LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất: Tiến tới xây dựng “Thành phố điện ảnh”

VHO - LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024 đã chính thức bắt đầu từ ngày 6 đến hết ngày 13.4. Đây là một trong những hoạt động chiến lược của TP nhằm phát triển và nâng cao chất lượng, uy tín ngành điện ảnh, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch TP.HCM đến với bạn bè quốc tế.

LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất: Tiến tới xây dựng “Thành phố điện ảnh” - Anh 1

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại lễ Khai mạc LHP

 Đặc biệt, LHP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, chắp cánh cho các dự án phim đang trong quá trình thực hiện của các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Khẳng định vị thế điện ảnh nước nhà

Phát biểu khai mạc LHP, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trong sự phát triển chung của nền điện ảnh Việt Nam hơn 70 năm qua với những thành tựu rực rỡ, nhiều tác phẩm và tên tuổi của đội ngũ làm phim đã giúp điện ảnh nước nhà vang danh thế giới, TP.HCM cũng vinh dự đóng góp một phần vào thành công chung đó. Đây được xem là thị trường lớn về lĩnh vực sản xuất, phát hành phim của cả nước, với lực lượng sáng tạo hùng hậu và số lượng lớn phim sản xuất hằng năm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại...

UBND TP.HCM đã ban hành Đề án về Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, trong đó ngành Công nghiệp Điện ảnh được xác định là một trong tám ngành trọng tâm, có tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/ năm, đạt trên 5.000 tỉ đồng (trong đó phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu). TP mong muốn thông qua hoạt động của các LHP quốc tế sẽ tăng cường thu hút hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa nói chung, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho TP.

“Tiếp nối mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp Điện ảnh, lần đầu tiên, TP.HCM tổ chức LHP quốc tế với mong muốn tạo nên một sự kiện điện ảnh góp phần đưa TP trở thành điểm đến cho các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, tiến tới hình thành Thành phố Điện ảnh (Film City), được công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Mạng lưới UCCN)”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Trong thư chào mừng LHP quốc tế TP.HCM, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật đặc sắc, là cầu nối văn hóa quan trọng giữa các quốc gia. Điện ảnh vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và văn hóa, mở ra cánh cửa giao lưu, chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng và cảm xúc đến từ mọi nơi trên thế giới. LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024 được tổ chức là minh chứng cho tiềm năng và sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Tại LHP lần này, điện ảnh nước nhà vinh dự đóng góp nhiều bộ phim được dự kiến trình chiếu. “Với sự đa dạng, phong phú, thủ pháp thể hiện độc đáo, các tác phẩm điện ảnh trong LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024 hứa hẹn mang tới cho khán giả và các đại biểu quốc tế những trải nghiệm đặc sắc, thú vị về văn hóa, thiên nhiên, con người của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh.

LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất: Tiến tới xây dựng “Thành phố điện ảnh” - Anh 2

 Tọa đàm phát triển điện ảnh TP.HCM vào sáng 7.4

Chuỗi hoạt động phong phú, bi bn

LHP sẽ có ba hạng mục tranh giải chính, đó là: Phim Đông Nam Á, Phim đầu tay Phim ngắn với các giải thưởng Sao Vàng (Golden Star) dành cho phim Đông Nam Á xuất sắc nhất; Nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất (Best Emerging Director); Phim ngắn xuất sắc nhất; Giải thưởng Phim TP.HCM. Ngoài ra là hệ thống các giải thưởng cá nhân dành cho đạo diễn, diễn viên, quay phim, dựng phim, kỹ xảo hình ảnh… Thành phần BGK là những nghệ sĩ, chuyên gia nổi tiếng và có chuyên môn cao như: NSND, Đạo diễn Đào Bá Sơn; NSND, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân; NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM… cùng các nhà làm phim có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Không chỉ là sân chơi cho các nhà làm phim khi mang những “đứa con tinh thần” của mình đến để cùng nhau cọ xát, LHP quốc tế TP.HCM còn có rất nhiều hoạt động phong phú, sôi động, cho thấy sự chuyên nghiệp, bài bản từ BTC để tiến tới việc tổ chức thường niên. Bên cạnh hạng mục trao giải, điểm nhấn của sự kiện lần này là lịch chiếu phim trải dài trong suốt thời gian diễn ra, với 60 phim chiếu ở khắp các cụm rạp CGV, Galaxy, BHD, Lotte, Cine Park ngoài trời ngay Công viên bờ sông Thủ Thiêm, TP Thủ Đức; 5 hội thảo chuyên môn; các hội chợ dự án kịch bản phim, kết nối kinh doanh của Hiệp hội người mua và phân phối phim nước ngoài; triển lãm điện ảnh; ra mắt phim mới, giao lưu đoàn phim, nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi từ Pháp, Nhật, Hàn Quốc… Những hoạt động này sẽ diễn ra liên tục suốt 8 ngày, giúp TP.HCM lần đầu tiên được sống trong không khí lễ hội của một LHP tầm cỡ quốc tế, với hơn 200 nhà làm phim và khách mời các nước, cùng đông đảo nhà làm phim, nghệ sĩ điện ảnh Việt tham dự.

Đặc biệt, LHP quốc tế TP.HCM sẽ là nơi chắp cánh cho các dự án phim đang trong quá trình thực hiện thông qua chương trình “Chợ dự án HIFF” và “Vườn ươm kịch bản”. Không dừng lại ở đó, với những nhà làm phim trẻ, thay vì phải tìm kiếm cơ hội ở các LHP được tổ chức ở các nước khác, thì nay có thể tranh tài, tìm cơ hội ngay trên sân nhà. “Chợ dự án HIFF” kế thừa truyền thống của Autumn Meeting với sự dẫn dắt của NSX Trần Thị Bích Ngọc đã thu hút sự quan tâm của nhiều dự án trên thế giới gửi về. Từ 56 dự án, BTC đã chọn ra 10 dự án (5 phim nghệ thuật và 5 phim giải trí) để vào vòng Đào tạo hướng dẫn, trình bày trước các quỹ đầu tư và các studio. Đặc biệt, chợ còn hấp dẫn hơn khi có dự án được gửi bởi đạo diễn của bộ phim đã tạo hiệu ứng “đốt cháy phòng vé” Bỗng dưng trúng số (Hàn Quốc). “Chợ dự án HIFF” năm nay còn được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Cơ quan điện ảnh Pháp.

“Vườn ươm kịch bản”, hoạt động lần đầu diễn ra tại HIFF và được dẫn dắt bởi các nhà làm phim tên tuổi, cũng nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt thành của các biên kịch trẻ. Với triết lý hướng tới việc phát triển nguồn nhân lực sáng tác kịch bản, yếu tố mấu chốt dẫn tới thành công của các bộ phim và nền điện ảnh nói chung, hoạt động chỉ dành cho các bộ phim nói tiếng Việt và sản xuất tại Việt Nam. Các nhà làm phim quốc tế vẫn có thể tham dự nhưng phim phải được sản xuất tại Việt Nam. Đây cũng là chiến lược hướng tới việc phát triển các dự án hợp tác quốc tế, đưa TP.HCM trở thành một điểm đến mới về sản xuất và quay phim. Kết thúc chương trình, một dự án sẽ được chọn cho mỗi hạng mục Kịch bản phim điện ảnh và Kịch bản phim truyền hình. Đặc biệt, đạo diễn Kore-eda và đạo diễn Kim Jee-woon (Hàn Quốc) sẽ có các buổi master class dành cho các nhà làm phim trẻ trong khuôn khổ “Chợ dự án HIFF” và “Vườn ươm kịch bản”. Đây không chỉ là những buổi giao lưu mà là những buổi nói chuyện chuyên sâu về những câu chuyện làm nghề sâu sắc.

Song song đó còn có chuỗi hội thảo chuyên đề về phát triển điện ảnh Đông Nam Á, chiến lược phát triển điện ảnh TP.HCM… thảo luận từ các vấn đề vĩ mô liên quan tới phát triển chính sách, ngoại giao văn hóa thông qua điện ảnh, tới những vấn đề thiết thực trong việc hợp tác và sản xuất phim như: Điện ảnh TP.HCM - Tầm nhìn và chiến lược phát triển; Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á; Hoạt hình và kỹ xảo Việt: Cơ hội thị trường toàn cầu; Tiếp cận các quỹ làm phim quốc tế… với sự tham gia của lãnh đạo Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam và TP.HCM, Chủ tịch danh dự Kim Dong Ho, NSND Đào Bá Sơn, Chủ tịch hội đồng duyệt phim Hàn Quốc, Giám đốc LHP Hồng Kong, Singapore, Indonesia, Malaysia…

Có thể thấy, LHP quốc tế TP.HCM sẽ là cơ hội nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường điện ảnh TP nói riêng và Việt Nam nói chung, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế. Sự kiện góp phần đưa Thành phố mang tên Bác trở thành điểm đến cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước. Với tầm quan trọng của sự kiện, kỳ vọng về một nền điện ảnh phát triển, hội nhập không chỉ của BTC, người làm nghề mà cả những người yêu mến điện ảnh đã và đang được hiện thực hóa. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc