đặt hàng sản xuất trong 2 năm 2022-2023 và đến nay đã đi gần xong chặng đường ghi hình. Dù là đề tài kén khách với quá trình sản xuất chồng chất khó khăn, nhưng ê kíp thực hiện bộ phim khẳng định, đây sẽ là tác phẩm chạm đến chiều sâu cảm xúc của những người yêu điện ảnh. Theo đó, phim chuyển tải thông điệp nhân văn về những giá trị đạo đức chuẩn mực của người Việt, thông qua tái hiện cuộc đời thăng trầm của danh nhân văn hóa Đoàn Thị Điểm trong bối cảnh xã hội Việt Nam từ 300 năm trước.

Có kén khán giả?

43 triệu là doanh thu của Huyền sử Vua Đinh và sau vài ngày công chiếu khi không tạo được bất kỳ dấu ấn nào đã buộc phải rút lui khỏi các cụm rạp. Trước đó, nhiều tác phẩm như Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long… cũng thua lỗ hàng chục tỉ do không thu hút được khán giả. Biện minh cho thất bại ấy có rất nhiều lý do, và một trong những nguyên nhân được “ưa dùng” đó là “phim lịch sử kén khán giả”.

Vậy trên thực tế, phim lịch sử có kén khán giả thật không?

Dạo quanh các bộ phim chính sử, dã sử, cổ trang của điện ảnh Việt Nam nhiều năm qua, chúng ta có thể dễ nhận thấy một điểm chung là dòng phim này rất khó thành công về mặt doanh thu. Thế nhưng cũng không thể đánh đồng cho việc khán giả quay lưng, bởi nếu tìm kiếm trên mạng xã hội, sẽ không khó có thể nhận thấy dòng phim này ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn rất hấp dẫn người xem. Rõ ràng, cái gì hấp dẫn hơn tất sẽ thu hút được nhiều công chúng hơn và phim lịch sử cũng vậy. Chưa hấp dẫn là do cách làm phim chứ không phải nội tại của phim lịch sử là không hay và dẫn tới sự thờ ơ của công chúng.

Làm phim lịch sử không dễ bởi phải đầu tư rất lớn và đòi hỏi những nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh, con người, sự kiện… đồng thời đòi hỏi luôn cả khả năng tổng hợp, phân tích, nhận định. Chính những cái khó ấy mới là thứ mà những nhà làm phim cần chinh phục trước rồi mới nghĩ tới chinh phục khán giả. Cùng với đó, áp lực lớn đó chính là kinh phí. Phim trường không có cũng là một khó khăn lớn khi hầu như chỉ được dựng tạm bợ. Như bộ phim Huyền sử vua Đinh đã bị khán giả chỉ ra hàng loạt lỗ hổng, thiếu sót về mặt hình ảnh, nội dung; và đạo diễn cũng thừa nhận còn nhiều điểm chưa hoàn thiện vì kinh phí sản xuất hạn hẹp.

Nghệ thuật không chỉ là câu chuyện mà còn là cách kể chuyện. Phần lớn khán giả chia sẻ họ sẵn sàng ủng hộ phim sử Việt nếu tác phẩm được tạo ra từ đội ngũ làm phim có tâm, có tầm. Qua đó để thấy được, sự đầu tư chỉn chu từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, bối cảnh đến phục trang, âm nhạc… mới là chìa khóa cho sự thành công của phim lịch sử, thay vì cứ mãi “đổ lỗi” cho công chúng. 

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc